Báo chí góp phần vào thành công chung phát triển kinh tế, xã hội

Thứ Năm, 31/12/2020 10:33

|

(CAO) Ngày 31-12, tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí toàn quốc tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Dự Hội nghị có Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; ông Thuận Hữu - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân; đại diện lãnh đạo các Bộ ban ngành Trung ương; cùng các lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí; lãnh đạo các cơ quan báo chí...

Toàn cảnh Hội nghị

Báo chí tạo niềm tin với nhân dân, góp phần phòng chống dịch hiệu quả

Hội nghị đã đánh giá lại tình hình năm hoạt động của Báo chí trong năm 2020 có nhiều khó khăn thách thức. Vượt qua mọi khó khăn, Báo chí đã góp phần vào thành công chung trong việc phát triển kinh tế, xã hội.

Ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, năm 2020 là năm kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng, đạt mức 2,91%, thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái nghiêm trọng do ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Năm 2020 diễn ra Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; năm diễn ra nhiều ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước...

Ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự Hội nghị

Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí tiếp tục được thực hiện nhất quán theo phương châm chủ động, kịp thời, hiệu quả, thuyết phục, nhất là đối với các vấn đề quan trọng, phức tạp, nhạy cảm.

Theo ông Hùng, việc chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí, nhất là đối với những sai phạm liên quan việc xa rời tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật được tăng cường. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 cơ bản bảo đảm tiến độ.

Năm 2020 cũng là năm có nhiều sự kiện báo chí diễn ra. Trong đó, thực hiện Quy hoạch báo chí, trong năm 2020, cả nước đã giảm 71 cơ quan báo chí so với năm 2019.

Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo, 612 tạp chí, 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập, cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình.

Hiện có hơn 41.000 người đang công tác tại các cơ quan báo chí với 21.132 người được cấp thẻ nhà báo. Năm 2020, do sự cạnh tranh mạnh mẽ của truyền thông xã hội, cùng những khó khăn của kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, doanh thu của nhiều cơ quan báo chí giảm mạnh so với trước.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam Tham dự Hội nghị

Trong năm 2020 vừa qua, các cơ quan báo chí đã thực hiện nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thông tin của Đảng, Nhà nước, ngành Tuyên giáo, bám sát mục tiêu giữ vững ổn định chính trị, sự đồng thuận của xã hội và lòng tin của nhân dân đối với Đảng. Thông tin kịp thời, trung thực, toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn tin cậy của nhân dân.

Nội dung thông tin trên báo chí phong phú, toàn diện, có tính phản biện xã hội; tập trung thông tin các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; chú trọng nhiệm vụ, vai trò của báo chí trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch...

Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 được các cơ quan báo chí quan tâm, chú trọng, qua đó góp phần quan trọng vào thành công chung của công tác phòng chống dịch, bệnh.

Đáng chú ý, năm 2020, công tác thông tin tuyên truyền tập trung trọng tâm vào một số vấn đề lớn như: phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quốc phòng, an ninh; chăm lo công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; Đại hội Đảng các cấp, góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng...

Các đại biểu dự Hội nghị.

Nổi bật nhất trong hoạt động của báo chí trong năm 2020 là đã bám sát các sự kiện chính trị, hoạt động đối ngoại quan trọng của đất nước; diễn biến dịch bệnh COVID-19, tình hình thiên tai bão lũ để có những định hướng, điều chỉnh kịp thời thông tin của các cơ quan báo chí...

Qua đó, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí chủ động trong hoạt động và tác nghiệp, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm báo chí chất lượng tốt. Các cơ quan chức năng cũng có nhiều giải pháp trong việc đấu tranh xử lý thông tin xấu, độc trên môi trường mạng internet, đạt được kết quả bước đầu tích cực.

Năm 2020, việc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được chỉ đạo triển khai và thực hiện quyết liệt, cơ bản bảo đảm tiến độ đề ra. Đã có 61/78 cơ quan, tổ chức, địa phương (phải thực hiện Quy hoạch) hoàn thành thực hiện sắp xếp, quy hoạch báo chí.

Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương xem xét, xử lý hồ sơ của các trường hợp còn chưa hoàn thành quy hoạch, bảo đảm đúng các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Công tác rà soát, chấn chỉnh hoạt động của cơ quan báo chí, văn phòng đại diện, phóng viên, cộng tác viên được quan tâm; xử lý nghiêm các trường hợp cơ quan báo chí hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật, tình trạng “báo hóa” tạp chí điện tử.

Năm 2020 đã xử phạt 18 cơ quan báo chí với tổng số tiền 427,7 triệu đồng; 13 trường hợp trang thông tin điện tử với tổng số tiền trên 600 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động báo chí đối với 2 cơ quan báo chí và thu hồi thẻ nhà báo của 02 trường hợp do có sai phạm nghiêm trọng.

Nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức của người làm báo

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết nhiệm vụ của Báo chí trong năm 2021 là cần đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tập trung thông tin, tuyên truyền, phản ánh các sự kiện chính trị, xã hội quan trọng của đất nước, đặc biệt là thông tin, tuyên truyền về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó nhấn mạnh kết quả đạt được; triển khai đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, thông tin về bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV, các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030...

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.

Các cơ quan quản lý báo chí tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; phối hợp với Hội Nhà báo và cơ quan chủ quản nhằm tạo sự thống nhất trong lãnh đạo, quản lý hoạt động báo chí; tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025, kịp thời đề xuất, kiến nghị các biện pháp, giải pháp khắc phục khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Đổi mới công tác chỉ đạo tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; tổ chức họp giao ban định kỳ giữa các đơn vị liên quan để đánh giá kết quả và thống nhất cơ chế, phương thức tuyên truyền xuyên suốt, đồng bộ với sự tham gia của các cơ quan báo chí ở các loại hình báo chí.

Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và hệ thống báo chí để rà soát, đánh giá đầy đủ, toàn diện những vấn đề phát sinh, bất cập của quy định pháp luật, làm cơ sở đề xuất sửa đổi Luật Báo chí trong năm 2021, trong đó chú trọng quản lý nội dung đi đôi với quản lý nền tảng, công nghệ.

Đối với cơ quan báo chí, cần tăng cường xây dựng Đảng trong các cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh, tăng cường bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, giáo dục đạo đức cách mạng của người làm báo.

Chủ động tăng cường các tuyến tin, bài liên quan công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời phản bác các luận điệu thù địch, các phần tử cơ hội chính trị. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật nhà nước về công tác báo chí, hoạt động báo chí, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội của người làm báo; tăng cường rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà báo.

Bình luận (0)

Lên đầu trang