"Báu vật" của Quân khu

Thứ Hai, 29/05/2023 20:33

|

(CATP) Kể từ sau Tết Mậu Thân 1968 đến ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, biệt danh Dũng "râu" hay Dũng "quận trưởng" luôn nằm trong danh sách săn đuổi, truy lùng hàng đầu của Nha Cảnh sát Đô thành chế độ cũ. Đây là người mà chúng ví là "báu vật" của Quân khu Sài Gòn - Gia Định, với đôi tay "phù thủy" có thể làm giả các loại giấy tờ của địch cho cán bộ, chiến sĩ Biệt động Sài Gòn (BĐSG) đi lại hợp pháp.

Nhiệm vụ đặc biệt

Có thể nói, đường vào chiến khu của ông Lâm Quốc Dũng (SN 1949) không xa như nhiều đồng đội của ông. Từ quê nhà "đất thép" Củ Chi, lội suối, băng rừng hơn chục cây số là vào đến chiến khu. Hồi đó, ông không sợ cực khổ, nhưng mới 14 tuổi mà rời gia đình, trong lòng cảm thấy cũng xa nhà. Vào chiến khu, ông được Ban An ninh T4 cho học nghề điêu khắc gỗ. Sau 2 năm miệt mài, đầu năm 1966, cơ quan quân báo của Quân khu Sài Gòn - Gia Định nhận ông về, giao nhiệm vụ làm giả các loại giấy tờ của địch, như: căn cước, giấy hoãn dịch, giấy chứng nhận giải ngũ, giấy chứng nhận hoàn lương, giấy nghỉ phép...

Các loại giấy tờ được làm giả cấp cho ai đều phải do thủ trưởng trực tiếp của ông Dũng quyết định. Một số loại giấy tờ đặc biệt, hạn chế cấp, như: giấy chứng nhận tại ngũ cho sĩ quan, sự vụ lệnh... chỉ có cán bộ cấp cao, thực thi công vụ đặc biệt mới được cấp, vì sợ lộ cơ sở bên trong. Đây là loại giấy có mẫu in sẵn, được cơ sở bên trong nội thành gửi ra chiến khu theo yêu cầu. Việc còn lại là pha chế mực, in thêm thông tin người sử dụng vào, cuối cùng là ấn ký sao cho giống y như thật, một li cũng không được sai. Ông Dũng nhớ rõ mỗi lần làm giấy căn cước cho ai, ở quận nào thì phải biết rõ tên tuổi của quận trưởng đó, đeo lon gì, ký tên bằng loại bút nào, mực màu gì..., rồi làm giả y như thật. Hồi đó ở trong rừng không có máy móc tân tiến, chỉ có cái máy đánh chữ, bộ dao khắc, máy ảnh và một ít giấy, mực. Hầu hết các công đoạn phải làm thủ công. Đến bàn làm việc cũng phải lấy 2 thùng đạn 20 ly ghép lại.

Ông Lâm Quốc Dũng (ảnh chụp gần cuối thập niên 1960)

Đáng nhớ nhất là thời điểm quân ta chuẩn bị tấn công nội đô Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân 1968. Trong 12 năm ở chiến khu, đây là thời điểm ông Dũng bị áp lực nhiều nhất. Ông kể khi đó có khoảng 200 chiến sĩ BĐSG, quân báo, giao liên... được tổ chức chuẩn bị đưa vào nội đô Sài Gòn tham gia chiến dịch bằng con đường công khai, hợp pháp. Muốn vậy phải có giấy tờ hợp pháp "lận lưng", vì từ vùng "xôi đậu" vào Sài Gòn phải qua nhiều đồn bót, chốt chặn của mật vụ, quân cảnh, chiêu hồi... kiểm tra, nhìn mặt, thậm chí địch còn xem đến cả mu bàn chân coi có hình quai dép râu không. Nếu phát hiện dấu hiệu khả nghi hoặc không có giấy thông hành hợp pháp thì rất dễ bị bắt.

Lúc này, trong tổ làm giấy tờ giả có 2 người. Ngoài ông Dũng, người còn lại chỉ làm được một công đoạn trong tất cả các khâu "sản xuất" giấy tờ. Bất ngờ vào phút cuối, có lệnh "vét quân", tổ chức cân nhắc và chọn đồng đội của ông Dũng lên đường. Chỉ còn ông Dũng được giữ lại vì một mình ông có thể làm được toàn bộ các khâu, từ việc đánh máy, chụp ảnh, khắc dấu, ký tên, ép nhựa... "Khâu nào cũng đòi hỏi phải tinh tế, chính xác. Chỉ cần sai một li là có thể đánh đổi bằng sinh mạng của đồng chí mình, thậm chí tổn hại cả một tổ chức, kế hoạch. Bởi vậy, khi trao cho ai "tấm bùa hộ mệnh" do mình làm ra, tôi luôn ý thức làm việc với trách nhiệm cao nhất" - Ông Dũng tâm sự.

Diễn vai "nhân viên tình báo thứ thiệt"

Bấy giờ, theo chỉ đạo của cấp trên trực tiếp là ông Bảy Sơn (Đại tá Trần Minh Sơn, Phó Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định kiêm Tham mưu trưởng BĐSG, mới mất vào ngày 18/01/2023), ông Dũng phải khẩn trương làm ngay để kịp kế hoạch tác chiến. Ông Dũng nói: "Cũng may trước đó mấy tuần, các anh em từ cơ sở nội thành ra chỉnh huấn chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công, đã được làm xong giấy tờ "nhập thành". Chỉ còn lại khoảng 50 anh em BĐSG và quân báo là chưa có giấy thông hành hợp pháp. Tôi lao vào làm việc ngày đêm, chỉ trong vòng một tuần đã hoàn tất giấy tờ và mọi người đã vào thành trót lọt".

Trong thời gian này, ông Dũng nhớ nhiều kỷ niệm khó quên. Đó là lần ông làm giả giấy trích lục khai sinh cho một cậu ở lực lượng quân báo còn độ tuổi thiếu niên. Trong một lần vào thành công tác, cậu ta bị quân cảnh của địch nghi ngờ, bắt giữ. Để chứng minh tuổi của mình, cậu này trình ra bản trích lục khai sinh. Đám quân cảnh nghi ngờ, hỏi: "Ai làm giấy này cho mày?". Cậu thiếu niên trả lời tỉnh bơ: "Tía tôi làm chứ ai". "Tía mày có phải Dũng "râu" không?" (một biệt danh khác của ông Lâm Quốc Dũng). Cậu thiếu niên đáp: "Tui đâu có biết ông đó...". Thực ra đám quân cảnh chỉ đoán mò, chứ không phát hiện đó là giấy tờ giả nên sau mấy giờ thẩm vấn đã thả cậu ta ra. Cậu thanh niên đó chính là ông Mai Phước Khải, năm nay 70 tuổi, đang sinh sống ở Q.Tân Phú (TPHCM).

Ở tuổi 74, ông Dũng vẫn rất cường tráng, phong độ

Một kỷ niệm khó quên khác là lần "cấp" sự vụ lệnh cho ông Sáu Cúc (ông Nguyễn Văn Tiết), Trưởng ban Quân báo Quân khu để vào thành điều nghiên chiến sự. Sự vụ lệnh thật do Phủ đặc ủy Trung ương tình báo của chế độ cũ cấp, người ký phải mang hàm đại tá trở lên. Ông Sáu Cúc căn dặn ông Dũng rằng sau khi "cấp" giấy này cho mình thì không được cấp cho ai khác, cả về sau cũng vậy, cấp cho ai phải hỏi ý kiến ông Sáu Cúc.

Sau khi "nhập thành" Sài Gòn an toàn, mấy ngày sau, ông Sáu Cúc trở ra chiến khu theo ngã Long An qua Hồng Ngự (Đồng Tháp). Vừa về đến Hồng Ngự, ông Sáu Cúc bị cảnh sát chặn lại kiểm tra. Chốt chặn khi đó có hơn 10 người đứng lố nhố, bằng giác quan nghề nghiệp, ông Sáu Cúc biết trong đó có mật vụ và chiêu hồi. Ông liền khều tên cảnh sát đứng gần rồi "nhá” tờ "sự vụ lệnh" cho xem, đề nghị cho gặp người chỉ huy cao nhất. Tên cảnh sát gật đầu lia lịa, nghĩ gặp phải thứ thiệt, liền dẫn ông Sáu Cúc vào gặp đồn trưởng.

Thực ra, ông muốn thoát khỏi tầm mắt của mấy tên chiêu hồi, mật vụ. Nhưng lỡ "leo lên lưng cọp" nên vừa vào đồn, ông Sáu Cúc diễn luôn vai nhân viên tình báo thứ thiệt của Phủ tổng thống, đang thi hành công vụ. Thật không ngờ, ông Sáu Cúc được tiếp đón như một thượng khách. Tên đồn trưởng đề nghị ông ở lại qua đêm, với lý do vào buổi chiều vùng này Việt Cộng hoạt động rất dữ, "sếp" đi công cán bất tiện và nguy hiểm, sáng hôm sau sẽ cho người hộ tống.

Ngay trong đêm đó, đường dây giao liên báo về Quân khu rằng ông Sáu Cúc đã bị bắt ở Hồng Ngự. Cấp trên của ông khi đó chuẩn bị một món tiền chuộc để giải cứu. Nhưng chưa kịp giải cứu, trưa hôm sau tin tức báo là ông Sáu Cúc đã về tới căn cứ an toàn.

"Bộ đồ nghề" ông Dũng mang theo suốt từ năm 1966 đến nay, đã góp công vào rất nhiều trận thắng của Biệt động Sài Gòn

Làm giả cả "căn cước rồng xanh"

Chúng tôi thắc mắc vì sao ông Dũng ở trong chiến khu mà Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn lại biết tên, biết mặt, thậm chí biết cả biệt danh, mà ông không bị địch bắt? Ông Dũng bảo đó là sự mưu trí của người làm quân báo, biết cách tránh né kẻ thù. Sau Tết Mậu Thân 1968, địch thu được một số thẻ căn cước và giấy tờ của các đồng chí ta bị bắt hoặc hy sinh. Qua soi chiếu, chúng biết đây là giấy tờ giả. Tuy nhiên, lãnh đạo trong chiến khu đoán trước được rằng các loại giấy tờ này đã bị lộ nên yêu cầu hủy bỏ hết ngay sau kết thúc chiến dịch.

Ông Dũng cho biết, thời điểm này chính quyền Sài Gòn biết có nhiều loại giấy tờ giả lưu hành tại đô thành, nhưng chúng không thể phân biệt được hoặc không thể đón lõng, bắt bớ. Với sự giúp sức về công nghệ của Mỹ, giấy căn cước có hai màu trắng và vàng trước đó được đổi sang giấy căn cước rồng xanh - có hình con rồng màu xanh nằm cuộn mình trong một vòng tròn cùng những họa tiết vô cùng tinh xảo, sắc nét. Toàn bộ vật tư, công nghệ, thiết kế, in ấn được làm tại Mỹ, chỉ có công đoạn in tên và lăn tay làm ở Sài Gòn.

"Mục đích của giấy căn cước rồng xanh nhằm chống lại những giấy căn cước giả lâu nay làm chúng điên đầu. Căn cước rồng xanh phát quang khi đưa vào máy kiểm tra. Thế nên chúng tự tin tuyên bố rằng Việt Cộng không thể làm giả được. Nhưng chúng không thể ngờ chỉ mấy tháng sau, giấy căn cước rồng xanh xuất xứ "Made in Quân báo Phân khu Sài Gòn - Gia Định" đã được Dũng "quận trưởng" sản xuất và đưa vào nội thành sử dụng!

Hiện thời, ông Dũng sống trong ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm trên đường Nguyễn Văn Đậu (Q.Bình Thạnh, TPHCM).

Sinh thời, trong những lần họp mặt Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến Sài Gòn - Gia Định, Đại tá Trần Minh Sơn nói: "Đồng chí Lâm Quốc Dũng là người chịu trách nhiệm về mặt giấy tờ, giúp tạo thế hợp pháp cho cán bộ, chiến sĩ biệt động hoạt động hợp pháp ở nội đô. Đồng chí lập được nhiều chiến công lớn trên mặt trận thầm lặng. Công lao đóng góp ấy khó có gì có thể so sánh được.

Bình luận (0)

Lên đầu trang