(CAO) Mang “đầu thứ hai” khi mới sinh, bé gái bị mẹ bỏ rơi tại bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM.
Thông tin từ BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, BV này vừa tiếp nhận cứu chữa cho một bé gái sơ sinh bị thoát vị não hiếm gặp bị gia đình bỏ rơi khi được đưa đến bệnh viện một ngày.
Sau sinh 2 ngày, bé gái ở Kiên Giang được phát hiện có bất thường ở phía sau gáy và được chuyển từ bệnh viện địa phương lên TP.HCM thăm khám vào ngày 20-7.
Theo BS Nguyễn Kiến Mậu, Trưởng khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng 1, thời điểm nhập viện, sinh hiệu bé gái ổn định nhưng có khối u lớn ở vùng chẩm cổ (phía sau gáy).
Qua hội chẩn liên khoa, ê-kíp nhận định bé gái sơ sinh bị hội chứng thoát vị não hiếm gặp khiến vùng sau gáy có một khối lớn như chiếc đầu thứ hai. Khối u chiếm trọn khối u là phần não bị thoát ra ngoài, đã thoái hóa, bệnh nhi còn kèm theo bị nhiễm trùng viêm màng não. Ê-kíp nhận định bé gái cần phải phẫu thuật để bóc tách khối u.
Qua hội chẩn liên khoa, ê-kíp nhận định bé gái sơ sinh bị hội chứng thoát vị não hiếm gặp
Tuy nhiên, Không thể vượt qua mặc cảm con mình bị dị dạng nên sau khi bệnh nhi được chuyển lên bệnh viện tuyến trên, gia đình cháu bé cũng trốn biệt. Các bác sĩ cố gắng liên hệ nhưng bất thành.
ThS.BS Lê Bích Liên, Phó Giám đốc BV Nhi Đồng 1 TP.HCM cho biết, xác định khả năng lớn cháu bé đã bị người nhà bỏ rơi, Ban giám đốc BV Nhi Đồng 1 vẫn quyết định tiến hành phẫu cho bé gái. Toàn bộ chi phí sẽ do phía BV lo liệu.
BS Phan Minh Trí, Chuyên khoa ngoại thần kinh (người trực tiếp mổ cho bệnh nhi) cho hay, khối thoát vị quá lớn, nằm ngay sau gáy nên không thể để bệnh nhi nằm ngửa như bình thường, thay vào đó phải nằm sấp, nhưng lại gặp khó với hô hấp và gây mê.
Trong thời gian ngắn, ê-kíp giải quyết đồng thời 2 việc, đóng khối xương khiếm khuyết 3cm ở sọ não và tránh làm tổn thương xoang tĩnh mạch vốn mỏng như tờ giấy. Việc này các bác sĩ phải làm dưới kính vi phẫu với thao tác chuẩn xác nhất.
Ngoài ra việc tái tạo da ở vùng thoát vị cũng phức tạp. Nếu thừa quá nhiều da, nguy cơ tái phát cao, còn ít thì lại gây thiếu.
Khi chuẩn bị đầy đủ các yếu tố, các bác sĩ bắt tay vào phẫu thuật. Ca mổ kéo dài 4 giờ thành công với sự vui mừng của toàn bộ ê-kíp.
Hiện sức khỏe bệnh nhi đang dần ổn định. Tuy nhiên, bé vẫn đang bị nhiễm trùng, và được dùng kháng sinh để điều trị dứt điểm.
Hiện sức khỏe bệnh nhi đang dần ổn định. Tuy nhiên, bé vẫn đang bị nhiễm trùng, và được dùng kháng sinh để điều trị dứt điểm
Theo BS Lê Bích Liên, thoát vị vùng chẩm cổ là dị tật phức tạp, hình thành trong khoảng thời gian 3 tuần đầu thai kỳ. Bắt nguồn từ việc đóng ống thần kinh bị khiếm khuyết làm màng não, nhu mô não thoát vị ra ngoài.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới dị tật, trong đó thiếu acid folic trong thai kỳ là phổ biến nhất. Một số yếu tố nguy cơ khác cũng được cho là có liên quan như người mẹ có rối loạn chuyển hóa, sử dụng thuốc động kinh, nhiễm virus khi mang thai, sử dụng chất kích thích (ma túy), tắm hơi trong khi mang thai…
Dị tật này có thể được phát hiện trong lúc mang thai, nếu như người mẹ theo dõi theo kỳ thường xuyên. BS Liên khuyến cáo, khi thấy trẻ có một bất thường da dọc đường giữa (từ sống mũi đến cuối thắt lưng), phụ huynh cũng nên đưa trẻ đi tầm soát vì có thể liên quan tới dị tật về thần kinh.