(CATP) Mới đây, cư dân mạng sửng sốt trước bài chia sẻ của chị Ngô Nguyệt (ngụ TP. Hồ Chí Minh) về cái chết thương tâm của cô cháu gái. Đó là bé V.T.D. (5 tuổi, ngụ Q.Tân Phú). Lúc 14 giờ 10 ngày 12-10, trong khi bố mẹ đi làm, D. ở nhà với ông bà ngoại. Chỉ vài phút người lớn không để ý, D. đã học theo trò chơi trên Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ rồi tự treo cổ mình.
Khi gia đình phát hiện thì D. đã rơi vào trạng thái bất tỉnh. Mọi người lập tức đưa cháu bé đến bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, vào 18 giờ 10 cùng ngày thì D. đã tử vong do bị ngạt, chết não, ngưng tim.
"Trẻ con rất hiếu động và nghịch ngợm, đôi khi chỉ một chút hiếu kỳ mà dẫn đến hậu quả nặng nề. Cháu mình mất do nghịch dại theo mấy clip trên Youtube khi vài lần vô tình xem mà gia đình không thể kiểm soát hết. Chỉ có mấy phút không để mắt tới cháu mà một đứa trẻ 5 tuổi hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng đã ra đi mãi mãi. Cháu của mình rất ngoan, thông minh, lễ phép.
Cả một tương lai dài, cháu chỉ mới đi học được những nét chữ đầu tiên. Vậy mà bây giờ cháu ra đi, để lại cho người thân ông bà, bố mẹ, cô dì chú bác niềm đau mất mát, xót xa. Mình chia sẻ để không một gia đình, một em bé nào nữa rơi vào hoàn cảnh như cháu mình...", chị Nguyệt chia sẻ.
Cháu D. tử vong thương tâm. Ảnh: MXH
Trên thực tế, có không ít trường hợp các cháu bé gặp nguy hiểm do học theo những hành động trên YouTube. Tháng 11-2019, một cháu bé 7 tuổi (ngụ H.Nhà Bè) đã bị hôn mê vì làm trò "lơ lửng nhưng vẫn thở được" như trên YouTube. Nhưng may mắn sau khi cấp cứu cháu bé được cứu sống.
Youtube là một kênh đa phương tiện, ban đầu chỉ là những video, clip đơn thuần. Tuy nhiên, hiện nay Youtube còn được biết đến là kênh để kinh doanh, làm những điều lạ để câu view, câu like và những lượt chia sẻ, bất chấp mọi nguy hiểm nhằm mục đích kiếm tiền. Nhiều video clip có thể gây nguy hiểm được tung trên Youtube như: Thử đốt 100 ngàn que diêm trong bồn cầu để xem phản ứng gây nổ; thả lon coca vào chảo dầu đang sôi; đập iPhone 10, làm chuồng nhỏ cao cả chục mét chỉ trên 1 cây sắt... Những người làm video có thể nhờ sự may mắn hoặc có những thủ thuật riêng nên không xảy ra rủi ro; còn người xem làm theo thì rất mạo hiểm.
Kênh Youtube ở Việt Nam hiện nay đang nở rộ như "nấm sau mưa". Với không ít Youtuber xem việc làm các video là nghề kiếm thu nhập từ việc quảng cáo. Vì vậy, nhiều người "sáng tạo" những clip nhảm nhí, vô bổ, thậm chí rất nguy hiểm chỉ để câu view. Điều đáng nói, hầu như không có kênh Youtube nào cảnh báo trẻ em hay giới hạn độ tuổi, trong khi nhiều bé được bố mẹ cho xem thoải mái, không hề kiểm soát nội dung.
Vì vậy, phụ huynh cần quan tâm, hướng dẫn, chọn lọc cho con xem các kênh lành mạnh, mang tính giáo dục, phù hợp với từng độ tuổi; đồng thời quản lý và giám sát thời gian, nội dung để biết con mình đang tiếp cận với trang thông tin nào. Ngoài ra, phụ huynh nên cài đặt thiết bị ở chế độ hạn chế truy cập hoặc hướng dẫn trẻ biết tránh xa những video có nội dung không lành mạnh...