Bỏ tiếng anh để học tiếng Trung: Cách hiểu sai rất nguy hiểm
Công tác truyền thông ở lĩnh vực nào cũng rất quan trọng. Trong GD cũng vậy, truyền thông cần thông tin đến người dân những chủ trương, chính sách của ngành GD, của Nhà nước về chủ trương, chính sách mới trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã không làm tốt công tác trên, khiến dư luận XH, thậm chí các cơ quan chức năng, hiểu sai nhiều vấn đề mới như các chính sách, quy định, Chương trình GD mới 2018...
Gần đây nhất, mạng xã hội (MXH) đã phản ứng khi Bộ GD-ĐT ban hành công văn ngày 01/12/2023 về việc "Phê duyệt sách giáo khoa (SGK) các môn học, hoạt động GD lớp 5 và SGK môn tiếng TQ lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT)". Công văn này, với những người hiểu biết về công tác GD là bình thường, bởi đó là việc phải làm của Bộ GD-ĐT theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục SGK các môn ngoại ngữ trong Chương trình GDPT mới 2018.
Theo Bộ GD-ĐT, năm 2022 cùng với tiếng Anh, bộ đã phê duyệt SGK tiếng Hàn, Nhật, Pháp lớp 3 để sử dụng trong các cơ sở GDPT. Năm 2023 đợt 1 sẽ phê duyệt các SGK của lớp 5, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác cùng với tiếng TQ lớp 3, lớp 4. Dự kiến trong tháng 12/2023 tiếp tục phê duyệt SGK các môn tiếng Hàn, Nhật, Pháp và Nga.
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tại buổi gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành Giáo dục ngày 15/8/2023
Tuy nhiên, sau khi quyết định trên được ban hành, ngay lập tức trên MXH xuất hiện các thông tin xuyên tạc, sai lệch về quyết định này và bình luận Bộ GD-ĐT bỏ môn tiếng Anh ra khỏi kỳ thi tốt nghiệp THPT để chuẩn bị chương trình hội nhập tiếng TQ cho học sinh (HS) từ lớp 3, lớp 4!
Trước dư luận này, Bộ GD-ĐT cho rằng những thông tin sai lệch như vậy ảnh hưởng tiêu cực tới chủ trương đổi mới chương trình và SGK; nỗ lực dạy - học môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông đồng thời gây tâm lý hoang mang trong XH. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, xử lý những hành vi sai phạm trên theo đúng quy định pháp luật.
Phản ứng của Bộ GD-ĐT cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, thay vì đề nghị cơ quan chức năng xử lý các hành vi trên theo quy định pháp luật, điều mà Bộ GD-ĐT cần lên tiếng là giải thích cho người dân hiểu trong Chương trình GDPT mới 2018, ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Ngoài tiếng Anh, trong danh mục môn này còn có tiếng TQ, Đức, Nhật, Hàn, Pháp, Nga (được xem là ngoại ngữ 1, bắt buộc). Sau khi SGK của 7 môn ngoại ngữ được phê duyệt, từ năm 2024, các môn ngoại ngữ sẽ được đưa vào chương trình chính thức. Các trường tiểu học có thể căn cứ tình hình thực tế của địa phương để triển khai dạy - học, HS và phụ huynh có thể chọn ngoại ngữ nào tùy ý.
Khi xây dựng chương trình môn ngoại ngữ trong Chương trình GDPT mới 2018, Bộ GD-ĐT đã tiến hành khảo sát, qua đó có tới 99% các trường và HS phổ thông vẫn chọn học ngoại ngữ là tiếng Anh. Số trường dạy ngoại ngữ không phải tiếng Anh rất ít và tập trung ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM.
Tại sao hiểu sai?
Có một số người cố tình hiểu sai là Bộ GD-ĐT bắt buộc HS học tiếng TQ, nhưng cũng có người hiểu sai vì không đủ thông tin. Cũng có thể do trước đó, Bộ GD-ĐT công bố các môn thi tốt nghiệp từ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2025, Ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, mà trở thành một trong những môn thi tự chọn "bình đẳng" với các môn học khác, từ đó suy luận sai là Bộ GD-ĐT bỏ môn tiếng Anh!
Dạy tiếng Anh cho học sinh Trường Dân tộc nội trú tiểu học Măng Cành, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum Ảnh: TTXVN
Căn nguyên mọi vấn đề ở đây là do Bộ GD-ĐT đã làm công tác truyền thông không tốt, công bố các thông tin liên quan không đủ, không kịp thời, để dư luận XH hiểu sai. Lấy ví dụ việc bỏ thi môn tiếng Anh ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, dù Bộ GD-ĐT đã giải thích nhưng chưa đủ, làm dư luận thắc mắc nhiều chiều.
Ngay cả việc Nhà nước có cần biên soạn 1 bộ SGK của Bộ GD-ĐT hay không, dù các chuyên gia, những nhà GD uy tín, tại nhiều hội thảo đều cho rằng việc XH hóa SGK là đúng đắn, cần thiết và khẳng định nếu các bộ SGK xã hội hóa đạt yêu cầu thì Nhà nước không nên thực hiện bộ SGK khác, gây lãng phí. Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ GD-ĐT không thuyết phục được Quốc hội (QH), để một số đại biểu QH, ngay cả Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của QH, Chính phủ, lãnh đạo QH cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT phải nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 88, phải biên soạn 1 bộ SGK. "Món nợ" này chưa biết chừng nào Bộ GD-ĐT "trả” được và "trả” như thế nào!
Kỷ luật sinh viên có hành vi mại dâm?
Không chỉ SGK, thông tin sinh viên (SV) hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 sẽ bị buộc thôi học trong Quy chế của Trường Đại học (ĐH) Hoa Sen vừa ban hành cũng gây xôn xao dư luận. Quy chế trường này ghi rõ: "Sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học. Lần đầu vi phạm sẽ bị khiển trách, lần thứ 2 cảnh cáo, lần 3 bị đình chỉ có thời hạn. Nếu SV hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm bị xử lý nặng hơn là buộc thôi học ngay lần đầu tiên phát hiện vi phạm".
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Hương - Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh Trường ĐH Hoa Sen, nhà trường hoàn toàn không tự ý "xé rào" để nới lỏng, dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức của SV, mà Quy chế người học của trường được ban hành dựa trên Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành ngày 5/4/2016, do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa ký. Mức kỷ luật trên là dựa theo Phụ lục "Một số nội dung vi phạm và khung xử lý kỷ luật SV (kèm theo Thông tư 10/2016/TT-BGDĐT).
Thực tế thông tin này có từ năm 2016. Lúc mới ban hành cũng gây xôn xao dư luận. Trên thực tế, Công an đã nhiều lần triệt phá các đường dây bán dâm quy tụ nhiều người mẫu, diễn viên, trong đó có cả SV, là thực trạng xã hội nhức nhối, đáng báo động. Tuy nhiên, không vì thế mà Bộ GD-ĐT lại đưa ra hình thức kỷ luật như vậy, bởi chẳng lẽ "vẽ đường cho hươu chạy, hay cấp quota cho SV bán dâm có "hạn ngạch"? Để ngăn chặn, hạn chế tình trạng SV hoạt động mại dâm rất cần sự vào cuộc của cả cộng đồng và cả việc GD đạo đức cho SV.
Luật Hình sự Việt Nam không xem hành vi mua bán dâm là tội phạm, mà chỉ xử lý hình sự đối với hành vi tổ chức, môi giới, chứa chấp mại dâm. Hơn nữa, Bộ GD-ĐT hoặc nhà trường căn cứ vào đâu để biết rằng SV đó đã hoạt động mại dâm bao nhiêu lần để rồi định ra các hình thức kỷ luật như vậy?
Về nội dung này, trả lời chất vấn của Đại biểu QH vào năm 2018, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: "Quy định về bán dâm đối với HS, SV đã có từ năm 2007. Sau đó, đầu năm 2016 lại có thông tư. Thực tế, quy định này đã có. Khi rà soát, chúng tôi đề nghị tất cả những nội dung không còn phù hợp phải bỏ hoặc sửa, trong đó có nội dung này. Vấn đề đặt ra là khi sửa, Ban soạn thảo hoặc cán bộ, cá nhân thực hiện do năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến có những ý kiến của XH. Khi nhận được thông tin, tôi chỉ đạo báo cáo và xử lý ngay. Quan điểm của tôi, với tư cách Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, không cần phải đưa nội dung bán dâm vào thông tư này. Đây là phạm vi XH nên phải xử lý và những nội dung này không đưa vào thông tư nữa".
Sự thực vấn đề là vậy. Đến nay đã hơn 5 năm trôi qua nhưng Bộ GD-ĐT vẫn chưa sửa thông tư trên, vì thế các trường vẫn nghĩ rằng thông tư này vẫn còn hiệu lực và phải thực hiện, nên dựa vào đó soạn ra quy chế để quản lý SV.
Vậy mà khi Trường ĐH Hoa Sen đưa hình thức kỷ luật như trên, dư luận XH tha hồ "bình loạn", Bộ GD-ĐT vẫn im lặng, không có phản ứng nào!
Vấn đề là công tác điều hành, ban hành các văn bản pháp quy thiếu chuẩn và thiếu trách nhiệm, nguyên nhân chính vẫn là công tác truyền thông còn nhiều hạn chế của Bộ GD-ĐT.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận lỗi "chưa làm cho xã hội hiểu được ngành Giáo dục"
Trong cuộc gặp gỡ, đối thoại với các nhà giáo, cán bộ toàn ngành GD sáng 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn thừa nhận rằng thiếu sót của Bộ GD-ĐT là chưa truyền thông tốt về những đổi mới của ngành.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã nhận thấy điểm yếu đó, nhưng những thông tin không đúng sự thật, hoặc những vấn đề nhạy cảm liên quan đến GD vẫn xảy ra và có phản ứng chậm, thậm chí rất chậm.
Đó cũng là lý do Ban Tuyên giáo Trung ương đã có lần đề nghị Bộ GD-ĐT cần quan tâm hơn nữa đến công tác truyền thông về GD, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong XH, đặc biệt là trong những bước tiếp theo của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện về GD-ĐT.