(CAO) Dịch bệnh gây hại khiến nhiều diện tích trồng cà chua của các hộ dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng bị hư hại, sản lượng cà chua sụt giảm mạnh khiến mặt hàng cà chua khan hiếm, đẩy giá tăng cao nhất trong vòng hai năm qua.
Trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, diện tích trồng cà chua tại huyện Đơn Dương chiếm đa số với trên 1.900ha cà chua, năng suất bình quân 50 tấn/ha, được trồng rộng rãi tại các xã Ka Đơn, Tu Tra, thị trấn Dran...
Dịch bệnh “hoành hành” cà chua Lâm Đồng khan hiếm
Tuy nhiên, vào thời điểm này, thống kê của Phòng nông nghiệp huyện Đơn Dương, trên địa bàn hiện có hơn 347ha cà chua nhiễm bệnh xoăn lá mức độ nặng, gần 1.500ha bị nhiễm trung bình và nhẹ; trong đó có 72ha cà chua bị xoăn lá nặng buộc các nông hộ trồng cà chua phải nhổ bỏ.
Qua tìm hiểu, được biết đây là trận dịch bệnh xoăn lá gây hại lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn huyện Đơn Dương. Những trái cà chua bị nhiễm không thể thu hoạch được.
Hiện nay, đối với cà chua trồng ngoài trời giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/kg tùy loại, cao gấp 3 lần so với niên vụ 2015. Riêng, cà chua beef trồng trong nhà kính tại Đà Lạt có giá tại vườn là 25.000 - 30.000 đồng/kg, cà chua cherry có giá từ 35.000 - 40.000 đồng/kg tại vườn. Giá cà chua tăng cao, nhưng thực tế sản lượng cà chua giảm mạnh, khan hiếm hàng.
Hiện, giá cà chua tăng gấp 3 lần
Anh Nguyễn Thanh Hải (thôn Krăng Gọ 2, xã Ka Đơn) cho biết: “Tại thôn Krăng Gọ 2, dịch bệnh đang hoành hành. Vườn cà chua của gia đình tôi bị thiệt hại hoàn toàn, cây bung hoa thì lá dần chuyển vàng, nếu có quả thì cũng bị “sượng” hoặc hư hỏng nên buộc phải bỏ, năm nay gia đình tôi thua lỗ hoàn toàn”.
Trước thực trạng bệnh xoăn gây hại trên diện tích cà chua tại huyện Đơn Dương, ngành nông nghiệp huyện đưa ra khuyến cáo người dân sử dụng một số biện pháp phòng trừ như: thay đổi phương pháp canh tác, dựng nhà kính để ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập, nhổ bỏ và tiêu huỷ triệt để các vườn cây nhiễm bệnh… bởi thực tế hiện nay, vẫn chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu để đối phó với dịch bệnh này.
Bệnh xoăn lá do một loại virus gây ra và bắt nguồn từ quá trình canh tác sản xuất hoặc trong khâu ươm giống. Cơ chế để virus lây nhiễm từ cây bệnh sang cây khoẻ do côn trùng môi giới hoặc qua vết thương hở, tàn dư thực vật, chất dịch tiếp xúc của côn trùng chích hút. |