(CAO) Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau, hiện nay, đê biển Tây có 5 vị trí với chiều dài 3.192 m nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào, ảnh hưởng hàng ngàn ha lúa, hoa màu và hàng ngàn hộ dân sinh sống.
Chiều 20-7, ông Tô Quốc Nam, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết, Sở có tờ trình gởi UBND tỉnh đề nghị công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai sạt lở đê biển Tây.
Đê biển Tây đoạn qua địa bàn tỉnh Cà Mau có chiều dài hơn 100km, nằm trên địa bàn 2 huyện Trần Văn Thời và U Minh. Đây là khu vực quan trọng góp phần bảo vệ hơn 90.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và hàng ngàn hộ dân.
Trong 2 ngày (11 và 12-7), mưa lớn kéo dài kèm theo giông đã làm triều cường dâng cao, sóng biển trực tiếp uy hiếp nhiều đoạn đê biển Tây của tỉnh Cà Mau. Tại đoạn đê thuộc H.Trần Văn Thời, triều cường được cơ quan chức năng ghi nhận cao khoảng 1,7m, dâng gần bằng mặt đê kèm theo đó là sóng lớn khiến một số đoạn đê không còn rừng phòng hộ bên ngoài bị sạt lở.
Địa phương huy động lực lượng hộ đê. Ảnh: Trần Cảnh Hạnh
Sở NN&PTNT tỉnh khảo sát và đề nghị ban bố tình trạng khẩn cấp để khắc phục 5 vị trí sạt lở trên đê biển Tây chiều dài 3.192 mét với số vốn đầu tư gần 40 tỷ đồng thực hiện các giải pháp như: thảm rọ đá kết hợp đổ đá khan, sửa chữa bằng giải pháp khắc phục các vị trí hư hỏng bằng kết cấu mảng mềm và chân khay, nâng cấp, mở rộng đỉnh kè, bề rộng mặt kè về phía bờ lên 300 cm... Cụ thể tại 5 vị trí sau:
Vị trí thứ 1: Sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến đối tượng cần bảo vệ trong thời gian ngắn: đoạn đê biển Tây từ Kênh Mới + 550m hướng về Kênh Tư có chiều dài sạt lở 400m. Thực tế, sạt lở khu vực này vô cùng nghiêm trọng, sạt lở đã khoét sâu vào tận mái đê, ảnh hưởng đến sự ổn định của thân đê. Phần mái đê của đoạn đê này đã được gia cố bằng kè lát mái thảm rọ đá với chiều dài khoảng 550m nhưng sạt lở khoảng 400m. Bên ngoài, đai rừng còn rất mỏng, chỉ từ chỉ từ 5m - 30m, có vị trí đã sạt lở đến chân đê (phần nối tiếp kè lát mái thảm rọ đá phía bờ Nam Kênh Mới hướng về Kênh Tư). Diễn tiến sạt lở đặc biệt nguy hiểm và liên tục, uy hiếp trực tiếp đến thân đê biển Tây, có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào.
Đê biển Tây địa phận tỉnh Cà Mau đang bị nước biển uy hiếp, nguy cơ vỡ đê bất cứ lúc nào. Ảnh: Trần Cảnh Hạnh
Vị trí thứ 2: Sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến đối tượng cần bảo vệ trong thời gian ngắn: đoạn đê biển Tây từ Cống Kênh Mới + 400m hướng về Đá Bạc có chiều dài sạt lở 1.500m. Hiện nay đoạn này đai rừng còn rất mỏng, chiều dài trung bình của đai rừng khoảng 25m. Đặc biệt, có điểm đã sạt lở đến chân đê, có vị trí chỉ từ 5m - 10m (với chiều dài khoảng 797m), gây nguy hiểm rất nghiêm trọng đến thân đê cần có giải pháp bảo vệ thân đê khẩn cấp. Nếu không gây nguy hiểm trực tiếp đến: Khu di tích Đá Bạc, trạm Biên phòng, khu dân cư tập trung vàm Đá Bạc, đài nước cung cấp nước ngọt cho khu dân cư Đá Bạc, ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa diện tích 500ha, có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao và trung thế, trạm y tế, Trường Tiểu học Đá Bạc.
Đê bị vỡ, nước tràn vào nhà người dân. Ảnh: Trần Cảnh Hạnh
Vị trí thứ 3: Sạt lở đặc biệt nguy hiểm, gây nguy hiểm trực tiếp đến đối tượng cần bảo vệ trong thời gian ngắn: đoạn đê biển Tây từ bờ Bắc Cống Đá Bạc hướng về Cống Sào lưới có chiều dài sạt lở 500m. Đoạn kè rọ đá bờ Bắc Cống Đá Bạc hướng về Cống Sào Lưới thuộc ấp Kinh Hòn Bắc, X.Khánh Bình Tây, H.Trần Văn Thời được xây dựng vào năm 2009, đến nay qua nhiều năm sử dụng, trước tác động trực tiếp của sóng biển và quá trình oxi hóa thép đan dây rọ đá, làm cho dây rọ đá bị đứt dẫn đến đá hộc sạt ra ngoài, không còn giữ được hình thái tuyến kè ban đầu, cao trình tuyến kè đã hạ xuống còn rất thấp (chỉ bằng cao trình bãi bồi tự nhiên), không đảm bảo khả năng chắn sóng.
Bên trong kè khu vực này đai rừng còn từ 50m ÷ 80m, cây rừng thưa, thấp, nền đất yếu, đặc biệt phía sau lưng tuyến kè có dân cư sinh sống. Trước tác động của sóng to, gió lớn thì có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, tính mạng của người dân bên trong là rất cao, uy hiếp trực tiếp đến thân đê biển Tây ảnh hưởng trực tiếp đến: Khu dân cư tập trung Sào Lưới, diện tích trồng lúa 2 vụ vùng ngọt hóa 400ha, có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống trung thế, trường học.
Đê không được gia cố nhiều công trình an ninh quốc phòng, ruộng lúa, hoa màu, nhà cửa người dân sẽ bị đe dọa. Ảnh: Trần Cảnh Hạnh
Vị trí thứ 4: Kè lát mái bờ Nam Vàm Đá Bạc với chiều dài khoảng 292m, đang bị hư hỏng nghiêm trọng, sóng to, gió lớn tác động trực tiếp đến thân kè. Làm cho phần lát mái tiếp giáp với chân khay bị hư hỏng nghiêm trọng với chiều dài khoảng 292m. Hiện tượng bị xói, trôi tuột cát phía dưới lưng kè đang còn diễn biến tiếp tục, khả năng làm mất ổn định thân kè là rất cao cần có giải pháp bảo vệ kè lát mái khẩn cấp. Diễn tiến sạt lở đặc biệt nguy hiểm và liên tục, uy hiếp trực tiếp đến kè và biển Tây. Gây nguy hiểm trực tiếp đến: Khu di tích Đá Bạc, trạm Biên phòng, khu dân cư tập trung vàm Đá Bạc, đài nước cung cấp nước ngọt cho khu dân cư Đá Bạc, ảnh hưởng đến vùng ngọt hóa diện tích 500ha, có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện cao và trung thế, trạm y tế, trường học...
Vị trí thứ 5: Kè ly tâm (có đỉnh kè liên kết bằng thép hình) ở Vàm Kênh Mới và Vàm Tiểu Dừa do tác động sóng lớn do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và triều cường gây ảnh hưởng trực tiếp đến kè gây hư hỏng nặng không còn khả năng làm giảm sóng cùng với tác động sóng lớn do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam và triều cường gây ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển Tây tỉnh Cà Mau với tần suất ngày càng nhiều có thể gây vỡ đê bất cứ lúc nào.