Dòng người kéo nhau về quê: Các địa phương lo "vỡ trận"

Thứ Ba, 05/10/2021 10:38

|

(CATP) "Mấy ngày nay, chúng tôi huy động tối đa nguồn lực để hỗ trợ bà con. Tại các chốt kiểm soát (KS) dịch có các lực lượng công an (CA), quân đội (QĐ), y tế (YT)… hướng dẫn test nhanh, phân phát thức ăn đồ uống cho người dân. Các cơ quan ban ngành tỉnh, huyện đều tham gia hỗ trợ bữa ăn cho người dân về từ vùng dịch. Cán bộ địa phương không sợ cực nhưng lo vỡ trận vì kinh phí, cơ sở thiết yếu phục vụ bà con trong thời gian cách ly", một cán bộ tỉnh Cà Mau cho biết.

Nhìn thấy dân vui là quên mệt!

Ngày 1-10, TPHCM nới lỏng giãn cách xã hội (GCXH) trong phòng chống (PC) dịch, hàng chục ngàn người dân quê miền Tây nao nức trở về nhà. Suốt 3 ngày, lực lượng KS tại chốt ai nấy đã thấm mệt nhưng đều vượt qua khi chứng kiến niềm vui của bà con lúc trở về.

Lãnh đạo CA tỉnh Kiên Giang cho biết, ngay từ sáng sớm, Ban chỉ đạo PC dịch Covid-19 nhận được tin hàng trăm công dân (CD) của Kiên Giang và các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Hậu Giang... về từ TPHCM bằng xe máy (XM). Công an huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ đã dẫn đoàn đưa về đến địa bàn giáp ranh với tỉnh Kiên Giang trên Quốc lộ 80 (thuộc huyện Tân Hiệp, Kiên Giang).

Lập tức, Ban chỉ đạo PC dịch Covid - 19 huyện Tân Hiệp đã huy động lực lượng - chủ công là CA, QĐ, YT - tiếp đón, đưa về khu cách ly tập trung (CLTT) của huyện.

Tại đây, người dân được bố trí thức ăn nước uống, sau đó CA trực tiếp phân loại theo từng địa bàn để bố trí nơi nghỉ tạm thời, lực lượng YT tiến hành xét nghiệm (XN) nhanh Covid-19 đối với những người thường trú tại Kiên Giang. Ai có kết quả XN âm tính sẽ được phân loại, đưa về các khu cách ly (CL) của tỉnh đóng trên địa bàn TP.Rạch Giá và huyện Châu Thành để cách ly YT trong vòng 7 ngày, thực hiện XN Covid 3 lần; nếu tiếp tục cho kết quả âm tính sẽ được về địa phương, tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà...

Còn đối với CD các tỉnh bạn, sau khi sàng lọc, lực lượng quân sự dùng ôtô chở họ về đến địa bàn giáp ranh, giao lại cho địa phương nơi họ thường trú tiếp nhận.

Tại các cửa ngõ vào địa bàn tỉnh Kiên Giang, công an đã đón hàng trăm người dân đi xe máy về từ TPHCM

Một cán bộ công tác tại huyện Tân Hiệp cho biết, những người tự về quê bằng XM đợt này đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, đó là các công nhân (CN) làm việc tại TPHCM và Bình Dương, khi dịch bùng phát lần thứ 4, các nhà máy, công ty đóng cửa, họ bị mất việc làm, cộng với việc giãn cách để PC dịch ở 2 địa phương này quá lâu, không có tiền đóng cho chủ nhà trọ nên tự chạy XM về quê. Chứng kiến cảnh người dân đói, không còn tiền đổ xăng, trên xe những đứa trẻ lả đi vì thiếu sữa..., không cầm lòng được, nhiều CBCS vét những đồng tiền cuối cùng hỗ trợ người dân trong lúc đang thi hành công vụ.

Trước khó khăn của bà con, Ban Giám đốc CA tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) trực tại các chốt, khi người dân từ các tỉnh Đông Nam bộ đổ về quê miền Tây, lực lượng có mặt tại chốt sẽ hỗ trợ cơm nước, tạo điều kiện cho bà con đi đường, riêng CD của tỉnh sẽ được đưa vào khu CLTT để phòng dịch.

"Mấy ngày nay, anh em tăng ca trực suốt bởi bà con từ các tỉnh đổ về rất đông, lực lượng làm nhiệm vụ phải tăng cường thêm quân ra kiểm tra giấy tờ, kể cả test nhanh Covid-19 rồi tiếp tục cho qua trạm để về", lãnh đạo Phòng CSGT - CA tỉnh Vĩnh Long xác nhận. Tại Cà Mau, lực lượng CA tăng cường túc trực tại các chốt, từ hướng dẫn bà con tập trung ở nơi chờ test nhanh, phân phát từng ổ bánh mì, chai nước suối, đầu tắt mặt tối tại chốt KS dịch lo cho dân bữa ăn nhanh để chuẩn bị về khu CL theo quy định...

Ngoài việc lo cho người dân, ông Lê Tấn Cận - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bạc Liêu - đề nghị chính quyền và CA các huyện, thị xã trong tỉnh phải có mặt tại chốt KS để tiếp nhận người dân của địa phương mình về bố trí vào các khu CLTT, không để bà con chờ đợi quá lâu và tập trung đông tại một chỗ nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh.

Ông nhắc nhở, quá trình di chuyển tới các khu CL phải có xe CA dẫn đoàn, bố trí cán bộ YT đi theo, không được dừng trên lộ trình di chuyển và phải bảo đảm an toàn giao thông cho đoàn. Trước khi đưa vào CLTT, các địa phương phải tổ chức lấy mẫu test nhanh để chủ động bóc tách F0 đưa đi điều trị, hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm chéo trong khu CL.

Người dân Kiên Giang được xét nghiệm Covid-19 miễn phí trước khi đưa về khu cách ly theo quy định

Nguy cơ "vỡ trận"

Trao đổi với phóng viên Báo CATP, ông Nguyễn Đức Thánh - Chánh văn phòng UBND tỉnh Cà Mau - chia sẻ: "Số liệu bà con về quê tăng từng giờ. Tính đến chiều 4-10, tỉnh đã đón hơn 13.000 người ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai về quê cách ly. Hầu hết đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, được địa phương lo ăn uống cùng hàng loạt chi phí khác".

Theo lời ông Thánh, ngày 5-10 tỉnh bố trí đoàn xe đón khoảng 200 người có hoàn cảnh đặc biệt về quê, chủ yếu là thai phụ và trẻ em. Cũng như các địa phương khác, tỉnh Cà Mau lo dòng người đổ về ồ ạt sẽ "vỡ trận" do cơ sở hạ tầng, thiết bị YT... thiếu thốn đủ bề.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban chỉ đạo PC dịch Covid-19 tỉnh Cà Mau - chỉ đạo: "Hiện nay, số bà con về đến tỉnh rất đông, hướng giải quyết là đưa vào các trường học tại TP.Cà Mau để phân ra từng huyện; sau đó các huyện cử lực lượng chức năng lên đón về. Khi tới huyện, tiếp tục đưa vào các trường học phân loại (ai đã tiêm ngừa vắc-xin đủ 2 mũi và XN âm tính, gia đình đủ điều kiện thì đưa về CL tại nhà). Nếu số lượng về huyện nhiều thì tiếp tục phân về các xã (ai ở xã nào về xã đó) tiếp tục CL tại các trường học và sàng lọc, ai đủ điều kiện thì về CL tại gia đình. Địa phương vận động thân nhân hỗ trợ tiếp lo ăn uống; khẩn trương làm thêm các khu vệ sinh tạm thời, lắp đèn, bơm nước... phục vụ bà con".

Công an sàng lọc người dân từng địa bàn

Báo cáo của UBND tỉnh An Giang cho biết, từ ngày 1 đến 4-10 có gần 30.000 người dân từ ngoại tỉnh trở về địa phương. Riêng đêm 3-10 có trên 7.700 người về bằng các phương tiện cá nhân, vượt quá quy mô, khả năng CL, điều trị của tỉnh. UBND tỉnh An Giang thống nhất quan điểm tổ chức tiếp nhận các CD ngoài tỉnh tự phát về đến cửa ngõ của tỉnh, đảm bảo tổ chức đưa đón về địa phương trật tự, an toàn, tuân thủ đúng quy định PC dịch.

Tỉnh yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, khuyến nghị người dân nên ở lại nơi đang tạm trú để ổn định cuộc sống, trường hợp có nguyện vọng trở về thì đăng ký với chính quyền địa phương để được hỗ trợ.

Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính, người dân ở Kiên Giang được ôtô đưa về nơi cách ly

UBND tỉnh An Giang đã quyết định thành lập Ban tổ chức tiếp nhận CD ngoài tỉnh về địa phương do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Phước phụ trách. Các huyện khẩn trương thành lập 2 tổ công tác: tiền phương và hậu phương, có nhiệm vụ phối hợp với Ban tổ chức chủ động tiếp nhận CD của địa phương mình để đưa về. Các địa phương chủ động bố trí khu vực tiếp nhận ban đầu rộng rãi, thông thoáng, phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác hậu phương trong sàng lọc, XN, phân loại theo nguy cơ để tổ chức CL phù hợp.

UBND tỉnh thống nhất hỗ trợ tiền ăn đối với CD An Giang từ tỉnh ngoài tự phát về địa phương đang thực hiện CLTT với mức 40.000 đồng/người/ngày trong vòng 7 ngày từ nguồn ngân sách, thống nhất hỗ trợ 500 triệu đồng/huyện đồng thời mua 200 tấn gạo từ nguồn Quỹ PC dịch Covid-19 và hạn hán tỉnh An Giang để hỗ trợ các huyện trong công tác đón CD về địa phương.

Tại Đồng Tháp, đêm 3-10 có gần 5.000 người về quê, tính từ ngày 1-10 đến nay đã có gần 16.000 người trở về. UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi các địa phương về việc CL người tự phát về quê. Theo đó, trường hợp đã tiêm 2 mũi vắc-xin hoặc F0 được chữa khỏi bệnh thì CLTT 3 ngày, nếu tiêm 1 mũi thì CLTT 7 ngày.

Những ngày qua, có khoảng 50.000 người dân Sóc Trăng ở các tỉnh, thành phố trở về quê, trong khi đó khả năng tiếp nhận CLTT và điều trị của địa phương chỉ được khoảng 30.000 người. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng kêu gọi sự ủng hộ của các nhà hảo tâm chung tay góp sức cùng tỉnh chăm lo cho người dân, vì hiện tại tình hình đã vượt quá khả năng của tỉnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang