(CATP) Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, bắt đầu năm học mới 2021 - 2022 học sinh (HS) tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ học trực tuyến tại nhà.
Cùng với nỗi lo trẻ khó tập trung, bị cận thị khi tiếp xúc quá nhiều với máy tính, điện thoại thông minh..., phụ huynh (PH) còn những nỗi lo khác với những hiểm nguy luôn rình rập khi các em phải sử dụng thiết bị sạc điện như laptop, điện thoại... khi học ở nhà một mình. Chính vì thế, cần làm gì để phòng chống (PC) tai nạn thương tích và trang bị kỹ năng xử lý tình huống cho HS, đặc biệt là các em tiểu học trong thời điểm này là vấn đề hết sức cấp bách.
Ngày 10-9, dư luận bàng hoàng trước nghi vấn bé trai H.H.D (10 tuổi, trú P.Hạ Đình, Q.Thanh Xuân, Hà Nội) bị điện giật tử vong khi đang học trực tuyến qua laptop tại nhà. Qua điều tra bước đầu, công an (CA) xác định trong lúc học trực tuyến, do máy trục trặc nên D. đã dùng kéo chọc vào ổ cắm điện, dẫn đến bị giật. Thời điểm này, cháu ở nhà cùng em gái, người bố vừa đi ra ngoài.
Theo các chuyên gia của Viện Khoa học an toàn Việt Nam, điện giật là một trong những tai nạn vô cùng nguy hiểm đối với trẻ em. Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp cho biết, hàng năm cả nước xảy ra 400 - 500 vụ tai nạn điện, trong đó 70% nguyên nhân là do mất an toàn điện khi sử dụng trong hộ gia đình. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ em bị tai nạn thương tích ngay trong chính ngôi nhà của mình chiếm đến 50%, nguyên nhân chính liên quan tới các thiết bị điện trong gia đình chiếm tỉ lệ lớn.
Trẻ
học online ở nhà cần sự đồng hành, giám sát của phụ huynh (ảnh minh họa)
Qua sự việc đau lòng trên, để tránh những vụ việc tương tự xảy ra, ngày 11-9 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa đưa ra một số khuyến cáo về an toàn điện (ATĐ) cho trẻ.
Theo đó, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch, nhiều em học online phải sử dụng máy tính, điện thoại thông minh, với tính hiếu động, thích khám phá của trẻ nhỏ, để đảm bảo an toàn, EVN khuyến cáo các bậc PH cần giáo dục, nhắc nhở các em tránh xa các thiết bị điện; đặc biệt thấy dây điện bị sờn, hở, chạm chập, phải báo ngay cho người lớn, không được dùng ngón tay hoặc que đâm, chọc vào các ổ cắm...
EVN cũng lưu ý các bậc PH về việc lựa chọn, lắp đặt thiết bị điện trong gia đình phải đảm bảo an toàn cho trẻ như: nên sử dụng ổ và phích cắm có 3 chân, 3 dây để chống rò rỉ điện; chọn các mẫu ổ cắm có nắp đậy hoặc gắn thêm nắp chống thấm khi lắp đặt; đặc biệt ổ cắm điện, công tắc nên được lắp đặt ở vị trí cao hơn 1,4m để trẻ không với tới được.
Ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, LĐ - TB&XH) - cho rằng, phải có sự giám sát chặt chẽ của các bậc PH đối với con trẻ, bất kể khi học online hay không, bởi kể cả khi ở nhà thì nguy cơ tai nạn thương tích đối với trẻ vẫn luôn tiềm ẩn...
Các bậc PH hoặc người chăm sóc cần quan tâm, tạo ra môi trường học tập, vui chơi đảm bảo an toàn cho trẻ tại nhà đồng thời hướng dẫn các em chủ động phòng chống tai nạn thương tích.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp của các giáo viên, trước mỗi giờ học nên thường xuyên nhắc nhở, tư vấn, khuyến cáo các em về vấn đề an toàn thiết bị điện, an toàn trên môi trường mạng để trẻ có ý thức và lâu dần sẽ hình thành kỹ năng để tránh cho trẻ những nguy hiểm, tai nạn rình rập.
Bộ LĐ - TB& XH cho biết sẽ phối hợp với các bộ ngành, địa phương có hướng dẫn an toàn trong thời kỳ trẻ học trực tuyến; khuyến nghị Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Thông tin - Truyền thông ban hành tiêu chuẩn an toàn về thiết bị học trực tuyến, định hướng cho các bậc PH tiếp cận những sản phẩm truyền thông cũng như tổ chức tập huấn nhanh cho giáo viên để trong thời điểm học online có thể đảm đương 3 vai trò cùng lúc.
Bộ LĐ- TB &XH đã đặt vấn đề với Bộ Giáo dục - Đào tạo về các vấn đề liên quan đến việc học online đối với HS hiện nay như: lồng ghép các kiến thức, biện pháp, truyền đạt kỹ năng giúp các em tự bảo vệ sức khỏe...; ngoài học trực tuyến trên các phần mềm, nên khuyến khích dạy qua truyền hình để giảm nguy cơ gây hại cho các em.