Nhiều vụ cháy xảy ra đầu năm 2021
Ngày 18-1, Công an quận (CAQ) Bình Tân cho biết đang phối hợp với Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CSPCCC&CNCH) - Công an TPHCM (CATP) khẩn trương làm rõ vụ cháy ở Công ty SX giày Mỹ Nga (số 95 Tây Lân, KP7, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân).
Khoảng 21 giờ 30 ngày 15-1, khi hàng trăm công nhân đang tăng ca tại xưởng thì phát hiện ngọn lửa bùng lên, do bên trong chứa nhiều vật liệu dễ cháy nên ngọn lửa bùng phát dữ dội kèm tiếng nổ lớn. Nhận tin báo, Phòng CSPCCC&CNCH - CATP đã điều Đội CSPCCC&CNCH - CAQ Bình Tân, Đội Chữa cháy khu vực 4, Đội CSPCCC&CNCH - CAQ Tân Phú, Đội CSPCCC&CNCH - CAQ Bình Chánh, Đội CSPCCC&CNCH - CAQ6 cùng 18 xe chữa cháy và 198 chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Vụ hỏa hoạn khiến nhiều máy móc, thiết bị trị giá hàng tỷ đồng bị thiêu rụi. Dù không xảy ra thương vong về người, nhưng hàng trăm công nhân làm việc tại đây có khả năng phải nghỉ sớm để sửa chữa nơi này...
Vụ cháy ở Cửa hàng Langfarm Buffet quận 5 ngày 1-1
Trước đó, khoảng 18 giờ 30 ngày 14-1, xưởng gỗ trên Quốc lộ (QL) 1, phường An Phú Đông, Q12, TPHCM bốc cháy kèm khói đen khiến nhiều người hoảng hốt. Đội CSPCCC&CNCH - CAQ12 đã có mặt triển khai công tác chữa cháy. Phòng CSPCCC&CNCH - CATP cũng điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục cán bộ chiến sĩ (CBCS) thuộc Đội CSPCCC&CNCH các quận xung quanh, cùng Đội Chữa cháy và CNCH khu vực 3 với hơn 70 CBCS cùng nhiều xe chữa cháy chuyên dụng phối hợp dập lửa. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng khoảng 320m2 nhà xưởng bị thiêu rụi, lực lượng đã chống cháy lan khoảng 680m2 nhà xưởng.
Cũng trong buổi trưa 14-1, ngọn lửa đã bùng lên tại công trình xây dựng của Công ty Thủy lợi 4 tại số 288 Nguyễn Xí, P13Q. Bình Thạnh. Đội CSPCCC&CNCH - CAQ Bình Thạnh đã điều 3 xe chữa cháy cùng 20 CBCS đến hiện trường. Sau 30 phút nỗ lực, các anh đã dập tắt đám cháy đồng thời cứu được 3 người bị kẹt ở tầng trệt ra ngoài an toàn.
Chiều 10-1, tài xế (TX, khoảng 35 tuổi) điều khiển xe container mang biển số TPHCM chở thùng hàng loại 40 feet di chuyển trên xa lộ Hà Nội, hướng từ cầu vượt Trạm 2 về cầu Sài Gòn. Khi vừa qua khỏi ngã 4 Thủ Đức khoảng 200m thì TX phát hiện lửa bốc lên phía đầu xe nên vội dừng lại mở cửa thoát ra. Lực lượng chữa cháy đã có mặt dập lửa nhưng phần đầu xe bị thiêu rụi. Riêng ngày 4-1 liên tiếp xảy ra 3 vụ cháy.
Cụ thể, khoảng 9 giờ sáng, người dân thấy ngọn lửa bùng lên ở xưởng chuyên SX đồ gỗ nội thất trong hẻm đường Quách Điêu (xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh) thiêu rụi nhiều tài sản bên trong; đến 12 giờ cùng ngày, căn nhà trong hẻm trên đường Trần Đình Xu, P.Cầu Kho, Q1 bốc cháy khiến 2 người bị bỏng phải đi cấp cứu, nhiều tài sản bị thiêu rụi; 15 giờ cùng ngày, căn nhà trong hẻm đường số 14 (đoạn gần đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Bình, TP.Thủ Đức) cũng bốc cháy, được lực lượng chức năng dập tắt ngọn lửa ngay sau đó.
Trưa 1-1, nhiều người dân sống trên đường Trần Hưng Đạo, P1Q5 phát hiện lửa khói bốc lên từ Cửa hàng Langfarm Buffet, gần 10 người bên trong tìm cách thoát ra ngoài nhưng có 1 bảo vệ kẹt lại. Lực lượng PCCC đã có mặt giải cứu thành công nạn nhân, nhiều tài sản bị thiêu rụi.
Vụ cháy xe container trên xa lộ Hà Nội ngày 10-1
Nguyên nhân và giải pháp phòng chống
Cuối tháng 12-2020, Phòng CSPCCC&CNCH - CATP đã tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021. Theo đó, năm 2020, trên địa bàn TPHCM đã kiềm chế và kéo giảm về số vụ cháy (giảm 52 vụ). Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp, số người chết và bị thương do hỏa hoạn tăng so với cùng kỳ (tăng 1 người chết và 15 người bị thương). Trong 290 vụ cháy đã xảy ra có 11 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng (tăng 2 vụ), 9 vụ cháy lớn (tăng 1 vụ), gây thiệt hại khoảng 24.000m2 diện tích nhà ở, kho xưởng cùng nhiều tài sản, máy móc, thiết bị SX của người dân, doanh nghiệp.
Các vụ hỏa hoạn tập trung chủ yếu là nhà ở đơn lẻ (chiếm 116/290 vụ) và công ty - doanh nghiệp (chiếm 80/290 vụ). So với cùng kỳ năm 2019, số vụ cháy là nhà ở đơn lẻ tuy đã giảm (giảm 38 vụ) nhưng vẫn chiếm tỷ lệ cao trên tổng số vụ cháy và chiếm toàn bộ thiệt hại về người (11/12 số người chết, 18/27 số người bị thương), số vụ cháy tại các công ty - doanh nghiệp tăng so với cùng kỳ.
Nguyên nhân gây cháy chủ yếu được nhận định ngay từ ban đầu là do sự cố hệ thống thiết bị điện tại các nhà dân và các công ty - doanh nghiệp. Chính vì thế, người dân, các công ty - doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác trong việc sử dụng thiết bị điện để phòng tránh. Khi phát hiện cháy cần di chuyển ra khu vực an toàn và báo cho 114... Người dân cần cẩn trọng trong việc sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện dễ sinh nhiệt như đun nấu, thắp hương, đốt vàng mã tại khu dân cư, nơi kinh doanh các mặt hàng dễ cháy...
Trong năm 2020 nổi lên tình trạng cháy các phương tiện giao thông cơ giới trong quá trình lưu thông hoặc khi dừng đỗ (xảy ra 40/290 vụ), tuy nhiên tất cả đều được xử lý kịp thời, không gây hậu quả nghiêm trọng. Để hạn chế cháy nổ, các chủ phương tiện, người điều khiển cần lưu ý: không sử dụng xe hết hạn sử dụng, không nên sử dụng phương tiện hoán cải, sửa chữa hệ thống điện; thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống điện; trang bị bình chữa cháy xách tay, thiết bị chữa cháy trên xe; xe dừng đậu lâu ngày nên tháo bình ắc-quy hoặc cọc bình...
Năm 2020, Phòng CSPCCC &CNCH - CATP đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ về PCCC qua công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào Toàn dân PCCC với nhiều hình thức phong phú, kết hợp công tác hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC định kỳ, chuyên đề theo từng loại hình cơ sở phù hợp với tình hình thực tế...
Vụ cháy ở xưởng gỗ quận 12, TPHCM tối 14-1
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCCC&CNCH vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế như: tình hình cháy trên địa bàn thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng vẫn xảy ra và có chiều hướng gia tăng so với cùng kỳ; đa số các vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng vẫn tập trung chủ yếu tại các công ty, cơ sở kinh doanh dịch vụ - SX hàng hóa, nhà ở đơn lẻ gây ra hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Nguyên nhân gây ra các vụ cháy vẫn là do sự cố trong sử dụng các hệ thống, thiết bị điện; một số cơ sở SX - kinh doanh, chuyển đổi công năng sử dụng công trình, làm tăng thêm nhiều phụ tải, mà không kịp thời cải tạo nâng cấp hệ thống dây dẫn, thiết bị bảo vệ, tăng cường các điều kiện an toàn về điện, chính là nguyên nhân dẫn đến các sự cố trong sử dụng điện.
Bên cạnh đó, tình hình giao thông tại TPHCM còn nhiều hạn chế, tại một số tuyến đường trọng yếu vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc trong các giờ cao điểm, làm ảnh hưởng đến việc di chuyển trong quá trình chữa cháy và hiệu quả công tác này của lực lượng chuyên nghiệp...
Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng CSPCCC&CNCH - CATP, cho biết, mặc dù còn nhiều nguyên nhân, khó khăn về khách quan, chủ quan dẫn đến tình hình cháy diễn biến phức tạp, nhưng so với mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ công tác năm 2020, phòng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đề ra, đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn TPHCM. Đại tá Tâm nhận định, 2021 là năm diễn ra nhiều lễ hội lớn của đất nước và TPHCM, trọng tâm là Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, bầu cử Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các sự kiện, hoạt động chào mừng Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2021 (Sea Games 31)...
Tình hình trên đòi hỏi tập thể Phòng PCCC&CNCH - CATP phải đoàn kết thống nhất, quyết tâm lãnh đạo triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an toàn PCCC, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhiệm vụ chính trị nhằm đảm bảo an toàn PCCC, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về PCCC, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; xây dựng đơn vị vững mạnh, đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.