Đại biểu Quốc hội:

"Hãy ngừng đổ lỗi để truy trách nhiệm trong các sự cố cháy nổ"

Thứ Tư, 13/11/2019 14:46

|

(CAO) Hãy nhìn thẳng vào các tồn tại, phát hiện cũng như bịt các lỗ hổng từ công tác xây dựng luật pháp, hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.

Thảo luận về Báo cáo Kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018” hôm nay (13-11), đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) phản ánh có sự chồng chéo bất cập và thiếu thống nhất, sự lạc hậu của các quy định trong hệ thống pháp luật, không chỉ là những pháp luật trực tiếp về PCCC, về phòng, chống cháy nổ mà các quy định liên quan ở các lĩnh vực như xây dựng, giao thông, điện lực...

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa thảo luận tại hội trường 

“Lỗ hổng trong việc triển khai thực hiện khá rõ. Cơ quan chức năng khẳng định là làm tốt công tác tuyên truyền nhưng người dân nói không biết. Cơ quan chức năng khẳng định là có kiểm tra, có giám sát và rất quan tâm tới công tác kiểm tra, giám sát nhưng những sai phạm trong cháy nổ thì được xử lý rất ít” - đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết.

Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2018, cả nước đã xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người. Thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. 
Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng.
Trung bình mỗi ngày xảy ra 09 vụ cháy, làm chết hoặc bị thương 01 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng. 
Các vụ cháy có nguyên nhân do sự cố hệ thống, thiết bị điện 6.458 vụ (chiếm 57,27%), do sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%).
Cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản xảy ra 126 vụ, chiếm 0,96% tổng số vụ, làm chết 35 người, bị thương 72 người, thiệt hại về tài sản ước tính 4.972,7 tỷ đồng, chiếm 76,2% tổng thiệt hại do cháy gây ra. 
Số vụ cháy có quy mô nhỏ và trung bình chiếm 99%.

Đáng chú ý, theo đại biểu Hoa, khi sự cố cháy nổ xảy ra thì lúc đó mới truy cứu nguyên nhân và quy trách nhiệm. Nhưng khi truy cứu trách nhiệm lại đang có vấn đề là đổ lỗi.

“Trên thì đổ lỗi cho dưới là không chấp hành, dưới quy là trên không hướng dẫn. Người dân thì cho là chính quyền không quan tâm, chính quyền thì cho là người dân không chấp hành. Đây là văn hóa đổ lỗi trong khi chúng ta truy xét trách nhiệm” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa nêu rõ.

Từ thực tế trên, đại biểu của Đồng Tháp đề nghị hãy nhìn thẳng vào các tồn tại, phát hiện cũng như bịt các lỗ hổng từ công tác xây dựng luật pháp, hướng dẫn triển khai thực hiện cho đến giám sát việc triển khai thực hiện. Hãy ngừng đổ lỗi để truy xét trách nhiệm rõ hơn, nhận trách nhiệm nghiêm túc hơn và từ đó tìm ra giải pháp khắc phục phù hợp hơn.

Nhắc lại “thảm kịch Carina”, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho biết, hơn một năm sau sự cố này, nhiều người dân ở chung cư vẫn chưa hết giật mình mỗi khi chợt nghe tiếng còi cứu hỏa.

“Điều gì có thể bù đắp những mất mát và giúp họ quên đi ký ức kinh hoàng khi chứng kiến người thân ra đi trong ngọn lửa quá khủng khiếp?” – đại biểu Nhân nêu câu hỏi.

Vậy nhưng, công tác PCCC, theo ông Nhân, vẫn còn quá nhiều tồn tại, thiếu sót. Dẫn chứng cụ thể, đại biểu Nhân chỉ ra, nhân lực và vật lực PCCC đều không đạt cả về chất lẫn lượng. Đội văn phòng cho công tác này chỉ đạt 23%, lực lượng ở cơ sở và chuyên ngành cũng chỉ hơn 60%. Nhân lực ở cơ sở hầu hết là kiêm nhiệm, khó bố trí nhân sự trong lực lượng chuyên ngành.

“Quốc hội nghĩ gì về số xe chữa cháy sử dụng trên 20 năm, xe chất lượng kém hư hỏng, chiếm hơn 50%. Số trụ nước bể nước bến nước không chỉ thiếu vài chục mà nhiều địa phương con số lên đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn” – đại biểu Bình Dương thắc mắc.

Trong khi nguồn nước tự nhiên ở các ao, hồ, sông ngòi ngày càng cạn kiệt, đại biểu Nhân còn chỉ ra bên cạnh việc bị san lấp, công trình che chắn lối vào lấy nước thì cũng đang oằn mình gánh hàng tấn rác mỗi ngày. Hệ quả là không chỉ nguồn nước bị bức tử gây ngập lụt mà còn tước đi cơ hội được sống trong trường hợp hỏa hoạn xảy ra.

“Chừng nào tình trạng thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm, sự mất cảnh giác, lơ là của người dân vẫn còn đó thì dù có tổ chức gấp bao nhiêu lần các lớp tập huấn, kiểm tra cũng khó lòng mong công tác PCCC hiệu quả” – ông Nhân nhận định.

Nêu lại thực trạng hàng ngàn công trình có nguy hiểm về cháy nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu PCCC, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề: “Có hay không sự du di, thỏa hiệp, “đi đêm” giữa chủ đầu tư với tổ chức, cơ quan có thẩm quyền chốt công đoạn, thủ tục trong quy trình thực hiện PCCC đặc biệt là công tác thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm tra công trình?”

Nếu có, theo đại biểu Nhân, đây chính là nguyên nhân của mọi nguyên nhân và nó không khác gì tội ác khi cơ hội được sống và sống an toàn của người dân bị tước đi sau những lần du di, thỏa hiệp đó.

“Lẽ nào những nỗi đau tận cùng sau thảm kịch Carina vẫn chưa đủ thức tỉnh lương tri những ai có trách nhiệm để chấm dứt câu chuyện phạt cho tồn tại hay sao thưa Quốc hội?” – ông Nhân day dứt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang