Cảnh báo tình trạng trộm cắp tại công trường Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên

Thứ Tư, 22/06/2022 11:16  | Nam Anh

|

(CATP) Những ngày gần đây, sau khi tình trạng bôi bẩn, vẽ bậy trên thân các đoàn tàu diễn ra, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) đã tăng cường công tác kiểm tra, đồng thời phát đi cảnh báo về hiện tượng trộm cắp vật tư đối với dự án công trình Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. 

Để chấm dứt tình trạng trên, MAUR đề nghị các nhà thầu tăng cường đảm bảo an ninh, bảo vệ vật tư, thiết bị đang lưu trữ hoặc đang trong quá trình thi công lắp đặt ở công trường, tránh để các vật tư bị mất cắp hay phá hoại.

Nhiều vật tư bị lấy cắp

Công ty TNHH xây dựng Chan Chun - nhà thầu thi công đường ray thuộc gói thầu mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng của tuyến Metro số 1 vừa phát hiện một lượng lớn khóa kẹp ray hình chữ E bị mất. Trước đó, trong lần đi kiểm tra công trường giữa tháng 5, nhà thầu xây dựng phát hiện khu vực cầu cạn VD1 đến VD3 (đoạn từ Văn Thánh đến Tân Cảng) có khoảng 13.443 khóa kẹp các thanh ray (thiết bị dùng để cố định, liên kết các thanh ray và thanh nối tà vẹt) hình chữ E trong tổng số gần 20.200 khóa đã bị đánh cắp. Khu vực xảy ra trộm là khu vực được hạn chế ra vào, chỉ người được cấp phép mới có thể vào làm việc.

Theo Công ty TNHH xây dựng Chan Chun, đơn vị bắt đầu xây dựng đường ray từ tháng 12-2020 đến tháng 02-2021. Trong thời điểm này, các khóa kẹp ray đã được lắp đặt hoàn chỉnh. Từ tháng 11-2021 đến tháng 5-2022, nhà thầu cho biết không làm việc ở khu vực thi công và vận hành thiết bị đường sắt. Tuy nhiên, các đơn vị khác vẫn làm việc tại đây. Nhà thầu cho rằng, đây là sự cố rất đau lòng và phải trình báo với cơ quan Công an.

2 toa tàu metro Bến Thành - Suối Tiên bị vẽ bậy (hiện đã được xử lý)

Trao đổi với chúng tôi, bà Vũ Minh Huyền, Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR - chủ đầu tư) cho biết, đã nắm bắt được thông tin và MAUR đã đề nghị các nhà thầu tăng cường đảm bảo an ninh, bảo vệ vật tư, thiết bị đang lưu trữ hoặc đang trong quá trình thi công lắp đặt ở công trường; tránh để các vật tư bị mất cắp hay trong tương lai bị phá hoại. Đối với vụ việc mất trộm 2/3 tổng số lượng khóa kẹp ray tại gói thầu CP3, bà Huyền cho biết chủ đầu tư đã phối hợp với nhà thầu trình báo Công an quận Bình Thạnh. Tuy nhiên, đến nay công tác điều tra, truy tìm chưa có thông tin mới. Nhà thầu đề nghị cơ quan chức năng hỗ trợ truy tìm, thu hồi để không ảnh hưởng tiến độ công trình. Ngoài khu vực trên, tại depot Long Bình, đơn vị thi công cũng phát hiện bị mất một số đường dây cáp.

Tình trạng mất trộm vật tư, thiết bị công trình xây dựng không mới nhưng hiện nay bất ngờ "bùng phát" trên địa bàn TPHCM do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân là công trình xây dựng bị chậm tiến độ khiến cho nhiều hạng mục thi công xong nhưng không bàn giao sử dụng. Trong khi đó, nhà thầu cũng có tâm lý lơ là khi thi công hoàn thành khiến cho kẻ gian dễ dàng lợi dụng kẽ hở này để trộm cắp. Và nếu các dự án còn tình trạng chậm trễ kéo dài, khi gói thầu trước hoàn thành nhưng vài năm sau gói thầu bên cạnh chưa thi công thì việc trộm cắp có thể còn tái diễn và phức tạp.

Trước tình trạng mất cắp vật tư và hai đoàn tàu bị vẽ bậy, MAUR đề nghị các nhà thầu cần tăng cường công tác an ninh và bảo vệ vật tư ở công trường tránh bị mất cắp. Tại khu vực depot Long Bình và các nhà ga, nơi tập trung nhiều vật tư, thiết bị, các nhà thầu nên xem xét có thể gắn camera an ninh để giám sát trong suốt quá trình thi công và lắp đặt, cũng như hỗ trợ công tác bảo vệ.

Bôi bẩn lên đoàn tàu

Cả 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 đang được tập kết tại depot Long Bình, chưa đi vào chạy thử nghiệm hay khai thác tuy nhiên trong những ngày trung tuần tháng 6, đoàn tàu số 13 và 14 của nhà thầu Hitachi (2 trong số 17 đoàn tàu) đặt tại depot Long Bình TP.Thủ Đức được phát hiện trong tình trạng chằng chịt hình vẽ bậy bằng nước sơn trên thành tàu và đầu, cuối toa tàu. Khi sự việc xảy ra cho thấy công tác an ninh và bảo vệ công trường, giám sát đoàn tàu chưa chặt chẽ.

Các khóa kẹp hình chữ E nối liền các thanh ray với tà vẹt bị mất trộm

Trước đó, vào cuối tháng 5, toàn bộ 17 đoàn tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã được vận chuyển thành công về depot Long Bình - TP.Thủ Đức. Các đoàn tàu đặt tại đây sẽ được chạy thử nghiệm thử theo quy trình tĩnh, đơn động, tích hợp. Depot Long Bình có diện tích khoảng 20,9ha - là khu trung tâm điều khiển và bảo dưỡng tàu metro số 1. Khu vực này bao gồm các tòa nhà vận hành và bảo dưỡng; xưởng chính bảo dưỡng tàu hơn 4.000m2; các cơ sở hạ tầng bảo dưỡng các thiết bị khác của đường ray, hệ thống điện, tín hiệu, thông tin liên lạc; bãi đỗ tàu; trạm vệ sinh tàu; mạng lưới đường nội bộ bên trong và bên ngoài khu vực và khu văn phòng.

Sau vụ việc tàu metro bị vẽ bậy và nhiều vật tư trên công trình bị mất trộm, bà Vũ Minh Huyền, MAUR cho rằng depot Long Bình thuộc phạm vi bảo vệ của nhà thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) và nhà thầu cơ điện CP3. Theo bà Huyền, đóng vai trò giám sát, phối hợp nhà thầu kiểm tra, thi công đảm bảo tiến độ đề ra đối với hợp đồng ký kết với chủ đầu tư. Khu tập kết 17 đoàn tàu thuộc trách nhiệm và phạm vi công việc của nhà thầu nên họ phải khắc phục hậu quả trước khi bàn giao các toa tàu cho chủ đầu tư.

Trên công trường xây dựng metro Bến Thành - Suối Tiên

Cũng theo bà Vũ Minh Huyền, ngay khi xảy ra sự việc tàu bị bôi bẩn, MAUR đã có chỉ đạo nhà thầu phải khắc phục, đảm bảo an ninh, tăng cường kiểm tra, điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây ra vụ việc bôi bẩn; khôi phục lại nguyên trạng ban đầu. Trong quá trình chờ thử nghiệm, hai trong số 51 toa tàu của tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên vừa được phát hiện trong tình trạng có nhiều vết sơn, vẽ Graffiti trên thân và đầu tàu. Hiện 2 toa tàu metro số 1 đã được tẩy rửa, khôi phục lại nguyên trạng ban đầu.

Nhìn nhận sự việc từ góc nhìn pháp lý, Luật sư Trần Văn Hậu, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, trong trường hợp người vẽ bậy đến từ bên ngoài, tự ý lẻn vào công trường, đây là hành vi gây tác động xấu trong dư luận và gây hậu quả nghiêm trọng. Việc xử phạt hành chính đưa ra là chưa đủ sức răn đe. Ông phân tích, hành vi vẽ bậy lên tài sản kinh doanh của người khác nói chung sẽ bị phạt hành chính, theo Nghị định 167 của Chính phủ. Đồng thời, buộc người vi phạm phải khôi phục lại hiện trạng ban đầu cho tài sản đó.

Tuy nhiên, với tình huống này, luật sư nhấn mạnh cần xem xét đến trường hợp cấu thành tội Cố ý hủy hoại tài sản. Đây là công trình lớn của thành phố được người dân chờ đợi, quy trình bảo quản rất nghiêm ngặt. Nhưng việc xuất hiện một ai đó xâm nhập vào công trường để vẽ, bôi bẩn các toa tàu như vậy cho thấy vấn đề an ninh trật tự rất đáng quan ngại.

Với hành vi vẽ bậy, phun sơn lên các toa tàu khi chưa được sự đồng ý, cho phép của chủ sở hữu tài sản là vi phạm pháp luật. Người thực hiện hành vi vẽ bậy, phun sơn lên 2 toa tàu trên có thể cấu thành tội Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản, được quy định trong Bộ luật Hình sự. Với lập luận đó, luật sư cho rằng trường hợp này có thể xử phạt theo điểm c, Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, để xử lý hình sự tội Hủy hoại, Cố ý làm hư hỏng tài sản.

Tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TPHCM. Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết trong thời gian tới, dự án tập trung toàn lực vào công tác thi công lắp đặt cơ điện của nhà thầu Hitachi, thúc đẩy tiến độ để chuẩn bị đến giai đoạn tích hợp hệ thống, thử nghiệm và vận hành trước khi đi đưa vào khai thác chính thức. Metro số 1 có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km, gồm 2,6km đi ngầm và hơn 17km chạy trên cao, nối từ Bến Thành, quận 1. Dự án hiện đạt hơn 93% tiến độ, dự kiến chạy thương mại vào cuối năm 2023.

Bình luận (0)

Lên đầu trang