"Cánh én" chào xuân

Thứ Ba, 25/01/2022 11:14

|

(CATP) Tiếng chuyện trò, cười nói rôm rả của nhiều người phát ra từ nhà chị Tô Thị Lan (SN 1965, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM) làm hàng xóm chú ý, bởi nhiều năm qua, lần đầu tiên gia đình này có không khí Tết đến sớm, rộn ràng hơn hẳn các năm trước.

Trong khoảnh sân nhỏ trước nhà, hương xuân thấp thoáng với hai chậu cúc khoe sắc vàng ươm, bên cạnh là chiếc xe Cub "cánh én" màu xanh rêu lâu nay được mệnh danh là "cần câu cơm" của vợ chồng chủ nhà. Ô kìa! Hơn chục ngày trước, chị Lan nước mắt ngắn dài than vãn về chuyện bị mất cắp chiếc xe máy khi đang mải bán hàng nên không còn phương tiện kiếm sống. Sao chiếc xe xuất hiện trở lại? Có lẽ vợ chồng chị Lan đã tìm lại được chiếc xe? Thế thì phải chia vui mới được.

Thấy hàng xóm vào nhà mỗi lúc thêm đông với thái độ tò mò, không đợi mọi người lên tiếng hỏi, chị Lan cười vui vẻ, bộc bạch: "Chiếc xe đã trở về. Vợ chồng em rồi đây lại có phương tiện kiếm sống, nuôi con rồi ạ. May mắn quá! Tất cả đều nhờ vào sự tích cực, nhiệt tình của các anh công an đó ạ. Không chỉ tìm lại tài sản cho chúng em, các anh còn tặng thêm bánh chưng và hoa cúc nên tết này đến với gia đình em thật đầm ấm".

Có sống gần gia đình chị Lan thì mới hiểu được phần nào niềm vui của vợ chồng chị khi tìm lại được chiếc xe. Với nhiều gia đình khá giả, chiếc xe máy giá trị không bao nhiêu, nhưng với vợ chồng chị Lan thì không chỉ là gia tài mà còn chứa đựng kỷ niệm thân yêu về người mẹ hiền quá cố.

...Khu dân cư tự phát vùng ngoại thành hình thành từ vài năm trước với những mái nhà lô nhô, cái thấp, cái cao, thụt ra, thò vào đủ kiểu. Chủ yếu là những căn nhà cấp bốn được chắp vá từ nhiều loại vật liệu khác nhau, nên được gọi vui là "nhà không số, phố không tên". Tằn tiện bao năm, vợ chồng chị Lan chỉ đủ tiền mua qua giấy tay miếng đất 4 x 10m trong khu dân cư tự phát này, rồi dựng tạm bằng đủ thứ vật liệu để có chỗ trú ngụ.

Chồng làm phụ hồ, vợ phụ bán rau cho người chị bà con ở chợ Hoàng Hoa Thám, nên dẫu chí thú làm ăn, vợ chồng chị Lan cũng không kiếm đủ tiền nuôi ba đứa con đang tuổi ăn học. Thấy vợ chồng con gái vất vả, mẹ chị Lan đem hết số tiền dưỡng già gần 3 lượng vàng đưa con gái để mua chiếc xe Cub "cánh én" dùng làm phương tiện mưu sinh.

Từ ngày có chiếc xe, vợ chồng chị Lan chuyển hẳn sang nghề bán rau. Mua tận gốc, bán tận ngọn nhằm kiếm thêm chút đồng lời, hai vợ chồng thức khuya dậy sớm đến chợ đầu mối lấy hàng về bán. Sạp của họ là vài khúc cây dựng tạm tại một ngã ba đường, nơi có nhiều công nhân và người lao động qua lại. Sau một thời gian, cuộc sống của gia đình chị Lan đã khởi sắc, có đồng ra đồng vào, không còn thiếu hụt như trước. Mẹ chị Lan mừng lắm, còn vợ chồng chị cũng vô cùng biết ơn mẹ.

Sau đó không bao lâu, mẹ chị Lan tuổi cao sức yếu đã rời cõi tạm. Trước lúc nhắm mắt xuôi tay, bà dặn dò con gái: "Chiếc xe "cánh én" xem như món quà mẹ tặng vợ chồng con, hãy gìn giữ nó làm phương tiện kiếm sống, nuôi các cháu ăn học nên người...". Chiếc xe trở thành kỷ vật thiêng liêng của người mẹ hiền quá cố nên vợ chồng chị Lan gìn giữ rất kỹ.

Ngày 14 tháng Chạp năm Tân Tỵ, biết khách có nhu cầu mua nhiều hoa quả về cúng rằm nên chồng chị Lan lấy thêm thật nhiều hàng. Thấy khách đông, vợ bận bịu bán hàng không ngớt tay, chồng chị Lan dựng vội chiếc xe máy bên hông sạp rồi phụ vợ nhận tiền, giao hàng. Tất bật mấy giờ liền, bù lại cả hai thấy rất vui khi nguồn tiền thu về kha khá. Sau khi dọn dẹp, đóng sạp, chuẩn bị lấy xe ra về thì vợ chồng chị Lan tá hỏa phát hiện chiếc xe "cánh én" đã bị trộm. Chị Lan òa khóc vì tiếc của và mất kỷ vật thiêng liêng của người mẹ để lại.

Nhận tin báo, nghe hết câu chuyện về chiếc xe kỷ vật của vợ chồng chị Lan, Công an phường khẩn trương lập kế hoạch truy xét. Với nhiều nỗ lực, đúng tối 29 Tết, đơn vị lần ra kẻ trộm, thu hồi chiếc xe. Sau khi hoàn tất các thủ tục cần thiết, trưa 30 Tết, Công an phường bàn giao chiếc xe cho vợ chồng chị Lan. Nhận lại tài sản, vợ chồng chị Lan mừng lắm, luôn miệng nói cười rôm rả và cảm ơn các chiến sĩ công an. Hàng xóm biết chuyện cũng sang chia vui nên không khí xuân tràn ngập trong xóm nhỏ.

Câu chuyện xảy ra 20 năm về trước, nhưng với trung tá Nguyễn Văn Năm thì đó là một kỷ niệm vui, khó quên trong cuộc đời làm công an của mình. Anh đã chia sẻ cùng chúng tôi vào một ngày giáp Tết Nhâm Dần 2022.

 

Bình luận (0)

Lên đầu trang