(CATP) Trong danh sách tổng hợp người có uy tín ở 54 tỉnh, thành, anh Đinh Lỗ (SN 1980, dân tộc Hrê, quê ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai, H.Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) nằm ở vị trí thứ 23.043 có điểm khác biệt rất nhiều so với những người có uy tín ở các địa phương. Thứ nhất là thành tích học tập tốt, thứ 2 là nhiều năm trải qua công việc ở các công ty đóng tàu của Tập đoàn Vinashin, các kỹ sư thán phục khi anh leo phăng phăng lên các giàn khoan Đại Hùng, Tam Đảo cao hơn 100m để sửa chữa.
Thanh niên cần làm gì?
Huyện miền núi Minh Long cách trung tâm TP.Quảng Ngãi 30km. Những năm trước đây, đoạn đường 30km trở nên xa thẳm. Anh Lỗ nhớ lại, từ thôn Trung Thượng ra trung tâm huyện từng phải trèo qua sống lưng núi, băng qua suối Nước Sim và mùa đông thì luôn bị chia cắt. Cha của Lỗ là ông Đinh Văn Ấy, một người nông dân chất phác. Ông có tầm nhìn xa nên khuyên con cố gắng học tập tốt để thoát nghèo. Nghe lời cha, trong suốt những năm tháng đi học, Lỗ cố gắng hết mình. Rồi cái tên Đinh Lỗ luôn được ghi đầu bảng học tập.
Học hết cấp 3 Trường nội trú dân tộc H.Minh Long, Lỗ từng ước mơ được học đại học, nhưng sau đó cậu quyết định rẽ sang học nghề cơ khí, đào tạo hệ trung cấp. Cầm tấm bằng nghề trong tay, năm 1992 Lỗ trở thành thanh niên đầu tiên tạm biệt gia đình, con suối chảy trước nhà để vào miền Nam làm công nhân đóng tàu công ty Huyndai Vinashin.
Năm 1997, khi Công ty đóng tàu Dung Quất, thuộc Tập đoàn Vinashin ra đời, Lỗ quay về xin làm việc để có thời gian về Minh Long thăm cha và bà con xóm làng. Tại đơn vị mới, Lỗ được phân công làm đội trưởng một đội sản xuất. Công việc hàng ngày là gò, hàn, kiểm tra tiến độ sơn, sửa thân tàu, cùng nhiều công việc liên quan tới lĩnh vực cơ khí. Mang tính cách của người đồng bào dân tộc Hrê thật thà, chăm chỉ, Lỗ không ngại trèo lên đỉnh giàn khoan Đại Hùng, Tam Đảo có chiều cao trên 100m để sửa chữa tàu.
Anh Đinh Lỗ lưu giữ tấm thẻ thời còn là công nhân. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
Năm 2012, Lỗ tạm biệt công việc khoác áo công nhân để trở về với núi rừng, do tình hình kinh doanh của Công ty đóng tàu Dung Quất giảm sút dần và mức lương chỉ còn 1/3 so với bình thường. Lúc Lỗ rời phố và đưa vợ con quay lại núi rừng cũng là thời điểm rất nhiều thanh niên trẻ ở địa phương này, sau khi học hết cấp 3 đã đi học nghề, hoặc xin đi làm công nhân tại Khu công nghiệp VSIP, Khu kinh tế Dung Quất. Vậy là Lỗ trở thành người đưa ra rất nhiều lời khuyên cho lớp thanh niên trẻ.
Tư duy công nghiệp
Gặp Đinh Lỗ trong ngôi nhà cũ nằm sát mặt đường, sau lưng nhà là vách núi Vanh xanh rì bóng cây keo lai. Khi được bầu là người có uy tín, Lỗ cho biết mình càng phải nghiên cứu nhiều hơn, tập trung vào việc giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo bền vững. Thời còn ở miền xuôi và làm công tác quản lý, Lỗ thường có ý kiến về việc phun thuốc, cấy lúa, bỏ phân là phải đồng trục về thời gian. Anh chia sẻ với đồng bào rằng, bà con phải thay đổi tập quán canh tác. Anh còn làm gương bằng việc chăn nuôi gà theo kiểu bán công nghiệp, nuôi bò nhốt và cho ăn cỏ voi, đào ao nuôi các loại cá, sau đó làm một ngôi nhà nhỏ có mặt sàn chồm ra mặt ao.
Những giàn khoan dầu khí này đều được anh Lỗ trèo lên trên đỉnh để sửa chữa. Ảnh: VĂN CHƯƠNG
H.Minh Long từng là địa phương có nhiều hộ nghèo, đặc biệt khó khăn. Hiện nay, những rừng keo lai phủ khắp núi đồi đã mang lại cho bà con cuộc sống đổi mới, có tiền để xây dựng nhà, sắm thêm ti vi, tủ lạnh, mua quần áo mới. Tuy nhiên, do vẫn quen với tập quán "hái lúa non", vì vậy nhiều hộ trồng keo 3 năm đã bán. Anh Lỗ đi tìm những hộ điển hình để đưa ra ví dụ cho bà con học tập, như hộ ông Đinh Thai mới kiếm được số tiền 70 triệu đồng từ thu hoạch keo.
Những người trong thôn, xóm hỏi nhau về việc tại sao ông Thai trồng chỉ hơn nửa héc-ta, vườn keo trồng tận trên đỉnh núi tốn chi phí vận chuyển mà có thể kiếm được số tiền gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần những hộ gia đình khác? Anh Lỗ giải thích đó là do ông Thai kiên nhẫn để rừng keo kéo dài 6 năm đã mang đến kết quả cao hơn những năm trước cộng dồn lại. Nhiều bà con người Hrê hiểu ra và gật gù.
Anh Lỗ chia sẻ, nói chuyện với thanh niên về việc rời núi, xuống miền xuôi khởi nghiệp thì dễ. Nhiều anh em trẻ nghe lời anh rồi dần dần quen việc, trở thành công nhân ở một số công ty nhờ bỏ tư duy "lạ quá... khó quá”. Nhưng vẫn còn những nỗi lo mà anh cho rằng lớp thanh niên trẻ ở vùng cao bị thiếu hụt, đó là kiến thức về xã hội. Thỉnh thoảng anh hỏi thử vài học sinh đang học cấp 3 về những bài toán cấp 2, hoặc vài bài thơ, ca dao, sự kiện lịch sử, sau đó nhắc chừng "nếu không có kiến thức sâu thì về dưới miền xuôi làm việc sẽ khó”.
Anh Đinh Lỗ là thợ cơ khí bậc 4/7, anh đã được ngành đóng tàu tặng rất nhiều phần thưởng trong các phong trào thi đua. Khi giải nghệ về miền núi, anh sử dụng tay nghề để làm thợ sắt kiếm nguồn thu nhập hàng ngày, trang trải cuộc sống ở miền cao.