Chiếc khuôn bánh thuẫn của bà

Thứ Bảy, 21/01/2023 18:01

|

(CATP) Những ngày giáp Tết, tôi về quê chạp mả (tảo mộ). Cái rét ngọt kéo qua cái thung lũng miền Trung quê tôi, do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc làm cho se sắt cõi lòng. 

Dòng sông An Lão nước dâng cao hơn, cánh rừng xanh bạt ngàn màu lá keo. Cây mai vàng ở đầu hồi nhà đâm chồi chờ nắng xuân về nở bung. Tôi dọn dẹp căn nhà của ông bà để chào đón xuân về. Bất ngờ, trong góc nhà còn sót lại một chiếc khuôn bánh thuẫn bằng đồng đen sì của bà tôi đã nhuốm màu thời gian.

Hồi đó, những ngày áp Tết ở Bình Định quê tôi nhà nào cũng rộn ràng với món bánh thuẫn hay còn gọi là “bánh hột xoài”. Cùng với bánh tét, thì bánh thuẫn là loại bánh không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong những ngày Tết đến của người dân miền Trung. Trong tôi là hình ảnh bà hiện về đang xếp bánh thuẫn vào cái mẹt nhỏ. Khuôn mặt bà đầy những nếp nhăn, nhưng hồng hào và rạng rỡ một cách kỳ lạ. Có lẽ, bà đang chuẩn bị ít bánh để mang cho con cháu ở xa hoặc là dọn trong mâm cúng ngày Tết.

Đổ bánh thuẫn.

Không biết bánh thuẫn có nguồn gốc từ đâu, mỗi lần tôi hỏi, bà cũng chỉ nghe kể lại nó đến từ Quảng Nam, còn được gọi theo giọng địa phương là bánh thửng. Theo tương truyền có tên gọi này, là do người thợ đúc khuôn, gò khuôn theo hình bầu dục (hình thuẫn) nên gọi bánh thuẫn. Bánh thuẫn truyền thống chỉ có loại khuôn 5 cánh như hoa mai, mỗi khuôn có khoảng 5 - 8 bánh, một khuôn bánh với mỗi chiếc bánh có kích cỡ và hình dáng khác nhau, họa tiết khác nhau trông rất đẹp. Cho nên bánh thuẫn là loại bánh biểu tượng cho năm mới vui vẻ, sung túc, an lành.

Ngày ấy, vùng quê tôi chưa có điện, cả xóm chong đèn hột vịt ngồi làm bánh đến tận khuya lơ khuya lắc. Tiếng nói cười rôm rả cả một vùng quê nghèo. Nhà tôi cứ 30 Tết, bà gọi các bác các cô đến làm bánh thuẫn rồi cúng rước ông bà về ăn Tết với con cháu. Ăn thì dễ, nhưng làm thì khó. Để làm được những mẻ bánh thuẫn thơm ngon, đúng mùi vị, đòi hỏi người làm phải tốn nhiều công sức, am hiểu và khéo léo. Tôi nghe bà chỉ vẽ cho các cô cách làm bánh thuẫn.

Theo như bà thì bánh thuẫn được làm từ bột bình tinh hay còn gọi là bột ngải, đem pha tỷ lệ một ký bột đánh cùng một chục trứng gà và một ký đường. Đường được tán nhuyễn đánh cùng trứng khoảng 20 phút thì cho bột vào, đánh thật đều. Ngày ấy làm gì có máy, dụng cụ đánh bột bánh là một bó đũa chia đều làm đôi, mỗi bên 5 hoặc 7 đôi tùy vào bàn tay to hay nhỏ của từng người.

Sau này làm riết mới cải tiến hơn dùng ống lò xo để đánh. Giai đoạn này rất quan trọng vì quyết định bánh có nở bung đều, đẹp mắt hay không là nhờ vào cách đánh bột. Cánh đàn ông tay khỏe là ba và bác tôi thường được ưu tiên làm việc này. Để biết bột tới hay chưa, đã đổ bánh được hay chưa, thì dùng một chén nước, cho một ít hỗn hợp bột vào, nếu phần hỗn hợp bột nổi lên là được.

Bánh thuẫn

Sau khi đánh bột đã tới rồi, cánh đàn ông giao lại cho bà và các cô tôi đổ vào khuôn, trên lò than rực lửa hồng tỏa hơi nóng ấm xua tan đi giá lạnh cuối đông. Bà tôi bảo, lứa bánh đầu tiên là thử khuôn nên cho chúng tôi được nhấm nháp. Chao ôi! Mùi bánh thơm lừng bay khắp nhà. Bánh được gọi là thành công khi bánh bung nở như những cánh mai xuân, màu sắc vàng tự nhiên của trứng, vị ngọt thanh dịu của đường, gừng, chỉ cần cắn nhẹ một miếng thì bánh tan chảy ngay đầu lưỡi tạo một cảm giác khoan khoái lạ thường. Những chiếc bánh thuẫn được đổ ra, bà đem sấy trên cái xịa dưới có lò lửa liu riu, để cứng cáp hơn không bị vỡ. Sau đó, mới xếp vào đĩa đem lên cúng tổ tiên, rồi mới cho cả nhà thưởng thức.

Nhắc đến món bánh thuẫn. Đã rất lâu rồi tôi không nghĩ đến nó, chứ đừng nói là ăn nó. Từ khi tôi rời quê vào thành phố học hành rồi ở lại làm việc. Những người ở đâu không biết, nhưng nếu là người miền Trung, chắc hẳn ai cũng đều quen thuộc với món bánh thuẫn thơm ngon và đặc biệt chỉ có nhiều vào dịp Tết đến xuân về.

Bây giờ, xứ Nẫu quê tôi, ngày Tết vẫn còn đĩa bánh thuẫn trong mỗi gia đình để dâng lên bàn thờ gia tiên và mời khách, nhưng phần nhiều là mua từ các cơ sở sản xuất, từ chợ... không mấy người làm như xưa nữa. Cho nên, chiếc khuôn bánh thuẫn của bà tôi nằm im lìm trong xó nhà bao nhiêu năm là vậy. Bánh mua không thơm ngon như bánh tự làm theo cách truyền thống. Bánh thuẫn bây giờ nhàn nhạt, có lẽ đã bị pha chế, lai tạp quá nhiều.

Chiếc khuôn bánh thuẫn của bà chứa đựng biết bao nhiêu ký ức tuổi thơ của tôi. Dường như ngoài hiên vẫn còn vọng vang đâu đây câu hát cũ hồi bà hay ru tôi ngày còn thơ ấu: “Nghe mùi bánh thuẫn nhớ quê. Nẫu ơi! Thương quá thèm về cố hương”. Giọng hát bà ướt nước, ngọt ngào. Bà nói cái mùi bánh thuẫn sấy trên xịa sao mà nghe “nẫu ruột”. Chừng vài năm nữa biết đám trẻ có nhớ mùi bánh thuẫn mà thèm về quê hương? Giờ bà tôi đã đi thật xa rồi nhưng chiếc khuôn bánh thuẫn của bà đã làm cho tôi sống lại một thời thơ ấu khó tìm lại. Tôi lại về quê ngồi nhìn thời gian vun vút lao đi nhưng mùi bánh thuẫn của bà không còn nữa…

Trong cái khí trời se lạnh ngày đầu năm, ngồi thưởng thức bánh thuẫn bên những ấm trà nóng thì không còn gì hạnh phúc bằng. Lúc được ngồi cạnh những người thân yêu trong gia đình thưởng thức loại bánh này, tôi thấy cái Tết dường như đang đến thật gần. Cái tiết trời se lạnh của ngày giáp Tết đã bị hơi ấm của bếp lửa trong nhà và hương bánh thuẫn đẩy lùi.

Bình luận (0)

Lên đầu trang