Cảnh sát PCCC hướng dẫn người dân sử dụng nguồn nhiệt an toàn dịp Tết

Thứ Sáu, 20/01/2023 16:29

|

(CAO) Nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn cháy, nổ trong dịp Tết Nguyên Đán 2023, Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TPHCM hướng dẫn người dân cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn.

CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA

1. Đối với các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ sở, cần tổ chức tốt hoạt động PCCC và CNCH tại chỗ, tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC, nội quy, quy định về PCCC trong sản xuất, kinh doanh đến cán bộ, công nhân viên, các hộ kinh doanh và khách hàng; thường xuyên và định kỳ tổ chức tự kiểm tra an toàn PCCC để phát hiện và khắc phục kịp thời các nguy cơ gây cháy; xây dựng và củng cố hoạt động của lực lượng PCCC tại chỗ, trang bị phương tiện, huấn luyện nghiệp vụ để lực lượng này có khả năng phát hiện, báo cháy và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh; chuẩn bị phương án thoát nạn cho người và tài sản khi cháy xảy ra; tăng cường tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại cơ sở và khu dân cư, đặc biệt là vào thời điểm ngoài giờ hành chính, ban đêm, ngày nghỉ để phát hiện và dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.

2. Đối với các hộ gia đình cần đảm bảo và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC để loại trừ và giảm đến mức thấp nhất nguy cơ cháy, nổ; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ như bình chữa cháy xách tay, mặt nạ lọc độc, nước chữa cháy…và biết cách sử dựng những phương tiện này; chuẩn bị các phương án thoát nạn và hướng dẫn cho các thành viên trong gia đình cùng biết; cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã, sử dụng các thiết bị sinh nhiệt như bóng đèn sợi đốt, bàn là, bếp điện, thiết bị sưởi ấm… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.

3. Khi xảy ra cháy phải nhanh chóng báo động cho mọi người xung quanh biết; ngắt nguồn điện; sử dụng phương tiện chữa cháy ban đầu (bình chữa cháy xách tay, họng nước chữa cháy vách tường, chăn chiên…) đồng thời gọi ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH số điện thoại 114 hoặc ứng dụng HELP 114 và tích cực tổ chức chữa cháy, cứu người bị nạn...

KỸ NĂNG THOÁT NẠN TRONG TỪNG TÌNH HUỐNG CỤ THỂ

Cảnh sát hướng dẫn người dân cách sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt an toàn và cách xử lý khi có sự cố xảy ra.

Kỹ năng PCCC trong hộ gia đình:

Hằng năm có khoảng 50% tổng số vụ cháy xảy ra tại các hộ gia đình. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do con người, do sơ suất bất cẩn trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt (đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã…), chất dễ cháy (xăng dầu, gas, cồn, hóa chất…), sử dụng điện (hệ thống điện, thiết bị điện) không an toàn… Để đảm bảo an toàn PCCC trong các hộ gia đình, chủ hộ và các thành viên cần:

- Chủ động học tập, tìm hiểu để có kiến thức và kỹ năng cơ bản về an toàn PCCC trong gia đình.

- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt: Khi đun nấu, thắp hương thờ cúng…, sử dụng các thiết bị đốt nóng, sửa chữa, thi công… (gây phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt) phải có người trông coi.

- Không buôn bán, tàng trữ trái phép các chất dễ cháy, nổ như pháo, pháo hoa; sử dụng an toàn các chất dễ cháy trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, hạn chế khối lượng chất dễ cháy như xăng dầu, gas trong gia đình.

- Sắp xếp đồ dùng, hàng hóa, vật liệu dễ cháy ngăn nắp, gọn gàng, cách xa nơi phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt (tủ điện, ổ cắm điện…) ít nhất 0,5m.

- Hệ thống điện phải có thiết bị bảo vệ chống quá tải, chập mạch; không cắm nhiều thiết bị tiêu thụ điện vào một ổ cắm; tắt các thiết bị điện khi không cần thiết, khi đi ngủ hoặc khi ra khỏi nhà…

- Mỗi gia đình nên đầu tư lắp đặt các thiết báo cháy, báo rò rỉ gas…, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện chữa cháy tại chỗ như: Nước, chăn, bình chữa cháy xách tay… để dập tắt cháy ngay từ khi mới phát sinh.

- Mỗi hộ gia đình hãy chủ động chuẩn bị phương án thoát nạn khi có cháy xảy ra (dự kiến lối thoát thứ 2, thứ 3… ngoài cửa chính, phương tiện phá dỡ mái che, phá khóa, phá cửa…mở lối thoát); mặt nạ phòng độc, chăn, mền, khăn bông… để che chắn mặt, cơ thể… khi phải thoát qua các vùng, khu vực có khói lửa bao trùm.

Kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại hộ gia đình.

Kỹ năng thoát nạn khi có cháy ở hộ gia đình:

Thời gian qua, trên địa bàn TPHCM xảy ra nhiều vụ cháy ở các hộ gia đình, nhà ở vừa để sản xuất, kinh doanh buôn bán, nhất là hộ gia đình có kiểu nhà ống, nhà kín có một lối thoát nạn duy nhất là cửa chính nơi mặt tiền, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thực tế cho thấy, trong các vụ cháy, người chết chủ yếu là do ngạt khói khí độc trước khi chết cháy. Khi phát hiện xảy cháy trong hộ gia đình, cần phải:

- Thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính hoặc cửa phụ.

- Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.

- Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây… hoặc trổ lối thoát lên mái nếu là mái nhà kết cấu bằng các loại tấm lợp…; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh…Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.

- Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát ra ngoài theo lối cầu thang bộ ra cửa chính, nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính chèn và gián vào khe cửa để khói, khí độc không lan được vào phòng đang ở, đi chuyển ra ban công, gọi to, ra hiệu, sử dụng những vật dụng để báo động cho những người xung quanh được biết, đồng thời gọi điện báo cho lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH qua số điện thoại 114 hoặc ứng dụng HELP 114.

Lưu ý thông tin chính xác cho lực lượng chức năng số lượng người bị nạn, tình trạng người bị nạn và vị trí người bị nạn.

Xử lý khi phát hiện rò rỉ gas:

Vì sự an toàn của chính mình và cộng đồng, mỗi người, mỗi gia đình hãy tự tìm hiểu, học tập để có kiến thức về an toàn PCCC gas. Khi phát hiện rò rỉ gas cần:

- Cảnh báo cho mọi người xung quanh biết để di chuyển ra nơi an toàn hoặc tham gia cùng xử lý;

- Cách ly nguồn lửa, nguồn nhiệt với khu vực có gas rò rỉ;

- Tuyệt đối không được bật lửa, làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt; không bật/tắt thiết bị điện; không sử dụng điện thoại; không đi giầy, guốc có đế kim loại trên nền gạch;

- Khóa van, nguồn cung cấp gas;

- Mở tất cả cửa ra vào và cửa sổ để thông gió khu vực gas rò rỉ;

- Báo nhà cung cấp gas hoặc cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH, số điện thoại 114 hoặc ứng dụng HELP 114 để được hỗ trợ.

Thường xuyên kiểm tra nguồn lửa, nguồn nhiệt trong nhà để đảm bảo an toàn.

Kỹ năng thoát nạn khi có cháy ở nhà cao tầng:

Việc thoát nạn cho người ở nhà cao tầng cơ bản phụ thuộc vào hệ thống thang thoát hiểm của tòa nhà nhưng cũng gặp không ít khó khăn do có đặc thù là thang bộ, thời gian thoát hiểm kéo dài; sự hoảng loạn của người dân…; khó khăn di chuyển của người già, người tàn tật. Đặc biệt trong trường hợp thang thoát hiểm không đảm bảo an toàn sẽ đe dọa đến tính mạng của cả người dân và lực lượng cứu nạn trong đám cháy.

Đối với người dân sinh sống ở đây bên cạnh việc học tập, tìm hiểu kiến thức về PCCC và chấp hành nghiêm các quy định về an toàn PCCC để ngăn ngừa cháy thì nhất thiết phải trang bị cho mình kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra. Vì vậy khi có cháy xảy ra, mọi người hãy:

- Bình tĩnh suy xét, tìm và di chuyển ra lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn Exit hoặc nghe thông báo hướng dẫn qua hệ thống truyền thanh; trên đường đi hãy thông báo cho người ở các phòng lân cận biết có cháy đang xảy ra;

- Trong quá trình thoát nạn ở vùng có nhiều khói, khí độc hãy dùng mặt nạ phòng độc (nếu có) hoặc dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và di chuyển thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn.

- Nếu phải băng qua lửa hãy dùng chăn, áo, khăn… nhúng nước rồi trùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.

- Khi mở cửa phòng để di chuyển sang khu vực khác hoặc đến lối thoát nạn cần kiểm tra nhiệt độ trước khi mở bằng cách đặt tay lên cửa; khi mở cần tránh mặt, tránh người sang một bên đề phòng lửa tạt; nếu nhiệt độ quá cao tuyệt đối không được mở và tìm lối thoát khác;

- Khi di chuyển thoát nạn tuyệt đối không được sử dụng thang máy, không được nhảy từ các tầng cao xuống phía dưới.

- Trường hợp lối cầu thang bộ bị nhiễm khói và khu vực bị cháy ngay bên dưới nơi mình sinh sống và không thể di chuyển thoát ra lối cửa chính, không thể di chuyển xuống phía dưới thoát nạn, nhanh chóng di chuyển lên các tầng phía trên, cách tầng bị cháy từ 3 đến 4 tầng, di chuyển vào phòng nào đó, dùng băng dính dán kín các khe cửa để ngăn khói tràn vào phòng, di chuyển ra ban công, cửa sổ và gọi to, dùng đồ vật sáng màu ra hiệu, kêu cứu, gọi điện báo cho Cảnh sát PCCC và CNCH số điện thoại 114; ứng dụng HELP 114 hoặc báo cho người thân ngoài tòa nhà.

Kỹ năng PCCC và thoát nạn ở quán bar và karaoke:

Thực tế cho thấy, quán bar và karaoke hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng con người. Cơ sở kinh doanh Karaoke có kiến trúc thường rất kín để tránh tiếng ồn sang nhà lân cận, mặt trướctòa nhà hầu như bị che chắn để làm biển hiệu quảng cáo; điều kiện thông gió gần như không có, khi xảy cháy sẽ xảy ra hiện tượng tụ khói.

Là nơi tồn chứa nhiều chất dễ cháy: Bàn ghế, phông rèm, cách âm, thảm nền bằng mút, xốp, cao su, bông vải sợi…, khi cháy có tốc độ cháy lan cực nhanh, tỏa nhiều khói, khí độc, nếu người trong quán không phát hiện sớm và thoát nhanh ra nơi an toàn sẽ nhiễm độc khói và gây tử vong.

Sử dụng nhiều loại thiết bị điện có công suất lớn: Điều hòa, thiết bị âm thanh, ánh sáng… dễ dẫn đến tình trạng quá tải, chập mạch dẫn đến cháy, nổ.

Việc thay đổi công năng sử dụng từ nhà ở thành quán Karaoke nhưng không chú ý đến các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC, là yếu tố nguy hiểm cháy dẫn đến cháy, cháy lớn: Quá tải cho hệ thống điện, tăng lượng người trong nhà, không đủ và không đảm bảo lối thoát nạn an toàn. Chủ cơ sở kinh doanh Karaoke thiếu kiến thức PCCC hoặc không quan tâm đến việc đảm bảo an toàn cho chính cơ sở của họ và khách hàng… Để tự bảo vệ mình khi tham gia vui chơi ở các quán bar, karaoke, mỗi người hãy:

- Tự tìm hiểu, học tập để trang bị cho mình những kiến thức cơ bản, phổ thông về PCCC và kỹ năng xử lý, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra tại nơi vui chơi giải trí…;

- Khi tham gia đến các nơi vui chơi, giải trí cần chấp hành nghiêm các quy định về sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; không mang chất cháy, chất nổ đến những nơi này…;

- Trước khi có hoạt động vui chơi cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì xử lý được kịp thời và an toàn cho chính bản thân mình;

- Khi phát hiện xảy cháy hãy thật bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài, ra nơi an toàn qua cửa chính, qua cầu thang thoát hiểm, tuyệt đối không được sử dụng thang máy.

- Trong quá trình thoát hiểm ở vùng có nhiều khói, hãy dùng khăn, vải thấm nước che kín miệng, mũi và cúi thật thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến lối thoát nạn an toàn;

- Trường hợp lối cửa chính đã bị lửa, khói bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát khác: Qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống mặt đất bằng thang, thang dây…; tuyệt đối không núp trong phòng, trong nhà vệ sinh… Trường hợp không còn lối thoát nào khác hãy dùng áo, quần thấm ướt, trùm lên đầu và người cố gắng thoát qua đám cháy một cách nhanh nhất có thể.

Các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

Kỹ năng PCCC ở chợ, trung tâm thương mại:

Chợ, trung tâm thương mại là nơi tập trung đông người, chứa nhiều hàng hóa dễ cháy; nguy cơ xảy cháy cao, nhất là vào mùa hanh khô, ngày lễ, Tết… Khi có cháy, nổ xảy ra và không được phát hiện và dập tắt kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản. Để hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra ở các chợ, trung tâm thương mại, mỗi hộ kinh doanh và người dân khi tham gia hoạt động mua bán, tham quan hãy:

* Đối với Ban quản lý:

- Niêm yết nội quy PCCC, biển cấm lửa, cấm hút thuốc ở những nơi có nguy hiểm về cháy, nổ;

- Tách riêng biệt hệ thống điện phục vụ kinh doanh, hệ thống điện chiếu sáng bảo vệ, hệ thống điện phục vụ thoát nạn và chữa cháy; lắp đặt thiết bị bảo vệ (áptomát) cho toàn bộ hệ thống điện, cho từng tầng, từng nhánh, từng ngành hàng và từng quầy, sạp của hộ kinh doanh;

- Bố trí dãy hàng, ngành hàng không cháy hoặc khó cháy xen kẽ giữa các ngành hàng, dãy hàng dễ cháy;

- Không làm thêm mái che, mái vẩy cũng như không bố trí quầy sạp, bãi để xe và không để vật tư, hàng hóa trong khoảng cách ngăn cháy giữa các khối nhà của khu vực chợ với các khu vực lân cận;

- Đối với các siêu thị, trung tâm thương mại cần: Bố trí cầu thang thoát nạn riêng biệt, có lối ra ngoài trực tiếp. Bố trí phòng lánh nạn tạm thời, bố trí lối thoát nạn dự phòng. Có giải pháp ngăn lửa, chống tụ khói trong cầu thang thoát nạn. Cửa đi lối thoát nạn mở theo chiều thoát nạn, được làm bằng vật liệu không cháy; cửa vào buồng thang thoát nạn là cửa chống cháy và có cơ cấu tự đóng. Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn cho từng tầng, từng khu vực, từng ngành hàng, có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn trên đường và hướng thoát nạn;

- Lắp đặt hệ thống báo cháy, chữa cháy tự động theo quy định; trang bị phương tiện chữa cháy phục vụ việc thoát nạn, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy;

- Thành lập Đội PCCC cơ sở có đủ lực lượng để tổ chức thường trực, tuần tra phát hiện cháy; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, hướng dẫn thoát nạn và cứu người cho lực lượng này;

- Xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu người trong tình huống xảy ra cháy phức tạp nhất;

- Khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho Cảnh sát PCCCvà CNCH theo số điện thoại 114 hoặc ứng dụng HELP 114, đồng thời tổ chức bằng mọi cách dập cháy và cứu người theo phương án chữa cháy và thoát nạn của cơ sở.

* Đối với các hộ kinh doanh buôn bán:

- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, không đốt hương, đốt vàng mã, đun nấu, hút thuốc…; quản lý chặt chẽ các hàng, chất dễ cháy; sử dụng an toàn điện và thiết bị điện (tắt các thiết bị khi không cần thiết và khi đóng quầy…), không tự ý câu móc điện…;

- Tuyệt đối không tàng trữ, buôn bán trái phép các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ;

- Không lấn chiếm, cơi nới ảnh hưởng đến lối đi chung và khoảng cách chống cháy lan (khoảng cách giữa các quầy từ 1,2m đến 2,4m tùy theo dãy quầy);

- Tự tìm hiểu, học tập để trang bị kiến thức về PCCC; biết cách sử dụng thiết bị chữa cháy tại chỗ và kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra.

* Đối với người dân khi tham gia hoạt động tham quan, mua bán tại chợ và trung tâm thương mại:

- Không mang chất dễ cháy, chất nổ vào chợ, trung tâm thương mại;

- Không tự ý sử dụng hoặc làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt;

- Tuyệt đối chấp hành các nội quy, quy định về an toàn PCCC khác;

- Trước khi tham gia hoạt động cần quan sát kỹ các lối thoát nạn đề phòng khi có sự cố cháy, nổ xảy ra thì kịp thời thoát nạn an toàn;

- Khi có sự cố cháy, nổ cần bình tĩnh suy xét, tìm và di chuyển ra lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn Exit hoặc nghe thông báo hướng dẫn qua hệ thống truyền thanh; trên đường đi hãy thông báo cho mọi người biết có cháy đang xảy ra; nếu có điều kiện hãy tham gia hướng dẫn, hỗ trợ người già, trẻ em, người tàn tật… thoát ra nơi an toàn, tham gia chữa cháy, cứu tài sản…

An toàn PCCC tại các nơi thờ tự, đình chùa, miếu…:

Thời gian qua, tình hình cháy chùa, đình, nhà thờ, nơi thờ tự trên địa bàn TP xảy ra thiệt hại nghiêm trọng, làm mất đi những di sản văn hóa không thể lấy lại được. Trong ngày lễ hội đầu năm, mọi người tập trung đông tại các nơi này sử dụng nhiều vật dụng dễ cháy như: giấy vàng mã, đèn cầy, nhang, đèn… Đồng thời, đây là nơi hội tụ, tập trung nhiều người, các tăng, ni. Do vậy, để bảo đảm an toàn PCCC, cần phải thực hiện các nội dung sau:

- Tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát loa phóng thanh tuyên truyền cho khách đến viếng, cúng có ý thức chấp hành về PCCC.

- Ban hành các quy định, nội quy về PCCC; dự phòng điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.

- Kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện.

- Phải có kho bảo quản để đảm bảo an toàn PCCC đối với nhang, đèn cầy, vàng mã; dụng cụ đỡ nhang, đèn bố trí nơi chắc chắn, cố định, tránh ngã, đổ.

- Phải có nơi hủy nhang, đèn, vàng mã…Phải cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn.

- Không để vật tư, hàng hóa, trưng bày; không cho người dân buôn bán trên lối đi, lan can, hành lang, cửa ra vào, lối thoát nạn.

- Tăng cường công tác tuần tra canh gác thường trực trong thời điểm khách đến viếng, cúng và sau khi kết thúc công việc trong ngày.

- Chủ động trang bị phương tiện PCCC, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện PCCC hiện có đảm bảo hoạt động tốt khi có cháy xảy ra, như: nước, xô, bình chữa cháy xách tay các loại,…

- Quản lý chặt chẽ nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt tại khu vực bếp, chánh điện, kho thuốc, bãi xe,…

- Tổ chức cho các tăng, ni, lực lượng bảo vệ các thao tác sử dụng bình chữa cháy, các điều kiện thoát nạn.

- Bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh.

- Hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng.

- Khi cần thiết phải thắp hương thờ cúng để phục vụ cho việc hành lễ, cúng, tế phải có người trông coi và việc hóa vàng phải tiến hành tại các vị trí an toàn cách xa các vật dụng dễ cháy. Vàng mã phải được hóa trong thiết bị chứa bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy.

- Khi có cháy xảy ra, kịp thời gọi ngay số điện thoại 114 hoặc ứng dụng HELP 114 để được hỗ trợ giải quyết các sự cố.

Bình luận (0)

Lên đầu trang