(CATP) “Các anh đến là Tết đến, các anh về Tết cũng đi theo luôn”. Câu nói này của một người lính biên phòng Đồn 705 (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) làm tôi xúc động và nhớ mãi. Đó là ký ức của “Mùa xuân biên giới” năm 2007.
Cứ vào dịp cuối năm, khi mọi người tất bật chuẩn bị đón xuân thì các cơ quan báo đài TPHCM bắt đầu hành trình “Mùa xuân biên giới”. Một chuyến đi kéo dài cả tháng hướng về biên cương và đồng bào dân tộc ít người Tây Nguyên. “Bài ca Tây Nguyên, thêm yêu cuộc đời, cầm tay em đi trên đường đời…”. Lời bài hát “Tình ca Tây Nguyên” và những con đường đất đỏ dẫn chúng tôi qua các đồn biên phòng nằm sát biên giới với Lào và Campuchia. Những đồn biên phòng này nằm sâu hun hút giữa rừng đi nửa ngày mới tới.
Đường xa ngoằn ngoèo với bao ghềnh thác, có ngày cả đoàn chỉ đến được một đồn. Sự hội ngộ vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Rừng Tây Nguyên như lặng xuống khi những người lính biên phòng và các phóng viên, nhà báo gặp nhau. Cái bắt tay nồng ấm, cái ôm chặt da diết, những bài hát hòa lẫn trong tiếng cười giòn tan làm ấm lên cả một góc rừng. Món quà vật chất dù lớn bao nhiêu cũng nhỏ bé trước món quà tinh thần. Điều này được khẳng định trong những cuộc tái ngộ.
Đường xa không phải là nguyên nhân, chính tình cảm thắm thiết và sự bịn rịn níu kéo khiến đoàn luôn bị lố giờ. Không những thế, có đồn còn muốn giữ đoàn ở lại một đêm vui chơi với lính. Khí hậu Tây Nguyên vào những ngày đầu xuân khá lạnh, ly rượu mùa xuân, cái bắt tay trìu mến đã hâm nóng không khí Tây Nguyên.
Khi đến vui bao nhiêu thì khi về lại buồn bấy nhiêu. Những lời chúc Tết sớm đầy ân tình khiến nhiều anh lính trẻ đứng ngẩn người. Món quà từ biên giới như lan rừng, cây cảnh… được lính trao tận tay các nhà báo. Thế nhưng không ai nhận, không phải vì chê, không phải vì ngại mang vác mà đó là nguyên tắc đã thỏa thuận. Nhà báo Phạm Thục – Trưởng đoàn luôn căn dặn: “Những gì lính mang tặng là những gì họ quý nhất, đó là món ăn tinh thần của họ. Nơi rừng núi hoang sơ này họ chỉ lấy đó làm niềm vui, các bạn nỡ lòng nào lấy đi niềm vui của họ!”.
Nguyên tắc là thế nhưng đôi khi cũng có trường hợp ngoại lệ. Nhiều lính hâm mộ các phóng viên nữ một hai năn nỉ nhận quà. Khi mọi người đã lên xe, họ vẫn còn chạy theo đập cửa dí vào tay. Không thể từ chối, Trưởng đoàn nghiêm khắc cũng nở nụ cười và gật đầu.
Hành trình của đoàn “Mùa xuân biên giới” không chỉ đến với lính biên cương mà còn về với đồng bào dân tộc ít người Tây Nguyên. Những món quà miền xuôi được trao tận tay đồng bào trong không khí Tết. Những ché rượu cần thơm lừng được các già làng đưa ra đãi khách cùng với cơm lam và thịt rừng. “Anh em người xuôi làm cho người làng ấm bụng thì người làng cũng bắt cái bụng người xuôi phải ấm chứ!”, một già làng nói.
“Mùa xuân biên giới” không đơn thuần chỉ là những chuyến thăm, những lời chúc mừng mà ý nghĩa của nó còn vượt xa hơn. Bắt đầu từ chuyến viếng thăm Gia Lai của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (khi ấy là Bí thư Thành ủy TPHCM) vào năm 2002, đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh - Bí thư tỉnh ủy Gia Lai khi đó đã xin TPHCM “hỗ trợ thông tin”. Dĩ nhiên, đi tiên phong trong việc hỗ trợ thông tin là các cơ quan truyền thông. Vượt xa hơn lời đề nghị của đồng chí Nguyễn Tuấn Khanh, TPHCM và 5 tỉnh Tây Nguyên đã ký kết một chương trình hợp tác về kinh tế, văn hóa, xã hội.
Theo đó, đến hẹn lại lên, cứ vào độ cuối năm, các cơ quan truyền thông TPHCM lại tụ họp và hướng về Tây Nguyên. Không những thế, vượt qua khỏi biên giới, “Mùa xuân biên giới 2007” đã đến với đồng bào Lào tại tỉnh Champasak (Lào). Tỉnh Champasak nằm cách Kon Tum một ngày đi xe. Ở Lào, đây là tỉnh có nhiều người Việt Nam sinh sống nhất. Tình người trên đất bạn nở rộ khi chúng tôi đến. Cảm giác không khác như đang ở nhà. Người Việt ở đây náo nức như vào ngày hội khi đoàn đến. Còn gì tuyệt vời hơn khi những người anh em gặp nhau nơi xứ người. Rượu mừng chan chứa trong điệu múa Lăm Vông truyền thống của Lào.
Các bác sĩ đoàn Bệnh viện tim TPHCM đã có buổi khám bệnh đáng nhớ. Bệnh viện Champasak ngày hôm đó nhộn nhịp hơn thường ngày, khi người dân nghe tin có đoàn bác sĩ Việt Nam đến khám và phát thuốc miễm phí. Cả người Lào và người Việt đều đến khám. Những bệnh nhân người Việt Nam hôm đó đã trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ cho các bác sĩ. Một người Lào được xếp khám chung với một người Việt Nam để phục vụ phiên dịch. Tình hữu nghị anh em Việt - Lào chưa bao giờ gần hơn thế, nụ cười hiền hậu của người dân Lào khi ra về thay cho lời cảm ơn!