Chợ 21 tỷ đồng xây xong 'đắp chiếu'

Thứ Bảy, 24/09/2016 08:44  | Nguyễn Thắng

|

(CAO) Hoàn thành xây dựng vào tháng 8-2015 với mức kinh phí xây dựng 21 tỷ đồng nhưng đến nay chợ Kế Xuyên (thôn Kế Xuyên 2, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) vẫn trong tình trạng bỏ không, do các tiểu thương không chịu di dời từ chợ cũ lên chợ mới.

Cận cảnh ngôi chợ cổ nhất Sài Gòn đang xuống cấp nghiêm trọng

Khu chợ Kế Xuyên được đầu tư xây dựng với mức kinh phí 21 tỷ đồng gồm 180 ki ốt và gian hàng. Phần bên trong của khu chợ được xây dựng rất khang trang nhưng đến nay chỉ có 1 ki ốt là tiệm may của ông Trần Văn Thuận (70 tuổi) mở cửa hàng. Những ngày còn lại những ki ốt khác và gian hàng khác vẫn đóng cửa vì không có tiểu thương buôn bán.

Ông Trần Văn Thuận cho biết: “Tôi xin hợp đồng thuê ki ốt mở tiệm may ở đây cũng gần một năm. Ban đầu cũng được vài chục người buôn bán cùng, nhưng đến nay các tiểu thương không thích nghi được nên đã trở về chợ cũ hết rồi. Khi mới thành lập, nhiều tiểu thương cũng đến hợp đồng, ban đầu cũng có khách đi đến đây mua đồ nhưng dần khách hàng cũng bỏ đi”.

Chợ Kế Xuyên được xây dựng cách đây hơn 1 năm nhưng vẫn đóng cửa không có người lui tới

Cũng theo ông Thuận, ki ốt dùng để mở tiệm may của ông có giá thuê là 9 triệu đồng/năm, nhưng là năm đầu tiên, nhằm khuyến khích và vận động các tiểu thương vào chợ mới buôn bán nên chưa tính tiền. Trong khi đó chợ Kế Xuyên cũ cách chợ mới chưa đầy 200 m cũng đã xuống cấp nhưng các tiểu thương không chịu di dời lên chợ mới khang trang hơn vì sợ ở chợ mới không buôn bán được.

Chợ mới được xây dựng khang trang, giữa các gian hàng có khoảng trống phân cách để tránh trường hợp cháy nổ. Tuy nhiên, chợ được xây dựng trên một khu đất gần với trường học, nếu hoạt động hết công suất thì ngôi trường ở gần sẽ bị ảnh hưởng nặng.

Chợ 21 tỷ đồng xây xong “đắp chiếu”

Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, một tiểu thương bán mỳ Quảng ở chợ Kế Xuyên cũ cho biết: “Bọn tôi đã buôn bán ở đây đã hơn 20 năm, khách hàng cũng đã quen mặt rồi, tự nhiên mấy ổng dời chợ rồi đòi chúng tôi di dời qua chợ mới. Khi làm chợ không có tổ chức họp dân, không họp tiểu thương để lấy ý kiến. Xây chợ thật to, thật hoành tráng nhưng lại gần trường học rất khó buôn bán”.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hồng Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã Bình Trung, cho biết: “Khi chợ kế xuyên hoàn thành, xã đã phối hợp với các ngành, các cấp của huyện Thăng Bình đến vận động các tiểu thương tại chợ Kế Xuyên cũ di dời vào chợ mới. Việc các tiểu thương không lên chợ mới có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do một số hộ sống gần ở chợ cũ có quyền lợi về cho thuê mặt bằng, buôn bán với mức thu nhập cao nên đã lôi kéo các tiểu thương ở lại chợ cũ. Xã Bình Trung đã tổ chức hàng chục cuộc đối thoại, huyện Thăng Bình trực tiếp đối thoại với dân nhưng vẫn không thống nhất việc di dời. Thời gian sắp tới xã Bình Trung sẽ xem xét phương án là kiểm tra đánh giá thực trạng chợ Kế Xuyên cũ để làm căn cứ đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thông báo ngừng hoạt động vì hạ tầng không đảm bảo”.

Bình luận (1)

Đắp chiếu đã tốt, phơi nắng phơi mưa thế kia.

Toan - Chủ Nhật, 25/09/2016, 14:57 Trả lời | Thích
Lên đầu trang