(CATP) Chợ mới huyện Thủ Thừa nằm ngay vị trí trung tâm, được xây khá khang trang, nhưng đến nay vẫn còn đóng cửa. Vì sao tiểu thương chưa vào kinh doanh?
Sáng 15-11, chúng tôi có mặt tại huyện Thủ Thừa để tìm hiểu phản ánh của người dân về việc chợ xây mới chỉ để trống và đóng cửa. Chợ Thủ Thừa nằm ngay vị trí trung tâm thị trấn, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa đường bộ, đường sông. Theo nhà đầu tư, chợ xây mới với diện tích 1.000m2, kinh phí hơn 12 tỷ đồng, bên trong có 145 ki-ốt, nhưng đến nay có trên 330 hộ tiểu thương đăng ký, vượt quá số ki-ốt xây dựng (XD). UBND huyện đã phê duyệt mức giá cho thuê 2.350 đồng/m2/ngày.
Dù công trình đã hoàn thành nhưng nhiều tháng nay, chợ vẫn đóng cửa, chưa chính thức đi vào hoạt động. Tiểu thương buôn bán đối diện khu vực trung tâm thương mại, trên các tuyến đường nội ô thị trấn Thủ Thừa thắc mắc với chính quyền: Chợ xây xong đã hơn 5 tháng nhưng vì sao không cho vào mua bán? Trong khi đó, rất nhiều hộ đã đăng ký, nộp tiền giữ chỗ từ lúc kêu gọi đăng ký ki-ốt.
Bà Nguyễn Thị Hồng (SN 1945, ngụ thị trấn Thủ Thừa, gia đình buôn bán ở khu này trên 50 năm) cho biết: "Hàng hóa thì dồi dào, da dạng, giá rẻ nhưng bất tiện do nơi đây chỉ là chợ tự phát nên gặp nhiều khó khăn. Nghe Nhà nước xây chợ, tôi rất mừng, sau đó đăng ký ngay 1 quầy để thuận tiện trong việc mua bán. Vậy mà chợ xây xong rồi nhưng vẫn chưa được vào kinh doanh, chẳng hiểu vì sao? Buôn bán gần lề đường lấn chiếm hành lang lộ giới rất nguy hiểm do xe cộ qua lại".
Chị Nguyễn Thị Hồng Hà (SN 1973, kinh doanh ở chợ cũ Thủ Thừa) trao đổi: "Vị trí chợ mới vừa đẹp lại thuận lợi cho tiểu thương kinh doanh. Muốn giải quyết lấn chiếm lề đường, đưa số dân buôn bán ở bờ kè tập trung vào đây, chính quyền nên khẩn trương bố trí ki-ốt cho các cá nhân đăng ký trước đó đến bán vào dịp cuối năm".
Trao đổi về vấn đề này, ông Đinh Văn Sáu - Chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa - cho biết, quyết định phê duyệt phương án cho thuê mặt bằng quầy, sạp chợ Thủ Thừa cho phép hoạt động cuối tháng 10-2020. Tuy nhiên, do lượng đăng ký vượt trên 50% số quầy, sạp đã được XD khiến việc bố trí các hộ kinh doanh, mua bán gặp khó khăn. Mặt khác, hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa hoàn thiện nên chưa thể bố trí tiểu thương vào. Hiện nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện rà soát, lập danh sách cụ thể các hộ đã đăng ký, đóng tiền sẽ ưu tiên trước.
"Theo tiêu chí loại bỏ những trường hợp đăng ký nhằm chiếm chỗ trong nhà lồng chợ rồi để đó hoặc tiếp tục sang nhượng cho hộ kinh doanh đến sau kiếm lời, trong khi những trường hợp có nhu cầu thực sự thì không có nơi bán, như vậy quá thiệt thòi cho nhiều tiểu thương", Chủ tịch UBND huyện nhấn mạnh.
UBND huyện thông tin thêm, xây chợ mới để đưa số hộ tiểu thương mua bán trên lề đường ở các tuyến Trương Công Định, Trưng Trắc, Trưng Nhị nằm ở nội ô thị trấn Thủ Thừa vừa gây cản trở giao thông, lại làm mất mỹ quan đô thị. Chính vì vậy, huyện tập trung XD chợ thành trung tâm sạch đẹp, an toàn, lịch sự cho bộ mặt huyện. Để làm tốt vấn đề, huyện quyết tâm trung tuần tháng 11-2020, chợ Thủ Thừa chính thức đi vào hoạt động.