(CATP) Theo thống kê của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm cả nước phát hiện 200 vụ môi giới hôn nhân trái phép, tổ chức “xem mặt, chọn vợ” cho người nước ngoài, chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), với 310 đối tượng và 548 nạn nhân.
So với cùng kỳ năm 2014 giảm 33,5% về số vụ, 18,8% số đối tượng và 15,8% về số nạn nhân. Tình trạng trên chủ yếu diễn ra tại một số tỉnh phía Nam.
Ngày 1-4 và 7-5, Công an tỉnh Tây Ninh phá hai chuyên án, bắt 8 đối tượng (trong đó có ba người đàn ông Trung Quốc), giải cứu ba nạn nhân. Qua khai thác, các đối tượng khai nhận từ năm 2013 đến nay đã lừa bán 18 phụ nữ sang Trung Quốc làm vợ.
Hoạt động của tội phạm mua bán người trong nước hiện đang tiếp tục gia tăng. Lợi dụng đường biên giới mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua lại biên giới thuận lợi, một số nước miễn thị thực nên các nhóm đối tượng tổ chức đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng lao động thời vụ, du lịch, thăm thân. Sau đó chúng bán, ép họ làm gái mại dâm hoặc cưỡng bức lao động; nếu muốn quay về phải bỏ một khoản tiền lớn để chuộc.
Các đối tượng môi giới hôn nhân trái phép tổ chức cho “chú rể” nước ngoài xem mắt “cô dâu” lưu động trên ôtô - Ảnh: MT
Trong các ngày 6-1 và 1-2, cảnh sát Malaysia đột kích ba cơ sở giải trí, giải cứu 284 phụ nữ nước ngoài, trong đó có 189 phụ nữ Việt Nam bị ép hoạt động mại dâm. 6 tháng đầu năm 2015, lực lượng chức năng Hà Tĩnh phát hiện, xử lý 10 đường dây 14 đối tượng đưa 91 lao động Việt Nam qua Lào, Trung Quốc lao động thời vụ.
Bọn tội phạm còn lợi dụng các trang mạng xã hội (Zalo, Facebook...), ĐTDĐ, internet giới thiệu tạo dựng lòng tin, tập trung vào các em gái gia đình có hoàn cảnh khó khăn để lừa bán ra nước ngoài.
Trong khi đó, theo nhận định của cơ quan chức năng, công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình, tham mưu lãnh đạo các cấp để đề ra các kế hoạch, biện pháp... thì có nơi, đơn vị vẫn chưa chủ động. Chính điều đó đã dẫn đến kết quả phòng ngừa, ngăn chặn chưa hiệu quả.
Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong điều tra, truy tố, xét xử chưa đồng bộ, hiệu quả răn đe chưa cao. Ngoài ra, việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là hợp tác với các nước để trao đổi thông tin, giải quyết các vụ việc mua bán người còn nhiều vướng mắc, thiếu kịp thời.
Nguyên nhân của những tồn tại trên được xác định là do khó khăn về kinh tế và thiếu việc làm, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác của người dân; bên cạnh đó còn do sự mất cân bằng về giới tính của một số nước giáp ta và trong khu vực...