Thì từ khi có sự tham gia bảo vệ của cộng đồng đồng bào dân tộc S’tiêng bản địa, rừng VQG BGM đã được bảo vệ rất tốt. Nếu như trước đây mỗi năm xảy ra trên 2.000 vụ vi phạm lâm luật thì hiện đã giảm đến hơn 90%. Nạn săn bắt, bẫy thú chỉ còn xảy ra lẻ tẻ.
Từ người phá rừng quay lại bảo vệ rừng
Anh Điểu Long, 45 tuổi, ngụ thôn 5, xã Bù Gia Mập – cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Bù Lư, trước đây là tay lâm tặc khét tiếng trong vùng. Giữa những năm 1990, anh Điểu Long làm lâm tặc thuê cho một số đầu nậu gỗ ở địa phương Bù Gia Mập. Sau khi rành rẽ đường đi nước bước, anh Điểu Long tách ra làm riêng.
Anh Điểu Long – từng là tay lâm tặc khét tiếng này đã “gác kiếm” vào làm bảo vệ VQG Bù Gia Mập
Sau nhiều năm tung hoành tàn phá rừng, nhiều lần bị vây bắt nhưng anh Điểu Long may mắn thoát thân. Đến năm 2004, sau khi một số đồng bọn bị bắt, xử tù, thấy nghề lâm tặc khó có đường sống nên anh Điểu Long gác kiếm. Sau đó một năm (năm 2005), anh Điểu Long tự nguyện xin vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng Bù Lư và được nhận vào làm cho đến nay.
“Trước đây nhà tôi nghèo lắm nhưng từ khi được làm bảo vệ rừng đã tốt hơn, không còn nghèo đói nữa. Không chỉ được trả tiền hàng quý, các cán bộ còn cho anh em lấy “lộc” của rừng, những thứ được cho lấy như: lá nhíp, đọt mây, măng, nấm, rau rừng, hoa quả của rừng để cho thêm vào bữa ăn, vì vậy nay đã có cuộc sống no đủ hơn trước. Chỉ được lấy ăn thôi chứ cấm các anh em mang bán, hễ bị là bị xử lý, tội nặng chắc là bị đuổi việc” – anh Điểu Long cho biết.
Anh Long còn chia sẻ: “Trước đây rừng bị người ta phá dữ lắm nhưng cỡ 10 năm nay do có anh em người S’tiêng bảo vệ nên rừng không còn bị phá nữa. Tôi thấy mình cũng có lỗi với rừng, vì tôi cũng có nhiều năm phá rừng. Tôi thấy thương tiếc lắm vì bao nhiêu cây gỗ lớn bị đốn hạ, bao nhiêu con thú quí bị con người giết ăn thịt, trong đó có tôi tham dự.
Nhưng thấy nhà nước cấm nên tôi cũng biết dừng lại đúng chỗ, không phá rừng nữa, không bẫy không bắn thú nữa. Ngày đó tôi phá rừng, tôi bắn thú cũng vì không được hiểu biết pháp luật, nhà cũng đói ăn nữa. Bây giờ có tiền thêm từ tiền lương hàng tháng đi giữ rừng nên cũng đủ sống, đủ nuôi các con”.
Cộng đồng nhận khoán tuần tra bảo vệ VQG Bù Gia Mập
Theo anh Điểu Long, mỗi quý các hộ được nhận lương một lần, tiền lương tính theo ngày công, một ngày tuần tra rừng được trả 150.000 đồng, ai đi nhiều thì được cao, có hộ nhận hơn 10.000.000 đồng/quý. Nếu gặp khó khăn đột xuất các hộ có thể ứng tiền tiêu xài trước, sau đó trừ vào lương.
Nhắc đến cộng dồng nhận khoán bảo vệ VQG BGM phải nhắc đến ông Điểu Mun (66 tuổi), tên thân mật là Ba Mun, ngụ thôn Bù Nga, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập. Ông Ba Mun nguyên là Trưởng Công an huyện Phước Long cũ, nay là thị xã Phước Long (huyện Bù Gia Mập tách ra từ huyện Phước Long) sau khi về hưu năm 2009, thì một năm sau ông Ba Mun được Ban giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập mời tham gia cộng đồng nhận khoán, bảo vệ rừng VQG và ông đã vui vẻ nhận lời.
Cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Dốt, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chụp ảnh lưu niệm tại một chốt bảo vệ rừng thuộc VQG Bù Gia Mập
Không chỉ trực tiếp tham gia, ông Ba Mun còn vận động bà con đồng bào trong xã ông và các xã lân cận cùng tham gia. Có tiếng nói của ông Ba Mun nên đến nay, VQG BGM được bảo vệ rất tốt. Ông Ba Mun nói trước đây đồng bào sống gần rừng nên lúc nào cũng nhăm nhe phá rừng, săn bắt thú.
“Mỗi người nói cần một cây rừng. Tôi nói một người một cây, 1.000 người 1.000 cây thì rừng còn đâu ra nữa. Có năm con suối Đặk Mai nơi gần rẫy tôi bị cạn nước, tôi nói với đồng bào nguyên nhân do rừng bị phá, từ ấy bà con với tin phá rừng là tội ác” – ông Ba Mun nói.
Màu xanh đã trở lại
Ông Trần Văn Lộc – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước kiêm Giám đốc Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết, từ khi thành lập Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng (tháng 10/2012) đến nay đã chi hơn 52 tỉ đồng.
Trong đó, hơn 45 tỉ đồng cho các đơn vị nhận khoán quản lý bảo vệ rừng Vườn quốc gia Bù Gia Mập (VQG BGM, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, giáp biên giới Vương quốc Campuchia), còn lại chi bộ hoạt động bộ máy điều hành Quỹ và chi tạm ứng tiền trồng rừng thay thế.
Nguồn chi trả được thu từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng lưu vực nội tỉnh gồm các cơ sở sản xuất thủy điện, cơ sở sản xuất nước sạch và các tổ chức kinh doanh du lịch.
Về huy động các nguồn thu, từ khi thành lập đến nay, Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Phước đã thu hơn 102 tỉ đồng, trong đó thu ủy thác từ Quỹ Trung ương điều phối trên 87 tỉ đồng, còn lại thu từ các đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng lưu vực nội tỉnh, tiền trồng rừng thay thế, tiền lãi gửi ngân hàng, thu khác.
Ông Lộc cho biết thêm, thông qua dự án trồng mới 5 triệu ha rừng và chương trình chi trả môi trường rừng, hiện nay hơn 25.700ha rừng VQG BGM đã được giao cho 13 đơn vị, trong đó gồm 9 cộng đồng thôn bản và 4 đơn vị bộ đội, biên phòng đóng chân trên địa bàn nhận khoán bảo vệ rừng.
Gia đình voọc đi kiếm ăn trong VQG Bù Gia Mập
Trung bình mỗi đơn vị nhận khoán bảo vệ hơn 2.000ha rừng. Ngoài lực lượng bộ đội, biên phòng, 9 cộng đồng thôn bản với hơn 300 người chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số S’tiêng bản địa thuộc hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập có mức thu nhập bình quân từ 1,7-2,2 triệu đồng/người/tháng.
“Qua 14 năm hoạt động và phát triển, VQG BGM đã đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Tài nguyên rừng được bảo vệ hữu hiệu, hệ động thực vật phát triển bền vững, vai trò của rừng được phát huy cả ba mặt: môi trường sinh thái, kinh tế, xã hội, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Mặt khác, đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn chung cho đất nước và trong khu vực” – Ông Lộc nói và cho biết, từ khi được giao cho các cộng đồng thôn bản nhận khoán, rừng VQG BGM đã được bảo vệ rất tốt. Tình trạng phá rừng làm rẫy, cháy rừng đã không còn.
Bên cạnh đó, nếu như trước đây mỗi năm xảy ra trên 2.000 vụ vi phạm lâm luật thì hiện nay đã giảm đến hơn 90%. Nạn săn bắt, bẫy thú chỉ còn xảy ra lẻ tẻ chủ yếu do người từ các địa phương khác đến xâm hại. Nhiều người trước khi tham gia vào cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng trước đây là lâm tặc, rất nghèo khó, thậm chí đói ăn nhưng nay đã thoát nghèo, có cuộc sống tương đối ổn định.
Voọc ngũ sắc – loài thú quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam sinh sống ở VQG Bù Gia Mập
Có thể nói với 1,7-2,2 triệu đồng/hộ/tháng là nguồn thu nhập tăng thêm đáng kể của các hộ tham gia nhận khoán. Điều đáng nói từ khi các cộng đồng người đồng bào S’tiêng tham gia bảo vệ rừng là đã giảm áp lực vào rừng, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về pháp luật trong việc bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học.
VQG BGM có tổng diện tích hơn 25.700 ha, được đánh giá là khu vực có mức độ đa dạng sinh học rất cao. Có nhiều loài động thực vật mang giá trị bảo tồn cho Việt Nam và thế giới.
Vườn hiện có 17 loại thực vật có tên trong sách đỏ Việt Nam, 19 loài trong sách đỏ thế giới như: gõ đỏ, cầm lai, trầm hương, giáng hương,… Có 36 loài thú có tên trong sách đỏ Việt Nam và 32 loài trong sách đỏ thế giới như: voi, báo hoa mai, bò tót, gấu, sói đỏ, chà vá chân đen, vượn đen má vàng, khỉ mặt đỏ, cu ly,… Có 10 loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam và 5 loài trong sách đỏ thế giới.