Tháng hành động vì trẻ em:

Chuyện về người "nặng nợ" với công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em

Thứ Sáu, 21/06/2024 11:54

|

(CAO) Một mùa hè nữa đang đến với nhiều bạn nhỏ trên cả nước sau một năm vất vả với công việc học tập. Được vui chơi, nghỉ ngơi thỏa thích đó là quyền lợi của các em. Do cha mẹ bận mưu sinh nên không thể bám sát, quán xuyến, chăm sóc các em từng ngày, từng giờ được nên trẻ nhỏ thường tự tìm đến các trò giải trí do mình nghĩ ra hoặc do đặc thù địa phương sẵn có.

Một trong những thú vui các em thích thú vào những ngày hè oi ả đó là được tắm sông suối, ao hồ nhưng do chưa được học qua các kỹ năng phòng chống đuối nước nên đã xảy ra nhiều vụ đuối nước đau lòng suốt nhiều năm qua. Nặng nợ với con trẻ, một kỹ sư ngành nhựa đã đau đáu tìm kiếm nguồn tài trợ và thiết kế, thi công thành công hàng chục hồ bơi di động miễn phí cho các trường học để thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em…

Những con số biết nói

Con số thống kê cho thấy đến tháng 06/2024, ông Võ Văn Hoàng Minh (SN 1964, ngụ TP.HCM) cùng các doanh nghiệp, Mạnh Thường Quân (MTQ) đã vận động, tài trợ lắp đặt được 45 hồ bơi di động cho nhiều trường học trên cả nước để phục vụ công tác dạy bơi và phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Bằng nguồn vận động từ thiện mà thi công được số lượng hồ bơi miễn phí nhiều như thế trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch Covid-19, là một điều hết sức ý nghĩa. Việc làm này càng nâng cao giá trị nhân văn hơn khi nó giúp cho công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam thêm hiệu quả, đồng nghĩa với việc sẽ mở ra nhiều cơ hội sống sót hơn cho con trẻ nếu không may gặp các tình huống nguy hiểm do tắm ao hồ, sông suối, kênh rạch.

Ông Võ Văn Hoàng Minh

Những năm qua, Việt Nam nằm trong danh sách nước có tỷ lệ đuối nước cao của Thế giới. Tại Ngày hội phòng, chống đuối nước diễn ra vào năm 2023, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: “Những năm gần đây số trẻ tử vong do đuối nước có xu hướng giảm, mỗi năm đã cứu sống gần 100 trẻ. Tuy nhiên, số tử vong vẫn cao, mỗi năm Việt Nam ghi nhận gần 2.000 trẻ tử vong do đuối nước. Tử vong do đuối nước vẫn là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ dưới 16 tuổi”. Giải pháp được đưa ra là “Bởi vậy, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa những giải pháp phòng chống đuối nước cho trẻ như dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước, đồng thời thường xuyên giám sát trẻ em tại gia đình và cộng đồng".

Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, TS Angela Pratt có cùng quan điểm và nhấn mạnh: WHO khuyến cáo Việt Nam cần tập trung vào dạy cho trẻ em trong độ tuổi đến trường các kỹ năng bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng cứu nước an toàn. Đây là các biện pháp có chi phí hợp lý, đã được chứng minh về hiệu quả trong việc giảm thiểu đáng kể nguy cơ đuối nước và bảo vệ tính mạng của trẻ em. Điều này cực kỳ quan trọng cho việc trẻ em từ 6 tuổi trở lên được lớn lên khỏe mạnh và an toàn. Kỹ năng bơi an toàn không chỉ đi theo các em suốt đời, mà còn là một cách luyện tập nâng cao thể chất lành mạnh".

Ông Võ Văn Hoàng Minh cùng các Mạnh Thường Quân được Ủy Ban nhân dân, Phòng Giáo dục huyện Cần Đước, Long An ghi nhận các đóng góp vì công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em

Nhìn ra vấn đề nhưng tìm được giải pháp thực hiện lại là bài toán khó nếu như cơ quan chủ quản không nhận được sự chung tay, góp sức của các tổ chức xã hội, các trường học, thậm chí là ngay cả cha mẹ các bạn nhỏ.
Nắm bắt, thấu hiểu được khó khăn của cơ quan chủ quản các địa phương trong việc triển khai, thực hiện việc phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam, với kinh nghiệm nhiều năm của một kỹ sư ngành Nhựa, ông Võ Văn Hoàng Minh luôn đau đáu, trăn trở đi tìm giải pháp làm thế nào để khai thông, tập hợp được sức mạnh của cộng đồng để chăm lo cho con trẻ trên tinh thần tiết kiệm, lại hiệu quả nhất.

Thế là ông bỏ công nghiên cứu địa hình, thổ nhưỡng, đặc thù của từng địa phương, khả năng tài chính cần có cho mỗi loại hồ bơi… Loại bỏ hết các bất lợi, tận dụng từng thế mạnh, ông Minh dày công xây dựng Đề án “Triển khai chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em” và đưa ra được sản phẩm phù hợp cho việc thiết kế và thi công với mọi địa hình là: hồi bơi di động. Theo đó, giá hiện tại cho một công trình hồ bơi là 155 triệu đồng, được thiết kế, thi công bằng khung thép không rỉ, bạt nhựa chịu lực theo tiêu chuẩn nước ngoài. Ưu điểm nữa là ông Minh còn tìm được một số huấn luyện viên hướng dẫn dạy bơi cho giáo viên để truyền dạy lại cho học sinh.

Hành trình vẫn tiếp diễn…

Đề án thiết kế, lắp đặc hồ bơi di động tại các trường tiểu học và phổ thông cơ sở của ông Minh có giá cả phải chăng, dễ thi công và bảo quản nên thuyết phục được sự đồng thuận, hưởng ứng của chính quyền nhiều địa phương, các trường học trong công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em nhưng do kinh phí tại cơ sở không có nên không dễ triển khai.

Niềm vui của trẻ em khi có hồ bơi và được học bơi có hướng dẫn của giáo viên

Ngoài chuyên môn là một kỹ sư, ông Minh từng là Trưởng Ban từ thiện Hiệp hội Nhựa Việt Nam. Trong nhiều năm, Ban từ thiện Hiệp hội Nhựa và các MTQ đã xây dựng được cả ngàn nhà tình thương, 150 cây cầu bê tông và 35 bếp ăn nhân đạo cho các tỉnh miền Tây và Trung nam bộ. Hoạt động từ thiện minh bạch, uy tín nên ông Minh chiếm được cảm tình của nhiều MTQ trong và ngoài nước.

Nhận thấy việc phòng chống đuối nước cho trẻ em là một việc nhân văn, đóng góp ý nghĩa tích cực cho cuộc sống cộng đồng nên ông Minh đã mang chuyện Đề án “triển khai chương trình phòng, chống đuối nước cho trẻ em” mình đang ấp ủ với các nhà tài trợ, những MTQ. Kết quả ông nhận được là sự đồng lòng ủng hộ của rất nhiều cá nhân, tổ chức có tấm lòng thơm thảo, một lòng hướng về thế hệ trẻ tương lai.

Nổi bật trong số đó là gia đình các ông bà Lê Ngọc Tú, Đặng Công Tâm, Công ty cổ phần nhựa tái chế Duy Tân (TP.HCM)... Từ kinh phí tài trợ của các doanh nghiệp, cá nhân, ban đầu, ông Minh và các công sự thiết kế, thi công được một số hồ bơi tượng trưng tặng miễn phí cho vài trường học. Khi các sản phẩm hình thành có giá trị vượt sức tưởng tượng, được sự đón nhận nhiệt tình của các em học sinh, thầy cô giáo thì ông Minh càng có thêm động lực vận động, còn nhiều nhà tài trợ cũng vì trực tiếp được “mục sở thị” nên thấy đồng tiền mình “cho đi” thật xứng đáng nên mỗi ngày càng mặn mòi thêm. Đó là lý do các hồ bơi di động miễn phí ngày càng được ông Minh và các nhà trà trợ phối hợp với địa phương trao đến các trường học ngày một thêm nhiều, giúp công tác dạy bơi cho trẻ em thêm hiệu quả.

Học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo hào ứng với hồ bơi do trường được trao tặng

Ông Lê Phú Nhiên, một nhà tài trợ đã gắn bó với ông Minh trong công tác từ thiện cả chục năm qua cho biết: “Xuất phát từ một kỹ sư, các đề án của ông Minh xây dựng rất thực tế, khả thi, có hiệu quả xã hội, giúp đỡ được nhiều người nghèo, trẻ em vùng sâu, xa nên luôn thuyết phục được các nhà tài trợ. Tính hiệu quả được nhân hơn lên khi người tài trợ nhận thấy số tiền mình bỏ ra có ý nghĩa thiết thực, lại được minh bạch, công khai”.

Mới nhất, trong tháng 06/2024, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng là địa phương được bàn giao 3 hồ bơi di động miễn phí để phục vụ dạy bơi cho học sinh tại các trường tiểu học Tam Bố, Liên Đầu, Tân Thượng 1. Trong niềm vui chung với học sinh, nhiều điểm trường được nhận hồ bơi có chung phát biểu: Những năm qua nhà trường luôn mong mỏi có hồ bơi để dạy cho học sinh nhằm phòng, chống đuối nước nhưng chưa có kinh phí thực hiện. Đến nay, được các MTQ tài trợ hồ bơi giúp công việc giảng dạy có hiệu quả, các em học sinh có được kỹ năng cần thiết phòng, chống đuối nước nên rất vui.

Trao đổi các kỹ năng dạy bơi và hướng dẫn tập bơi

Nhắc về những việc đã và đang làm có đóng góp không nhỏ cho xã hội, ông Võ Văn Hoàng Minh bộc bạch: “Với sự đồng lòng, chung sức của các nhà tài trợ, MTQ, tôi đã bàn giao được một số lượng hồ bơi không nhỏ cho các trường học ở vùng sâu, vùng xa của nhiều tỉnh như Bình Định, Đắc Lắc, Long An, Trà Vinh... Đến nay, hầu hết các hồ bơi đều hoạt động, tổ chức duy tu tốt. Mục tiêu của tôi là vẫn tiếp tục phát triển đề án đến các tỉnh thành khác, trong đó có TP.HCM. Việc phân phổ vốn đầu tư có hai hình thức: được sự tài trợ toàn bộ của MTQ (tại TP.HCM và các địa phương). Họ sẽ tài trợ hết kinh phí hồ bơi và thiết bị hỗ trợ; Phần hỗ trợ của các tổ chức xã hội: các hội thiện nguyện, các doanh nghiệp và MTQ sẽ đóng góp hỗ trợ kinh phí 50%. Phần hỗ trợ từ các cơ quan quản lý UBND huyện, Phòng giáo dục… hỗ trợ 50% kinh phí còn lại. Đây là một việc làm có giá trị thiết thực nên tôi mong sẽ nhận được sự chung sức của nhiều cấp chính quyền, MTQ để việc phòng, chống đuối nước cho trẻ em sớm đạt được hiệu quả".

Bình luận (0)

Lên đầu trang