Phóng sự:

Mưu sinh trên dãy núi Ngọc Linh

Thứ Năm, 20/06/2024 13:14

|

(CAO) Dãy núi Ngọc Linh nằm trên dải Trường Sơn (thuộc 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam) có ngọn cao nhất đến 2.605m (so với mực nước biển), hùng vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên.

Dãy núi Ngọc Linh với cả chục ngọn núi kết thành, ngọn cao nhất tới 2.605m

Đầu tháng 6/2024, chúng tôi nai nịt kỹ càng để tránh vắt, muỗi rồi ngồi trên những chiếc xe máy độ chế gần 100% chất liệu sắt của nhóm thanh niên đồng bào dân tộc Giẻ Triêng. Sau đó, cả nhóm băng rừng, vượt núi đến khu vườn sâm Ngọc Linh của anh Nguyễn Đức Quốc Huy (SN 1984), ở độ cao 1.650m. Có đi mới biết, để rồi khâm phục những con người chân chất, yêu lao động, thường ngày gắn bó với những công việc "không tưởng".

SÂM NGỌC LINH - "BÁU VẬT" CỦA NÚI THIÊNG

Hơn 20 năm trước, sâm Ngọc Linh chưa có mấy người trồng, ai sở hữu củ sâm lớn thì đều là sâm rừng và được coi là "bảo vật" của rừng, chỉ người dân đi rừng trực tiếp lấy về, những người "mê" sâm... mới có sử dụng hoặc dành tặng khách quý. Sau này, sâm Ngọc Linh được nghiên cứu ươm trồng nhiều ở 2 huyện Đắk Glei, Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum và huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam; xuất hiện nhiều ở các quầy hàng, các cuộc trưng bày, giới thiệu đặc sản, niêm yết giá bán tại các hội chợ, lễ hội lớn, festival của một số tỉnh miền Trung - Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum...), được ngâm trong các bình rượu đủ mẫu mã, kích thước hoặc ngâm với mật ong, làm trà hay nguyên củ tươi được rửa sạch cùng rễ, lá và thậm chí cả hoa, quả.

Cận cảnh cây sâm Ngọc Linh gần 20 năm tuổi

Giá cả cũng vô chừng, từ vài triệu đồng đến vài chục triệu một bình hoặc 1kg (đối với sâm trồng lai giống từ vùng núi phía Bắc); hoặc từ vài chục triệu đến 200 - 300 triệu đồng/kg/củ, tùy vào độ lâu năm tuổi của củ sâm. Hy hữu có đợt, những đại gia, doanh nghiệp hoặc người dân đấu giá, trưng bày những củ sâm Ngọc Linh rừng có độ tuổi trên 20 năm đến 100 năm, 156 năm, nặng 250 gram đến 1 kg, trên 2 kg; giá gần 300 triệu đến 1 tỷ đồng, 2,5 tỷ đồng/củ.

Củ sâm Ngọc Linh chính hiệu (sâm rừng hoặc sâm được trồng trên núi Ngọc Linh) có vẻ ngoài sần sùi, dày đốt, sẹo, cong vẹo, màu xám ngà tựa màu củ gừng, ăn vào nhẩn đắng, ngọt hậu. Giá củ sâm Ngọc Linh trồng hiện dao động khoảng gần 100 triệu đồng đến 240 triệu đồng/kg, tùy thuộc vào kích thước và độ tuổi của sâm. Sâm rừng thì "hiếm có khó tìm", giá đắt ngang ngửa trầm. Những củ sâm phải từ 7 năm tuổi trở lên mới hợp đủ hàm lượng chất.

Với giá trị kinh tế cao, sâm Ngọc Linh đã được 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam định hình thương hiệu và ban hành những quyết định, chính sách bảo vệ nguồn gen, phát triển diện tích vườn ươm, trồng. Ngày 01/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 611/QÐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, xây dựng định hướng phát triển sâm Ngọc Linh của Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Vườn sâm Ngọc Linh dưới tán rừng, một số cây đang kỳ ra hoa
Quả sâm rừng lấy hạt ươm cây giống

MƯU SINH TRÊN CON ĐƯỜNG "TRẦN AI"

Đoàn chúng tôi gồm 17 người di chuyển từ TP Pleiku (Gia Lai) đến tỉnh Kon Tum, vào làng Long Ri, thôn Đắk Xina, xã Xốp, huyện Đắk Glei để leo núi Ngọc Linh theo hướng dẫn của anh Huy - chủ vườn sâm Ngọc Linh Đắk Xina 15.000 gốc ở độ cao 1.650m; chiếm hơn nửa đường lên đỉnh một ngọn núi Ngọc Linh. Đường trải nhựa rộng thênh thang, ôtô các loại có thể chạy đến tận làng.

Chúng tôi leo lên những chiếc xe máy độ chế, yên không nệm, bánh xe ráp của loại Honda Win, Minsk (Min-khờ), quấn xích chống trơn trượt do các thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số Giẻ Triêng làm "tổ lái", bắt đầu hành trình leo núi.

Đoạn đường 7km vào tới vườn sâm rất khó "nhằn", tưởng chừng như hàng chục cây số. Xe chở người kèm ba lô đựng đồ, leo núi ì ạch; bánh xe nhiều lần trật đường mòn, quăng quật, đứt xích, tụt xích; nhiều đoạn dốc thẳng đứng, bánh xe quay tít, không thể nhúc nhích, người ngồi sau bị tụt xuống, thất thểu "cuốc" bộ, mệt muốn đứt hơi. Nhiều bạn nữ trẻ lần đầu thấy con vắt, dù đang ôm tài xế... chặt hơn ôm chồng cũng ré lên, hoảng hốt, rớt khỏi xe máy.

Đường vào núi Ngọc Linh đầy gian truân, thú vị

Kế hoạch của chuyến đi 5h sáng hôm nay đến chiều hôm sau về. Tính từ TP Kon Tum, chúng tôi vào đến xã Xốp mất gần 5 tiếng đồng hồ. Do mải mê thăm thú một số cảnh của vùng đất cách mạng Đắk Tô, cùng đó có một đoạn đường vào huyện Đắk Glei bị hỏng, phải chờ sửa đường, chúng tôi đến cửa rừng đã gần 17h. Trời lất phất mưa, đêm ấy ở lán trại trong rừng, chúng tôi đón trận mưa lớn, rả rích từ 20h tới gần sáng.

Những tài xế cứng tay, xe ngon trớn, đoạn đường leo núi hết khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ; một số xe trục trặc, phải dừng sửa mấy lần, trời tối khó đi, vào tới nơi tập kết mất hơn 3 tiếng rưỡi. Đến lán trại, những thành viên trong đoàn rà tìm, bắt cho nhau cả chục con vắt. Nhóm "tổ lái" quen dãi nắng dầm mưa điều khiển những chiếc xe toàn bằng sắt để bảo đảm độ bền, độ bám, chắc chắn nhưng nặng trịch. Họ gồng mình, dùng hai chân lấy trớn đẩy xe lúc lên dốc và ghìm xe khi xuống dốc.

Khi lên dốc khó nhọc bao nhiêu thì khi xuống dốc khó khăn lại... kiểu khác. Nếu tài xế không kìm giữ xe tốt, khối sắt cả tạ ấy cùng người ngồi trên chỉ chực chờ văng xuống vực. Con đường mòn nhỏ xíu, có những đoạn chỉ vừa bánh xe để bảo đảm độ bám; tài xế chắc tay lái, còn người ngồi sau phải bám chặt, chân và đầu phải linh hoạt để né những gốc cây, cành cây, tảng đá 2 bên đường và cả trên đầu. Nhiều chỗ cảnh rừng quá đẹp, hoa rừng thơm ngát.

Đồng bào Giẻ Triêng đều mang họ A, như A Đôn, A Nghiễu, A Tình... kể: Cả làng hầu như nhà nào cũng có một chiếc xe máy này, đặt mua từ những lò độ chế để chở nông sản, đi rừng... Những thanh niên ngoài 20 tuổi, nhưng thâm niên chạy xe này nhiều năm. Họ đã chở các nguyên vật liệu hoặc cuốc bộ mang vác sắt, gỗ, vật dụng sinh hoạt... để anh Huy cất 3 căn lán trại trong vườn sâm.

Nhóm tổ lái “siêu xe” độ chế

Anh Huy cho biết, mới đây đưa vào vườn 5 tấn lưới sắt, rào chắn tứ bề để giữ vườn sâm, nhóm "tổ lái" ngược xuôi ngày mấy chuyến, chở ròng rã suốt cả tuần. Thi thoảng có "đơn đặt hàng", họ chở dân đi lấy mật ong, lan rừng hay mang trâu, bò vào rừng thả tự do, cả nửa tháng, tháng mới vào kiểm tra một lần. Mỗi chuyến xe như vậy, họ nhận tiền công từ 200 đến 300.000 đồng tùy đoạn đường và lòng hảo tâm của khách.

Bà con xã Xốp chủ yếu trồng cà phê, khoai mì và một số được giao khoán đất rừng trồng cây lấy gỗ, lấy vỏ xuất bán làm giấy.

Huy kể, thuê đất của Nhà nước và canh tác trồng vườn sâm này từ năm 2018. Mỗi năm, phần thân cây, rễ, củ sâm Ngọc Linh chỉ lớn chút một. Sau 7 năm, cây tốt, cao đạt khoảng 35 - 40cm, bắt đầu cho trái bói để thu hoạch lấy hạt. Củ sâm Ngọc Linh mắc là vậy, hạt và lá sâm cũng mang lại lợi nhuận kinh tế cao, lấy ngắn nuôi dài. Mỗi cây sâm hàng năm có một đợt ra hoa, đậu từ 20 đến 40 quả lấy hạt. Mỗi hạt có giá 120.000 đồng. Cứ mỗi lon hạt từ 1.000 đến 1.200 hạt có giá 120 triệu đến 150 triệu đồng, tùy chất lượng hạt. Hạt ươm thành cây bán bình quân 300.000 đồng/cây giống. Cành, lá sâm bán trên 10 triệu đồng/kg. Có kỹ thuật, tỷ lệ thành công ươm mầm đạt cao. Trong khi củ sâm vẫn phát triển trong lòng đất, càng lớn, càng cao giá.

Theo thống kê của 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam, hiện có đến hàng trăm vườn sâm Ngọc Linh với diện tích khoảng trên 3.000ha, rải đều cả chục xã thuộc 3 huyện của 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam. Nhiều người là những đại gia lâu đời nhờ đào được sâm rừng, trồng và buôn bán sâm Ngọc Linh. Đến nay, nhiều thế hệ tiếp nối giàu lên nhờ trồng sâm Ngọc Linh và cả những người nuôi mộng trở thành đại gia sâm Ngọc Linh.

Cũng có rất nhiều người sử dụng xe tự chế như nhóm "tổ lái" của A Lưu, A Tình... để đi làm rẫy hoặc chở người, chở hàng thuê mưu sinh. Sự nguy hiểm và một đời sống phiêu bồng luôn đeo bám, thúc giục họ!

Chuyến xe đi rừng của nhóm chúng tôi gặp đúng ngày trời mưa, vào đến lán trại lúc 20h vì một số xe tuột xích, nhiều đoạn dốc thẳng đứng, tài xế "non" nghề, khách đành "cuốc" bộ!
Sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng có hàm lượng dưỡng chất cao hơn sâm trồng đại trà ở không gian thoáng, mở

Bình luận (0)

Lên đầu trang