Đó là tâm sự của Lê Thị Mỹ Ý (SN 1991, trú thị trấn Kbang, huyện Kbang, Gia Lai). Tháng 9-2012, sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm tin học (Trường đại học Phú Yên), Ý được nhận vào dạy hợp đồng tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBTTH) Đak Roong. Đây cũng là năm đầu tiên môn tin học được triển khai dạy tại trường cho các em học sinh từ lớp 3 đến lớp 5.
Ý hạnh phúc và bỡ ngỡ diện áo dài bước lên bục giảng đứng trước học sinh dân tộc thiểu số mà phần nhiều vẫn chưa nói thạo tiếng phổ thông. “Phải nói là khó khăn hơn trí tưởng tượng. Nhiều lần cả cô lẫn trò đều tỏ ra chán nản vì bất đồng ngôn ngữ. Học trò không hiểu người dạy đang nói gì, giáo viên cũng chỉ biết nhìn các em xầm xì” - Cô giáo trẻ hồi tưởng lại.
Cô giáo yêu nghề Mỹ Ý (ngoài cùng bên phải) bên các học trò cũ của mình
Tuy nhiên, do vốn sinh ra trong gia đình nghèo, lại đông con, từng trải qua thời thơ ấu gian khổ nên hoàn cảnh khó khăn trước mắt không làm cô giáo trẻ nhụt chí. Trong tâm tưởng, Ý luôn có sự đồng cảm và thương yêu học trò, bởi cô như đồng cảm được với hoàn cảnh từng học trò nhỏ.
Từ đó, Ý hạ quyết tâm phải giúp học sinh sử dụng được máy tính một cách thành thạo, để các em yêu thích đến trường, tránh bỏ học giữa chừng. Với suy nghĩ đó, Ý liên tục gần gũi, tìm hiểu về đời sống, trò chuyện tâm sự thường xuyên với các em để hiểu tiếng, văn hóa của đồng bào J’rai, Ba Na.
Trường học cách nhà cô giáo trẻ hơn 50km, đường đi lại khó khăn nên Ý trọ lại trường, có điều kiện tiếp xúc với các em học sinh nội trú. Ở trường, học sinh đa số còn nhỏ, lại xa cha mẹ cả tuần nên mọi việc từ tắm, giặt, ăn uống,… đều do giáo viên và cấp dưỡng lo.
Nhiều hôm, Ý và đồng nghiệp còn giặt quần áo cho các em nhỏ. Có hôm, học sinh ốm, các giáo viên phải thâu đêm thay phiên nhau thức canh. Tình cảm giữa đồng nghiệp và học trò ở đây rất thắm thiết, thân thuộc như người thân. Từ đó, việc truyền đạt kiến thức của Ý cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Mỹ Ý mặc áo dài màu sáng (bên trái) hồi còn dạy ở trường
Học sinh từ chỗ luôn gãi đầu mặt mày cau có với chiếc máy tính thì nay đã có thể dễ dàng làm các thao tác cơ bản như khởi động, bảo quản máy, sử dụng Office để đánh văn bản, tính toán giản đơn hay chơi những trò chơi lý thú...
Ở vùng đồng bào Ba Na đầy khó khăn này, chuyện học sinh bỏ học là chuyện thường tình. Do đó, ngoài chuyện đứng lớp, Ý và các đồng nghiệp còn phải có trách nhiệm vào làng vận động đưa học sinh trở lại trường vào các ngày cuối tuần.
Có hôm, các giáo viên phải lên tận chòi rẫy đưa học sinh về. Có lúc phải rình mò, ẩn nấp để “chộp” học sinh không khác gì công an bắt tội phạm vì cứ hễ thấy giáo viên là các em cắm đầu cắm cổ chạy.
“Vì vậy, tụi em toàn phải đi vào ban đêm nên có hôm về đến trường thì đã sang ngày mới. Mệt đấy nhưng mà rất vui. Em chỉ ngán nhất là mỗi lần vào làng vận động bị bọ chét và vắt cắn rộp hết da. Chưa kể, người Ba Na có thói quen cùng ngồi ăn, cùng ngồi uống rượu, mới nói chuyện cởi mở. Nên nhiều hôm, em bị ép say đến không thấy đường về. Nhưng cũng nhờ đó mà dân làng hứng gần như tin tưởng tuyệt đối khi giao cho thầy cô giáo”, Ý vui vẻ kể lại.
Năm ngoái, Ý và nam đồng nghiệp phải cùng nhập viện vì tông xe vào cây đổ ven đường trong đêm mưa. Cả hai giáo viên đều chấn thương nặng, riêng Ý bị gãy cả 2 tay, không làm được việc gì cả tháng trời khiến cha mẹ phải vất vả chăm nuôi.
Khó khăn, vất vả là vậy nhưng lương hợp đồng của Ý cũng chỉ được 2.940.000 đồng/tháng, sau đó được tăng lên 3.220.000 đồng. Với số tiền này, Ý đã phải rất tằn tiện trong chi tiêu mới đủ. Thế là, mỗi giáo viên góp với nhau khoảng 600.000 đồng/tháng để chợ búa, nấu ăn cho tiết kiệm.
Cô giáo Ý không giấu được xúc động khi nói về nghề nghiệp của mình: “Khỏe mạnh thì không sao chứ đau ốm rồi cũng lại cầu cạnh cha mẹ. Đã đi làm, không phụ giúp được cha mẹ đã đành rồi mà còn chìa tay xin tiền nhà trong khi cha em đã gần 70 tuổi rồi mà vẫn còn đi làm thuê”.
Còn rất nhiều khó khăn, nhiều sự tủi hổ khác mà Ý đã từng trải suốt 3 năm dạy hợp đồng trong trường. Thế nhưng, ước mơ của Ý đã bị dang dở khi trường được bổ sung biên chế giáo viên tin học, vậy là Ý bỗng dưng mất việc.
Thầy cô giáo cõng học trò vượt suối đến trường
Và chính thức từ tháng 3-2015, sau gần 3 năm bám trường, vận động học sinh ra lớp, cô gái với dáng người nhỏ thó phải xách hành lý, lê từng bước chân rời nơi chứa đầy ắp kỷ niệm vì… hết hạn hợp đồng.
Không đầu hàng, gạt nước mắt, Ý lại lang thang khắp nơi xin đi dạy nhưng đều thất bại nên đành tìm việc khác để làm. “Ba năm trời với bao gian nan nhưng chưa bao giờ em xem đồng tiền là động lực làm việc. Bởi, với em, được gắn bó với đồng nghiệp, với học trò mới là trên hết.
Hồi còn dạy trong trường với đồng lương ít ỏi nên mỗi lần bạn bè mời đám cưới là em lại cầu cứu cha mẹ nghèo. Giờ làm thuê lương cao hơn, lại ở gần nhà nhưng em vẫn không thích thú bằng thời gian đó. Vì em rất yêu nghề giáo, nhiều lúc ngủ mơ thấy mình vẫn đang được đứng trên bục giảng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Quốc Tuấn - Hiệu trưởng Trường PTDTBTTH Đak Roong cho biết: “Trong thời gian giảng dạy tại trường, cô Ý luôn hoàn thành nhiệm vụ, tính tình hòa nhã. Tuy nhiên, về nhân sự thì ông chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận từ cấp trên chứ không có quyền quyết định. Chỉ khi nào trường thiếu giáo viên thì mới phải thuê hợp đồng”.