Công an Đắk Nông phát hiện nhiều vụ trồng cần sa quy mô lớn

Thứ Hai, 13/12/2021 12:22

|

(CAO) Là tỉnh diện tích đất rộng, dân cư cư thưa thớt cộng với việc đa số người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp nên xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng các yếu tố này để trồng trái phép cây cần sa (một loại ma túy nằm trong danh sách cấm của Việt Nam và thế giới).

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Công an tỉnh Đăk Nông đã phá nhiều vụ án liên quan đến việc trồng trái phép loại chất cấm này, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, không để Đắk Nông trở thành “điểm nóng” về trồng cây cần sa trái phép.

Liên tiếp phát hiện lượng lớn cây cần sa

Nhờ nắm vững địa bàn, cùng với các phong trào phát động người dân tham gia bảo vệ An ninh Tổ quốc, lực lượng Công an tỉnh Đăk Nông đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ việc trồng cây cần sa trái phép trên địa bàn.

Công an huyện Đắk Song triệt phá “trang trại” cần sa, bắt giữ các đối tượng.

Cuối tháng 6/2021, khi các đối tượng vẫn đang “cần mẫn” chăm sóc cây cần sa nhỏ như các cây nông nghiệp tại một trang trại của một người đàn ông tên Hiển thuộc xã Nam Bình, thì các trinh sát Công an huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông) đã ập vào để khám xét.

Tại hiện trường, lực lượng Công an đã lập biên bản, thu giữ 2.613 cây cần sa có chiều cao từ 40 - 70 cm được trồng trong các chậu nhựa, xếp thành 19 luống và trang bị hệ thống đèn chiếu sáng để kích thích sự phát triển của cây. Kiểm tra xung quanh hiện trường, lực lượng Công an thu giữ khoảng 2,2 kg (nghi lá cây cần sa tươi) và 1 bịch nilon bên trong đựng hoa quả khô của cây này

Cần sa được ươm từ hạt

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Hải (ngụ TT Đức An, Đắk Song) và Lê Thanh Tâm (ngụ Quận 4, TP.HCM) khai nhận, Hải được 1 người đàn ông tên Hiển thuê phụ trồng, chăm sóc cây cần sa với tiền công 300.000 đồng/ngày.

Cũng trong tháng 6/2021, Đội Cảnh sát hình sự, kinh tế, ma túy Công an H.Đắk Song phối hợp Công an TT.Đức An (H.Đắk Song) tiến hành kiểm tra rẫy cà phê của ông Nguyễn Văn Nhiệm ở tổ dân phố 8, TT.Đức An, phát hiện 1 vụ trồng trái phép 325 cây cần sa. Các cây cần sa có chiều cao từ 1,2 - 1,5 m được trồng xen rẫy hồ tiêu diện tích 1,6 ha. Ông Nhiệm khai nhận số cây cần sa nói trên được ông trồng từ đầu tháng 5 năm 2021 đến nay với mục đích cho gà ăn.

Cần sa được các đối tượng trồng trong rẫy vắng

Còn tại xã biên giới Quảng Trực của huyện Tuy Đức, vào ngày 2/6/2021, lực lượng chức năng phát hiện tại vườn rẫy của 2 người dân ở bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực trồng trái phép 24 cây cần sa, các cây này đã có chiều cao từ 0,6-2,6m.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng còn phát hiện trong nhà của hai người này có khoảng 0,25 kg nghi là cành, lá cây cần sa đã phơi khô. Lực lượng công an đã tiến hành lập biên bản, thu giữ toàn bộ số cần sa nói trên.

Hai người dân cho biết, sau khi được một người ở Lâm Đồng cho một ít hạt giống cây cần sa, đã đưa về ươm trồng trong vườn rẫy, mục đích để lấy lá cho lợn, gà ăn nhằm phòng, chống dịch bệnh.

Bám sát địa bàn để phá án

Tại địa bàn huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông), các đối tượng lén lút vào khu vực hoang vắng, hẻo lánh ở trong rừng để trồng trái phép cây cần sa. Với việc nắm chắc địa bàn kết hợp với công tác nghiệp vụ, Công an huyện Đắk Glong đã triệt phá nhiều tụ điểm trồng cây cần sa hết sức tinh vi…

Gần đây nhất, Công an huyện Đắk Glong vừa bắt đối tượng Phạm Văn Sơn, ở xã Quảng Sơn và Trần Thế Đại, ở xã Đắk Ha (cùng huyện Đắk Glong) đang bón phân cho 1.439 cây cần sa tại bon Sanar, xã Quảng Sơn.

Hạt giống cần sa được rao bán trái phép tràn lan trên mạng xã hội
Hạt giống cần sa được rao bán trái phép tràn lan trên mạng xã hội

Để phá được vụ án này, lực lượng Công an huyện Đắk Glong đã dày công theo dõi, bám nắm địa bàn. Đại úy Võ Hoài Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, kinh tế, ma túy Công an huyện Đắk Glong cho biết, các đối tượng đã lén lút vào khu vực rẫy hoang, không có người qua lại để gieo trồng, sản xuất cây cần sa nhằm tránh bị để ý, phát hiện.

Sở dĩ các đối tượng này lọt vào “tầm ngắm” của đơn vị là do thường xuyên đi về phía rừng sâu nhưng lại không có rẫy, vườn… ở trong đó. Lần theo các đối tượng nghi vấn, lực lượng công an đã phát hiện phía sau những lùm cây, cỏ dại mọc um tùm là một tụ điểm trồng cây cần sa đang phát triển tươi tốt. Quá trình theo dõi, lực lượng chức năng đã nắm chắc việc các đối tượng này thường xuyên đến thăm nom, chăm sóc, bón phân cho cây cần sa… nên đã bắt quả tang vụ việc.

Theo Đại úy Nam, việc phát hiện các vụ trồng cây cần sa là không hề đơn giản. Do các đối tượng thường hay lén lút thực hiện nên lực lượng trinh sát phải nắm chắc địa bàn, cơ sở. Qua đấu tranh nhiều vụ việc cho thấy, phần lớn các đối tượng khi bị bắt đều khai trồng để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nguồn giống cây cần sa chủ yếu là được đưa từ nơi khác đến hoặc đặt hạt giống qua mạng xã hội zalo, facebook…

Theo Công an huyện Đắk Glong, từ đầu năm 2021 đến nay, lực lượng Công an huyện đã phát hiện, điều tra xử lý 12 vụ, 13 đối tượng trồng cây cần Sa trái phép. Qua đó, thu giữ 2.819 cây cần sa tươi. Ngoài việc thu giữ cây cần sa tươi, Công an huyện còn phát hiện, thu giữ 2,2 kg cần sa khô. Trên cơ sở đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện đã khởi tố 1 vụ, 2 đối tượng về hành vi trồng cây cần sa trái phép.

Trước thực tế trên, để ngăn chặn tình trạng trồng cây cần sa, các cấp ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tác hại của cây cần sa đối với sức khỏe con người. Bởi nhiều người dân đã không biết về cây cần sa và hậu quả, tác hại của nó. Thậm chí, nhiều người do thiếu hiểu biết, chỉ nghĩ đơn giản đây là cây thuốc quý dùng để ngâm rượu, cho gia súc ăn để nhanh lớn, chống dịch bệnh.

Việc đẩy mạnh tuyên truyền nhằm giúp người dân nhận biết, không để các đối tượng lợi dụng, lừa gạt dưới hình thức thuê trồng cây thuốc, cây dược liệu. Khi người dân nhận thức được điều này sẽ tham gia phòng, chống tội phạm, giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, điều tra, khám phá loại tội phạm này.

Theo những đối tượng bị bắt giữ do trồng trái phép cây cần sa, họ thường được giới thiệu qua mạng xã hội cần sa là dược lược quý, có thể ngâm rượu, cho gia cầm gia súc ăn để nha lớn, phòng chống dịch bệnh,…
Việc mua bán qua mạng xã hội cũng được thực hiện đơn giản, nhanh chóng. Các giao dịch thường được chuyển khoản qua ngân hàng, hàng hóa sẽ chuyển lại theo đường bưu điện hoặc dịch vụ giao hàng. Chính vì vậy để phát hiện những vụ việc trồng cần sa trái phép là việc rất khó khăn.
Các cơ quan chức năng cần xử lý mạnh các đối tượng rao bán hạt giống các loại cây trồng có chất gây nghiện bị cấm, đồng thời kết hợp các đơn vị cung cấp dịch vụ mạng xã hội ngăn chặn các hình thức quảng cáo, “chuyển giao” kỹ thuật trồng, chăm sóc thu hoạch các loại cây này.

Bình luận (0)

Lên đầu trang