Công nhân quay cuồng trong mùa "bão giá”

Thứ Năm, 07/04/2022 11:58  | Nam Anh

|

(CATP) Bình Dương có 48 khu, cụm công nghiệp, được xem là công xưởng thu nhỏ của Việt Nam, thu hút cả triệu lao động từ khắp các tỉnh, thành về làm việc. Thời gian gần đây, do xăng dầu tăng giá kéo theo giá cả các mặt hàng leo thang khiến đời sống hàng ngàn công nhân (CN) thêm khó khăn.

Thắt lưng buộc bụng

Những ngày đầu tháng 4-2022, khi ánh nắng cuối ngày dần tắt, sau một ngày làm việc tất bật trong các công xưởng, xí nghiệp..., hàng ngàn CN tan ca, vội vàng rảo khắp các chợ tạm để tìm những thực phẩm vừa túi tiền. Với đồng lương eo hẹp, họ phải cân nhắc khi còn đủ thứ phải chi tiêu; giữa lúc thịt cá quá mắc, các CN đành chọn đậu hũ, rau dưa các loại, dù vẫn biết như thế sẽ không đủ dinh dưỡng bù đắp sau 1 ngày làm việc vất vả.

Theo chị Hoàng Thị Nhung - CN Công ty TNHH Kenjin Tech (Việt Nam), đến thời điểm này càng phải thắt lưng buộc bụng hơn nữa, cắt giảm hết mức, thậm chí phải chia từng lon gạo, mớ rau để sống qua ngày, bởi tổng thu nhập của hai vợ chồng hơn 2 tháng qua chỉ chưa tới 10 triệu đồng, bằng gần 2/3 so với bình thường. Ngoài những nhu cầu thiết yếu như ăn, ở, đi lại..., họ chẳng dám mơ tưởng đến nhu cầu giải trí, mua sắm cho bản thân.

Tương tự, anh Nguyễn Văn Hùng ở Công ty TNHH kỹ nghệ Kuai Yin Wang Việt Nam (KCN Việt Hương) cho biết, trước khi giá xăng tăng, mỗi tháng anh tốn từ 300 - 400 ngàn đồng, giờ thì phải mất cho khoản này 500 - 600 ngàn đồng. Trong khi mỗi tháng, cả tiền lương lẫn khoản trợ cấp, tiền làm thêm của anh được 8,5 triệu đồng, cộng với lương của vợ hơn 6 triệu đồng. Trước đây, trừ những khoản chi tiêu chính như: tiền thuê nhà, gửi con đi học, điện nước, ăn uống, mỗi tháng anh chị dư 1,5 - 2 triệu đồng, nhưng từ sau Tết Nguyên đán đến nay lương cũng không đủ chi tiêu do giá cả đắt đỏ.

Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hải cho biết, sống trong hoàn cảnh cái gì cũng tăng, từ chai dầu ăn, bịch muối, chai nước mắm, mì gói..., trong khi trước kia đi làm có thêm khoản phụ cấp, thưởng chuyên cần; nay công ty đã cắt giảm, giờ dù tăng ca cũng chỉ nhận được 5,5 - 7,5 triệu đồng/tháng. Người lớn khổ đã đành, 2 tháng nay không có tiền gửi về quê cho các con ăn học, đành nhờ người thân vay mượn giúp để lo.

Nhiều công nhân đi chợ chỉ dám mua rau

Làm thêm để tăng thu nhập

Tình cờ gặp chị Nguyễn Thị Lê (quê Hà Tĩnh, vào Bình Dương làm việc được hơn 4 năm) trong căn phòng trọ chưa đầy 12m2 (gần cây xăng Kim Hằng, TX.Tân Uyên) khi chị đang chuẩn bị bữa tối đạm bạc với đĩa rau muống luộc và 4 miếng đậu hũ sốt cà cho gia đình 3 người. Người phụ nữ này cho biết: "Hiện nay mọi thứ đều đắt đỏ, thu nhập không đủ chi tiêu nên chồng tôi phải chạy xe giao hàng để kiếm thêm thu nhập vào buổi tối".

Chồng chị Lê đang làm phụ hồ cho một công trình xây dựng, mỗi ngày được 350 ngàn tiền công; còn chị Lê là CN may của một xí nghiệp ở KCN Tân Uyên, lương 5,6 triệu đồng/tháng. Cuộc sống khó khăn lại đang mang thai tháng thứ 7, chuyện uống sữa bổ sung trong thời gian này đối với chị cũng là điều xa xỉ, do phải cắt khoản này để bù vào tiền ăn, vì đã sắp đến ngày sinh, còn biết bao nhiêu thứ cần phải chuẩn bị như: quần áo, tã lót, sữa, đồ dùng cho trẻ. Nhìn quanh căn phòng trọ, chỉ có quạt điện và cái tivi cũ là đáng giá nhất. Đó là phương tiện giải trí duy nhất cho cả nhà sau 1 ngày làm việc mệt mỏi; giờ tiền điện bắt đầu tăng nên từ nay, gia đình chị sẽ phải sử dụng hạn chế hơn nữa.

Bữa cơm ngày càng đạm bạc của các gia đình công nhân khi giá cả leo thang

Trao đổi với chúng tôi, một đại diện lãnh đạo Công đoàn tỉnh Bình Dương cho biết, để hỗ trợ CN, người lao động (NLĐ) trên địa bàn, Công đoàn tỉnh đã ra công văn kêu gọi các chủ doanh nghiệp (DN) hỗ trợ, trợ cấp cho CN tiền nhà trọ, xăng xe, làm thêm giờ... để NLĐ có thêm thu nhập. Nhiều DN đã hỗ trợ, nhưng một số DN cũng đang gặp khó khăn nên chưa thể thực hiện. Đây là thời kỳ khó khăn chung của cả cộng đồng, nên các DN và NLĐ cần cố gắng vượt qua, ổn định sản xuất để cải thiện cuộc sống...

Bình luận (0)

Lên đầu trang