TPHCM: Dầu mỡ từ nhà hàng, quán ăn gây nghẽn cống thoát nước

Thứ Sáu, 05/06/2020 12:32  | Ngô Đồng

|

(CAO) Rác thải luôn là đề tài nóng ở TPHCM, TP đã có nhiều giải pháp nhưng vẫn còn một bộ phận người dân thiếu ý thức, xả rác khắp nơi, từ trên bờ đến dưới sông, kênh, rạch, gây ô nhiễm môi trường, tắc dòng chảy…

Ngày 5/6, Đảng ủy khối doanh nghiệp TPHCM, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM (Citenco) phối hợp tổ chức hội nghị chuyên đề “Thực hiện cuộc vận động người dân không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước - tiếng nói của những người trong cuộc”.

Bà Lê Thị Hồng Hậu, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp TP phát biểu tại hội nghị

Ông Cao Văn Tuấn, Trưởng phòng Công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng (Citenco) cho biết, theo số liệu thống kê năm 2018, mỗi ngày tại TPHCM thải ra khoảng 9.200 tấn chất thải rắn sinh hoạt; khoảng 1.500 - 2.000 tấn chất thải công nghiệp không nguy hại; 1.500 - 1.700 tấn chất thải rắn xây dựng; 350 - 400 tấn chất thải nguy hại; 22 tấn chất thải rắn y tế nguy hại...

Xu hướng phát sinh rác thải ngày càng tăng cao, cùng với thực trạng một bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức bảo vệ môi trường, thường xuyên xả rác bừa bãi nơi công cộng và kênh rạch khiến mất mỹ quan đô thị, môi trường sống ô nhiễm, đồng thời đã tạo nhiều áp lực cho các đơn vị thu gom, xử lý...

Công nhân vệ sinh thu gom rác thải dưới kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh minh họa

Nêu thêm hệ lụy từ hành vi xả rác thải bừa bãi, ông Trương Quốc Bình, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TPHCM cho biết, đó là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm mức độ ngập nước, bởi trực tiếp gây tắc nghẽn hệ thống cống thoát nước.

Ghi nhận qua công tác tuần tra thoát nước, ông Bình cho biết: "Còn rất nhiều vị trí vẫn xuất hiện tình trạng rác thải lấp bít miệng thu. Công tác duy tu dưới lòng cống cũng phát hiện rất nhiều túi nilong, hộp xốp đựng thức ăn,... theo dòng nước cuốn trôi xuống cống, gây tắc nghẽn dòng chảy thoát nước.

Tại một số vị trí gần nhà hàng, khách sạn, quán ăn còn phát hiện tình trạng nước thải chứa dầu mỡ xả thẳng xuống hệ thống thoát nước. Ông Bình cho biết, lượng dầu mỡ này lâu ngày đóng thành từng mảng lớn, gây tắc nghẽn dòng chảy, làm hư hỏng các hạng mục công trình thoát nước, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh…".

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị công ích lĩnh vực môi trường đô thị và công nhân (là những người trực tiếp làm công tác bảo vệ môi trường) tham gia bày tỏ ý kiến, góp ý, đề xuất, kiến nghị trong triển khai thực hiện Chỉ thị 19; trong đó đặc biệt mong muốn cộng đồng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tự giác trong bảo vệ môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định,… góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, sạch - xanh - thân thiện.

Nói về thực trạng xả rác bừa bãi của một bộ phận người dân, những công nhân vệ sinh rất bức xúc. Họ cho biết, thậm chí khi nhắc nhở, còn bị người dân phản ứng lại với thái độ thiếu tôn trọng, như là: "Chúng tôi không xả rác thì các anh lấy việc đâu mà làm". Đôi khi người dân còn có hành vi lăng mạ, văng tục, hăm dọa,... khi bị nhắc nhở.

Công nhân vệ sinh, là những người trực tiếp làm công tác bảo vệ môi trường, tham gia bày tỏ ý kiến, góp ý, đề xuất, kiến nghị trong triển khai thực hiện Chỉ thị 19.

Anh Ngô Chí Hùng, công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP bật khóc khi kể về công việc khó nhọc của anh em công nhân vệ sinh.

Anh Hùng ứa nước mắt cho biết, 26 năm làm nghề nạo vét lòng cống, chỉ cần nghĩ tới chuyện anh em công nhân đang dầm mình trong lòng cống, bỗng dưng hứng phải làn nước sôi từ công trình hay nhà máy đổ thẳng ra làm phỏng tay chân; hay những lúc đang hốt bùn, phải chạy vội lên bờ vì phân hầm cầu dội xuống cống... là thấy xót xa. Vất vả, cực nhọc như vậy, nhưng nhiều người dân vẫn không hiểu, không trân trọng, lại vô ý thức thản nhiên vứt rác bừa bãi, gây ô nhiễm trầm trọng môi trường sống.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Lưu, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM, Citenco là một trong những đơn vị trong nhiều năm qua đã triển khai thực hiện rất tốt công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác trên địa bàn TPHCM; đồng thời, công ty cũng là đơn vị chủ lực thực hiện vớt rác trên kênh.

Ông Lưu cho biết, tiếp tục kêu gọi người dân không xả rác, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị 19, kêu gọi các tầng lớp người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TPHCM sạch và giảm ngập nước.

Về chính sách lương bổng, theo công nhân vệ sinh phản ánh là còn thấp, ông Lưu cho biết, sẽ báo cáo lại với Ban thường vụ Thành ủy đề sớm có hướng giải quyết để góp phần ổn định cuộc sống cho người công nhân vệ sinh.

Ông Lưu cũng khẳng định, sự hi sinh thầm lặng của những người công nhân vệ sinh cần phải được tôn vinh. Mọi thái độ không tôn trọng cần phải được lên án. 

Ông Nguyễn Văn Lưu, Phó trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM phát biểu tại hội nghị

Mặc dù đại bộ phận người dân TPHCM ý thức cao, có nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành vi gìn giữ, bảo vệ môi trường, không xả rác ra đường, kênh rạch; nhưng vẫn còn tình trạng rác thải để bừa bãi ở gốc cây, cột điện, miệng hố ga, cống thoát nước, lòng đường, vỉa hè, kênh rạch. TPHCM là nơi có lượng dân nhập cư nhiều, cho nên việc thay đổi hành vi thói quen là cả quá trình lâu dài, cần kiên trì và vận động liên tục. 

Bên cạnh việc nhắc nhở, tuyên truyền, nhiều công nhân vệ sinh cũng như lãnh đạo Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP đều đề nghị chính quyền địa phương phải tăng cường xử phạt người vi phạm xả rác bừa bãi, đặc biệt phải xử phạt thêm qua camera để đảm bảo tính răn đe của pháp luật.

Bình luận (0)

Lên đầu trang