(CAO) Một doanh nghiệp của Trung Quốc trúng thầu nhiều dự án xử lý môi trường ở Việt Nam, đang liên danh đầu tư công nghệ để xử lý nhà máy rác Khánh Sơn (TP.Đà Nẵng).
Tại buổi họp báo quý II năm 2019 của UBND TP.Đà Nẵng tổ chức vào chiều 23-7, vấn đề bãi rác Khánh Sơn được nhiều cơ quan báo chí quan tâm. Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT cho biết, TP đã thống nhất quy hoạch bãi rác vào khu xử lý rác của Đà Nẵng và đang kêu gọi doanh nghiệp (DN) đầu tư.
Công ty CP môi trường đô thị Việt Nam (MTĐTVN) và đối tác Công ty EverBright International (Trung Quốc) đang tiếp tục hoàn tất để xây dựng nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn với vốn đầu tư 80 triệu USD, công suất xử lý rác 650 tấn/ngày.
Năm 2009, Đà Nẵng cấp chủ trương đầu tư cho Công ty MTĐTVN xây dựng nhà máy xử lý rác công suất 650 tấn/ngày trên diện tích 9,5ha, cho thuê đất miễn thuế 45 năm. Năm 2015, nhà máy hoạt động nhưng sau 6 tháng phải dừng vì công nghệ quá kém, hiệu quả thấp. Nay Công ty MTĐTVN vẫn tiếp tục được triển khai dự án.
Công ty Everbright International (Hồng Kông, Trung Quốc) thuộc Tập đoàn China Everbright là đơn vị thực hiện dự án nhà máy xử lý rác phát điện tại Cần Thơ, được đồng ý đầu tư các dự án hàng nghìn tỷ đồng tại Bắc Giang và Thừa Thiên – Huế. Nhà máy huyện Thới Lai (Cần Thơ) có số vốn gần 1.100 tỷ đồng, công suất 400 tấn rác thải sinh hoạt/ngày...
Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng thông tin
Sở KH&CN Cần Thơ báo cáo, 64% thiết bị có nhãn hiệu phù hợp với công bố, còn 36% thiết bị có nhãn hiệu nhưng không phù hợp với công bố. Một số thiết bị nhập từ các nước G7, còn lại hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Sau khi đốt rác phát điện theo công nghệ, lượng tro xỉ còn lại theo lý thuyết chiếm khoảng 18 - 20% nhưng trên thực tế là 25,5% lượng rác đưa vào lò đốt. Riêng tro bay chiếm hơn 4% (15 - 18 tấn/ngày) chưa có phương án xử lý, đang chứa trong kho của nhà máy, thiếu quỹ đất chôn lấp.
Ông Tô Văn Hùng – Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết: “Hiện TP chỉ mới thống nhất cho phép Công ty MTĐTVN nâng cấp công nghệ và được phép liên doanh để triển khai dự án đã được thực hiện từ năm 2009. TP sẽ đề nghị các doanh nghiệp hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để được TP, cơ quan thẩm quyền cấp Bộ, Trung ương xem xét, phê duyệt. Nhà đầu tư phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật: công nghệ phải được Bộ TN&MT thẩm định; Bộ Công thương cho phép bổ sung vào quy hoạch đấu nối điện; đảm bảo các thủ tục về cấp phép xây dựng…”.
Về xử lý tro xỉ, ông Hùng cho biết: “Công nghệ điện – rác phải có chứng nhận đảm bảo từ châu Âu. Tỉ lệ tro xỉ đáy còn lại sau đốt phải dưới 20% lượng rác đưa vào lò đốt và sử dụng để làm vật liệu xây dựng, san lấp nền hay các việc khác là trách nhiệm của nhà đầu tư, TP không có trách nhiệm, không thể tốn thêm đất để chôn lấp tro xỉ”.
Ông Lê Trung Chinh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: “Lãnh đạo TP rất sốt ruột, lo lắng vấn đề bãi rác Khánh Sơn, quan tâm thúc đẩy dự án, không để lặp lại tình trạng khủng hoảng, ùn ứ hàng nghìn tấn rác như vừa rồi”…
Nhà máy rác Khánh Sơn đã quá tải, ô nhiễm trầm trọng khiến người dân nhiều lần chặn xe vào nhà máy.