Ông được vinh danh là nghệ nhân đóng giày lâu năm nhất và là nhân chứng sống hiếm hoi của lịch sử Đà Lạt được nhiều người biết đến và kính trọng.
Bậc thầy đóng giày
Trong căn nhà chưa được 10 mét vuông, có tuổi gần 100 năm, cũng là tiệm giày Hồ Út nằm lọt thỏm tại số 115 đường Phan Đình Phùng, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, hình ảnh một cụ ông đang dùng cây kim xỏ chỉ rồi dùng búa đóng đinh tỉ mỉ tạo thành đôi giày khiến ai cũng kinh ngạc.
Hỏi mới biết, đó là ông Hồ Út người có thâm niên hơn 74 năm gắn bó với nghề đóng giày.
Nhắc đến thời thiếu niên, cụ Hồ Út bộc bạch:“Hồi ở ngoài Bắc, bố tôi là thợ vàng, từ nhỏ tôi đã phải theo học nghề gia truyền. Do ham chơi, lêu lỏng nên thường bị bố la mắng rồi tôi bỏ đi biệt xứ.
Năm 17 tuổi, một mình lang thang lên thành phố Đà Lạt. Ngày đó, Đà Lạt lạnh lắm!, người ít, nhà ít, chỉ toàn rừng thông với đồng rau và những đám quỳ hoang. Để có tiền trang trải cuộc sống tôi phải làm công cho người ta. Một tháng tôi kiếm được 30 đồng, chi tiền ăn 4 đồng/tháng, tiền nhà trọ mất vài đồng”.
Làm công nhân được một thời gian, ông Hồ Út nhận thấy cần có một cái nghề trong tay, không thể sống suốt đời bằng việc làm công nên tìm thầy dạy nghề đóng giày.
-Ông Hồ Út bên chiếc giày đóng hoàn thiện- Ảnh: Kim Đồng
Lập nghiệp ở Đà Lạt được vài năm, ông Hồ Út lập gia đình với một cô gái bán rau người Đà Lạt và có đến 8 người con. Năm 1941, ông thành lập tiệm đóng giày, nói là tiệm chứ thực chất là căn nhà ván nhỏ.
Ông Hồ Út chia sẻ: “Trước kia, trên đường toàn là nhà ván, hoang sơ lắm. Hồi đó tôi đóng giày mà vắng, lủi hủi chỉ có vài người hàng xóm đến mua. Nhưng nay, từ đầu đường đến cuối đường nhà cửa hầu như đều đã xây dựng lại, lên tầng, với các cửa hiệu, khách sạn, nhà hàng khang trang, hiện đại… nhiều người qua lại nên khách hàng tìm mua giày do tôi đóng cũng nhiều”.
Trên khu phố sầm uất, đông đúc dân cư, nhà nhà điều mái ngói khang trang, riêng gia đình ông Hồ Út vẫn ở trong căn nhà gỗ có tuổi trăm năm. Mặc dù được nhiều người biết đến, tìm mua nhưng do làm thủ công, lại chịu sự cạnh tranh từ sản xuất công nghiệp, cùng việc gia đình đông con nên dù nổi tiếng với nghề, ông vẫn sống khó khăn.
Được biết, căn nhà hiện gia đình ông đang sở hữu cũng là tiệm giày, trước kia là mướn của Nhà nước, sau được hóa giá mua với số tiền gần 75 triệu đồng.
Làm sang cho thiên hạ
Hàng ngày, trong tiệm giày lâu đời nhất của Đà Lạt, người thợ là ông Hồ Út cùng con trai và con rể. Khách hàng của tiệm thường là khách quen ở Đà Lạt, khách từ Sài Gòn đến Hà Nội, từ người trung niên đến thanh niên...
Ông không những giữ được nét truyền thống của loại giày tây từ xưa nay, mà còn tạo ra các kiểu cho phù hợp với thời hiện đại. Đặc biệt, với kỹ thuật từ đo, cắt đến dán, may, gò… đều làm thủ công rất cẩn thận, tỉ mỉ.
Vì thế, đôi giày của tiệm Hồ Út rất bền, đẹp, sang trọng được nhiều khách hàng từ khắp nơi tìm đến đặt mua.
Để đóng được một đôi giày, ông Hồ Út phải bỏ cả tuần lễ, tốn nhiều thời gian và công sức, song mỗi đôi giày chỉ bán với giá từ 300.000 - 800.000 đồng, tùy loại.
Tiệm đóng giày của ông Hồ Út - Ảnh:Kim Đồng
Ông Hồ Út chia sẻ: “giày của tôi làm tốt lắm, các anh xem, riêng da của nó phải mua cả trăm ngàn, đặc biệt đây là loại da duy nhất được mua từ một tiệm người quen ở Sài Gòn chứ ở Đà Lạt không có”.
Gần cả đời mình, ông Hồ Út gắn bó với nghề đóng giày, giữ ấn tượng với bao người và làm thoải mái biết bao đôi chân. Nhưng tuổi của ông, cái tuổi gần đất xa trời, ông Hồ Út không những là người được chứng kiến gần như trọn vẹn sự đổi thay của thành phố Đà Lạt hơn 100 tuổi trong quá trình phát triển, mà ông còn là nhân chứng sống hiếm hoi của lịch sử Đà Lạt.
Ông Hồ Út chụp hình với khách hàng của mình
Ở tuổi 96, lễ ra ông Hồ Út phải nghĩ ngơi, dưỡng già thế nhưng ông vẫn lặng lẽ với công việc “làm sang” cho thiên hạ quen thuộc của mình.
Đối với ông Hồ Út, dẫu rằng công việc chẳng mang lại thu nhập cao nhưng mỗi khi nhìn thấy khách hàng hài lòng với những đôi giày do chính tay ông và các con làm ra, đó là niềm vui và hạnh phúc.
Cụ Hồ Út là nhân chứng sống chứng kiến quá trình phát triển của Đà Lạt - Ảnh: Kim Đồng