(CAO) Từ 200 lò than ban đầu vào khoảng năm 1980, đến nay khu vực này đã tăng lên 625 lò và tất cả đều không được cấp phép.
Đó là xóm lò than ở ấp Phú Tân, Phú Tân A (thuộc xã Phú Tân, huyện Châu Thành, Hậu Giang). Được xây dựng sơ sài, không lắp đặt hệ thống xử lý khói bụi nhưng vẫn ngày đêm hoạt động. Qua đó, đã tác động không nhỏ đến đời sống, canh tác và môi trường ở nơi được xem là “thủ phủ” cam sành.
“Uy hiếp” vườn cây đặc sản
Vì chạy theo lợi nhuận mà nhiều hộ dân đã lén lút xây dựng lò than, bỏ qua lệnh cấm của chính quyền. Đến nay, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở khu vực này đều lâm vào cảnh điêu đứng vì sản lượng giảm, chi phí tăng, thậm chí là không canh tác được.
Mua đủ số lượng, ghe củi chạy về nạp cho các lò hầm than ở xã Phú Tân
Chán nản vì khói bụi lò than ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất, anh Nguyễn Hữu Nghị (ngụ ấp Phú Tân) có hơn 3ha đất trồng các loại như: bưởi, cam xoàn, cam sành ngao ngán: “Chẳng lẽ có đất bỏ hoang chứ trồng cây trái ở khu vực này thì như tiền cũ đổi tiền mới, bởi năng suất cây trồng giờ đây giảm từ 40 – 60% so với vài năm trước.
Nhiều tuyến đường ở xóm than bị chất gỗ tràn ra ngoài
Trước đây, mỗi lần đến đợt còn dám kêu thương lái đến thu mua còn giờ thì phải tự thu hoạch, rửa sạch rồi mới đem cân được. Không chỉ vậy giá bán cũng giảm đi vài ngàn đồng/kg. Chẳng hạn, cam xoàn xã khác bán được 30.000 đồng/kg thì vườn này chỉ cân được 21.000 đồng/kg”.
Từ trồng cây cho thu nhập tiền tỷ giờ chuyển sang canh tác cây kiếm bạc lẻ, anh Nguyễn Lê Cường có 15 công đất đang trồng chuối than thở: “Trước đây, toàn bộ khu vườn cũng trồng bưởi, cam cho thu nhập rất ổn định. Thế nhưng, vài năm gần đây cây trồng trong vườn bị đóng khói bụi than và cao khoảng 1m là hư sạch. Giờ trồng chuối nhưng phải bỏ công bao buồng, năng suất thấp, nhiều buồng thương lái không mua do bám khói bụi”.
Hàng trăm lò than ở xã Phú Tân ngày đêm nhả khói, bụi
Vì lợi nhuận cao nên lượng lò than xây dựng trái phép ngày một tăng
Ông Nguyễn Văn Trương, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Châu Thành cho biết: “Việc sản xuất than, khói bụi sẽ bay ra ngoài làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây ăn trái. Vùng cây ăn trái bị ảnh hưởng bởi lò than nặng nhất tập trung ở ấp Phú Tân, Phú Tân A với diện tích vài trăm héc ta. Dù địa phương có mời chuyên gia về nghiên cứu, thử nghiệm nhiều loại cây trồng nhưng đều không mang lại kết quả ở khu vực này”.
Khó trong việc xử lý
Việc hầm than giờ đây như một nghề dễ kiếm tiền nên ngày ngày công nhân hì hục ôm từng đoạn gỗ dài 0,5m để “nạp” cho những chiếc lò cao hàng mét. Số thì vác từng cần xé than đổ xuống bãi đất làm cho khói bụi bay tung tóe, người thì nhặt đem cân và sắp xuống ghe chở đi tiêu thụ, tất cả ai nấy đều bị bụi bám khắp cơ thể.
Làm việc nặng nhọc, khói bụi nên mỗi lao động có thu nhập từ 200.000 – 700.000 đồng/ngày
Trong đó, có người vẫn thoải mái làm việc trong dáng “mình trần chân đất” cùng với điếu thuốc ngậm trong miệng rồi phì phà như “ống khói” thu nhỏ của lò than.
Chia sẻ về lợi nhuận cũng như vì sao lò hầm than tại đây không lắp đặt hệ thống xử lý, ông Nguyễn Văn N., (61 tuổi) là chủ 7 lò hầm than ở ấp Phú Tân tiết lộ: “Mỗi lò than sẽ cho lợi nhuận từ từ 4 –10 triệu đồng, thậm chí 20 triệu đồng chỉ sau 1,5 tháng. Nếu lắp đặt hệ thống xử lý kiểu “kỹ sư nông dân” thì mỗi lò cũng tốn mất 10 triệu đồng, tính ra riêng phần tôi là 70 triệu đồng; trong khi đó có hay không lắp đặt đều không bị xử phạt. Vì lợi nhuận cao nên nhà nhà đua nhau xây lò”.
Thường than được chở đi thành phố tiêu thụ hoặc đưa đi xuất khẩu
Sống ở khu vực có lò hầm than, hàng ngày người dân phải đóng tất cả các cửa nhà để hạn chế khói bụi bụi bay vào, còn vườn cây ăn trái thì bị bám bụi đầy và mỗi khi gió lên là không khí bị bao trùm bởi một màu đen.
Nhiều nhà vườn khóc ròng vì cây ăn trái bị bụi bám đầy
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Trung, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Châu Thành cho biết: “Tổng số lò hầm than ở ấp Phú Tân, Phú Tân A có khoảng 625 và đều nằm trong diện không được cấp phép. Những hộ dân xây mới đều bị lập biên bản, tuy nhiên việc xử lý chỉ dừng lại ở mức vi phạm sử dụng đất sai mục đích”.