(CATP) Chất bảo quản trong thực phẩm chức năng (TPCN) có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người sử dụng, đặc biệt là với gan, thận, hệ thần kinh... Nhưng không phải ai cũng nhận biết được điều này, bởi người sử dụng đang vướng vào “ma trận” TPCN nên việc công khai, minh bạch các chất này là điều hết sức cần thiết.
“MÙ MỜ” CHẤT BẢO QUẢN
Chị Hà Dung - MC tiệc cưới khá đắt sô tại TPHCM - băn khoăn: “Tôi thường chọn một số loại TPCN để bồi bổ cơ thể, giúp đẹp da. Tuy nhiên, gần đây tôi mới té ngửa khi biết một trong các sản phẩm mình đang dùng có chất bảo quản ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Cảnh báo của cơ quan chuyên môn giúp tôi thận trọng hơn khi chọn sản phẩm, dù việc này không hề đơn giản”.
Trong khi đó, chị Ngọc Nga - kế toán trưởng một tập đoàn kinh doanh lớn - lại cho rằng có quá nhiều chất bảo quản dùng trong TPCN, trong khi một số chỉ ghi ký hiệu, khó thể xem được thành phần để nhận diện chúng sẽ ảnh hưởng sức khỏe tới mức nào, vì không phải ai cũng am hiểu về các chất này cũng như tác hại của chúng.
Theo các chuyên gia, muốn bảo quản một loại TPCN cần có nhiều yếu tố như: nguyên liệu đầu vào, công nghệ chế biến, chất bảo quản, bao bì sản phẩm...Trong đó, sử dụng chất bảo quản là cách dễ dàng và đơn giản nhất, thường là các chất hóa học có khả năng ức chế, tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc... Kèm theo đó, chất này cũng giúp sản phẩm ít bị tác động của môi trường, thời tiết gây oxy hóa, biến đổi màu sắc, mùi vị, giữ sản phẩm nguyên vẹn trong khoảng thời gian nhất định. Các chất này phải nằm trong danh mục cho phép, hàm lượng an toàn theo quy định.
Hàng tấn thực phẩm chức năng giả bị phát hiện trong thời gian qua
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải đơn vị sản xuất nào cũng chấp hành nghiêm yêu cầu trên. Thậm chí, vì yếu tố lợi nhuận, một số nơi đã sử dụng chất bảo quản, hoặc chất cấm, hàm lượng vượt ngưỡng một cách bừa bãi... gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dùng, thường gây tác hại với gan, thận, dạ dày, hệ thần kinh.
Như acid benzoic khi vào cơ thể tác dụng với glycocol chuyển thành acid hippuric không thải độc ra ngoài, ảnh hưởng đến gan, thận; hoặc hydro peroxyt có tính sát khuẩn được dùng có điều kiện. Ngoài việc độc hại, che giấu sự biến chất của thực phẩm, các chất trên còn có tác dụng oxy hóa mạnh, phá hủy nhiều chất dinh dưỡng trong thực phẩm như vitamin C, E, oxy hóa các acid béo chưa no tạo ra peroxyt độc hại...
THỰC PHẨM CHỨC NĂNG PHẢI TUYỆT ĐỐI AN TOÀN
Theo các chuyên gia, TPCN thường có hai dạng khô và nước. Sản phẩm khô (miếng, viên nang, bột) có thể bảo quản lâu hơn và bị hỏng chủ yếu do oxy hóa. Vì thế, dù bảo là không chất bảo quản nhưng vẫn có thành phần chống oxy hóa trong đó, nếu không sản phẩm chỉ để được chừng 15 ngày hoặc 1 tháng. Trường hợp thực phẩm khô sản xuất đúng quy trình, tiêu chuẩn bao bì đạt chuẩn, đóng gói trong môi trường sạch mới có thể bảo quản được vài tháng.
Với TPCN dạng nước, thường có hạn sử dụng ngắn hơn nên dễ hỏng. Nếu sản phẩm không có chất bảo quản, dùng được 6 - 9 tháng, thì cơ bản chất lượng nguyên liệu đầu vào phải tốt, quá trình sản xuất khi nguyên liệu nấu sôi kỹ, phải đóng gói khi sản phẩm đủ độ nóng giúp thanh trùng sản phẩm bằng hơi nóng. Nếu đóng gói khi nguyên liệu đã nguội, thực phẩm sẽ nhanh hỏng, chua.
“Thực phẩm chức năng có sử dụng chất bảo quản hay không khó thể nhận biết bằng cảm tính. Vì thế, ngoài việc đọc hạn sử dụng, chất bảo quản, người dùng nên quan sát kỹ bao bì. Bao bì, nắp hộp gắn miệng thủ công không đảm bảo, hạn sử dụng dài... thì thường lượng chất bảo quản phải nhiều để kéo dài thời gian lưu trữ cho sản phẩm”, một chuyên gia công nghệ sinh học thực phẩm cho biết.
Theo đó, tốt nhất khi mua các sản phẩm chức năng nên chọn loại không sử dụng chất bảo quản hoặc có hạn sử dụng ngắn, đây cũng là xu hướng của thế giới. Nên chọn loại có thông tin về thời gian sản xuất và hết hạn được in chìm một cách trực tiếp vào nhãn gốc hoặc bao bì tại thời điểm sản xuất bằng loại mực “chết” (không thể tẩy xóa).
Người dùng cần mua sản phẩm của hãng có uy tín, trên bao bì ngoài địa chỉ xuất xứ phải có mã vạch đúng, điều này thể hiện trách nhiệm, uy tín của đơn vị sản xuất đối với sản phẩm và người tiêu dùng.
Các chuyên gia cho rằng không phải nhà sản xuất nào cũng có cái tâm để làm ra những sản phẩm bảo đảm an toàn và chất lượng. Đến nay vẫn chưa hề có tiêu chuẩn về điều kiện sản xuất TPCN. Sản phẩm này muốn lưu hành chỉ cần dựa vào công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đánh giá về hiệu quả. Việc cấp phép chủ yếu căn cứ trên hồ sơ nên khó đánh giá về chất lượng, nguyên liệu, hàm lượng hoạt chất, độ tinh khiết... |