(CATP) Năm 2021, xã Cư Knia, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông triển khai dự án xây dựng “Cổng chào xã Cư Knia” với tổng kinh phí khoảng 1,4 tỷ đồng. Trước đó, xã này cũng xây dựng hai cổng chào khác, chi phí khoảng 700 triệu đồng. Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng nhiều cổng chào này liệu có lãng phí trong khi tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của xã vẫn ở mức khá cao?
Theo đó, công trình “Cổng chào xã Cư Knia” được đặt tại thôn 1 của xã. Một người dân sinh sống gần đó đã từng nhìn thấy bản thiết kế cho biết, công trình có chiều cao khoảng 12 mét, điểm nhấn là khối kết cấu hình chữ nhật ở giữa (đổ bê tông 3 tầng), kích thước khoảng 2,5x2,5x12m, phía trên dự kiến sẽ đặt một đồng hồ to. Hai bên là hai đế móng lớn, ba khối xây dựng này sẽ được kết nối bằng các mái vòm cong, trang trí họa tiết hoa văn và bảng led điện tử. Theo ghi nhận của PV, thời điểm hiện tại công trình này chỉ mới hoàn thành phần xây dựng thô.
Phối cảnh công trình cổng chào xã Cư Knia
Trước đó UBND Cư Knia cũng đã tiến hành xây dựng hai cổng chào trang trí hoa gần khu hành chính xã, kinh phí khoảng 700 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Lê Xuân Cường – Chủ tịch UBND xã cho biết, công trình cổng chào mới được xây dựng từ các nguồn vốn: thưởng của UBND tỉnh do đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới 500 triệu đồng, UBND huyện hỗ trợ 400 triệu đồng, huy động nguồn vốn xã hội hóa (doanh nghiệp, và nhân dân địa phương) 500 triệu đồng, nếu thiếu, xã sẽ đối ứng thêm.
Tất cả các bước, từ xin chủ trương đến thục tục phê duyệt, quy trình xây dựng đều được thực hiện đúng theo quy định, khởi công tháng 10-2021, dự kiến tháng 2-2022 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, do khởi công trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, chủ đơn vị thi công bị nhiễm bệnh, công nhân phải thực hiện cách ly; phần do tiền thưởng của UBND tỉnh đến tháng 6-2022 mới chuyển về nên dẫn đến chậm tiến độ.
Cổng chào xã Cư Knia đã xây dựng xong phần thô - Ảnh: Ngọc Huy
Giải thích lý do sử dụng tiền thưởng để xây dựng cổng chào, ông Cường cho biết thêm, ban đầu xã tính sử dụng nguồn tiền này để xây dựng hoa viên, tuy nhiên do khâu giải phóng mặt bằng chi phí quá cao không thể thực hiện được. Sau khi họp Ban Thường vụ xã, xin ý kiến các cấp, lấy ý kiến người dân thì xã quyết định xây dựng cổng chào để làm điểm nhấn, nhằm phát triển du lịch. Do xã có đặc thù là người dân tộc thiểu số sinh sống đông. Đa phần là di cư từ phía Bắc vào, mang theo nhiều bản sắc văn hóa cộng với việc xã có điều kiện tự nhiên có thể phát triển mạnh về du lịch. Hiện hàng tuần, bà con có phiên chợ của người Mông thu hút nhiều người tham quan, ngoài ra xã cũng đang thành lập các câu lạc bộ đàn Tính, hát Then,… của nhiều đồng bào dân tộc khác,…
Một phần “chân móng” của công trình - Ảnh: Ngọc Huy
Theo báo của UBND xã Cư Knia, toàn xã có gần 9 ngàn nhân khẩu, 1959 hộ, 43% là người dân tộc thiểu số. Tốc độ phát triển kinh tế trên 12%, thu nhập bình quân 42,5 triệu đồng/người/năm; thu ngân sách địa phương đạt gần 12 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 là 11,6%, năm 2022 là 9,53%; hộ cận nghèo 13,41%.
Ông Nguyễn Anh Tú – Chủ tịch UBND huyện Cư Jút cho biết, xã xây dựng cổng chào này để làm điểm nhấn, thu hút du lịch vì Cư Knia có điều kiện rất tốt do có hồ đẹp, các chợ phiên,…Công trình đã lấy ý kiến của người dân, huy động nguồn lực, không phải 100% vốn nhà nước…
Dư luận cho rằng, một xã còn khó khăn chỉ trong vài năm đã xây dựng 3 cổng chào làm điểm nhấn thì có quá lãng phí, thay vì đầu tư trực tiếp vào các hạng mục công cộng phục vụ du lịch, đời sống dân sinh? Rất mong cơ quan chức năng xem xét việc xây dựng cổng chào có hợp lý, tránh tình trạng các xã “đua nhau” xây dựng dẫn đến “bội thực” cổng chào.