TPHCM: Đàm phán chấm dứt thuê "siêu máy bơm" chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh

Thứ Tư, 11/05/2022 11:57

|

(CATP) Đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh khoảng 3km, chạy qua địa bàn quận Bình Thạnh và quận 1, TPHCM. Đặc điểm đoạn đường ở quận Bình Thạnh trước đây ngập nước nghiêm trọng, ngay cả mặt đường và khu dân cư. Vì vậy, thành phố hợp đồng thuê "siêu máy bơm" của một đơn vị từ năm 2017 - 2023 (7 năm) với giá 14,2 tỉ đồng/năm để chống ngập. 

Nhưng từ năm ngoái (2021) đến nay, đường đã nâng cấp, hết ngập... nên Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị đàm phán chấm dứt thuê máy bơm, với tiêu chí "không lãng phí Ngân sách Nhà nước". Phía đơn vị cho thuê máy bơm cũng đã có văn bản phản hồi về vấn đề này...

Đường đã sửa, cổng bơm cũng đã bít lại

Ngày 9-5-2022, Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi đã ký Văn bản (đóng dấu khẩn) số 1500/UBND-DA về việc Hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh áp dụng công nghệ chống ngập kiểu mới. Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo "Ngưng thực hiện thuê dịch vụ chống ngập áp dụng công nghệ kiểu mới tại đường Nguyễn Hữu Cảnh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung kể từ ngày 1-4-2022".

Cũng theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM, giao cho Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật khẩn trương đàm phán với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung (Công ty Quang Trung) để chấm dứt hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập áp dụng công nghệ kiểu mới tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, thời gian hoàn thành trong tháng 5-2022. Giao Sở Xây dựng TPHCM có trách nhiệm chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc quá trình thực hiện.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện đã được sửa chữa, nâng cấp với tổng kinh phí hơn 470 tỷ đồng. Kể từ năm ngoái đến nay, tình trạng mặt đường này không còn ngập nước nữa. Ngày 20-1-2022, Ban Giao thông báo cáo với Sở Xây dựng TPHCM đã thi công hoàn thành Hệ thống thoát nước và bít cống hiện hữu, ngắt kết nối tuyến cống thoát nước hiện hữu với trạm bơm, thường gọi là "siêu máy bơm" của Công ty Quang Trung (hoàn tất bít cống với siêu máy bơm vào cuối tháng 3-2022).

Qua theo dõi và quan sát cho thấy, từ khi thông xe ngày 28-4-2022 đến nay và đã trải qua mùa mưa năm ngoái (2021), Ban Giao thông nhận thấy tuyến đường không còn ngập nước. Cũng qua thực tế cho thấy, sau khi toàn bộ công trình nâng cấp tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, bao gồm Hệ thống thoát nước mới và việc bít, ngắt kết nối với tuyến cống hiện hữu cũng như ngắt kết nối với trạm bơm "siêu máy bơm" của Công ty Quang Trung đã được thi công hoàn thành.

Do vậy, theo đúng như hồ sơ thiết kế về Hệ thống thoát nước, là nước đã tự chảy thoát đi theo đúng thiết kế được phê duyệt. Như vậy, toàn bộ Hệ thống thoát nước ra phía kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, không thông qua hệ thống trạm bơm của Công ty Quang Trung nữa, theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM.

Đường Nguyễn Hữu Cảnh sau khi sửa chữa, nâng cấp

Từ đánh giá của các cơ quan chức năng...

Sau khi nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh và hoàn thành Hệ thống thoát nước, chống ngập mới nơi đây, xuất phát từ cách đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan, mang tính khoa học và nhiều phía cho thấy vì sao UBND TPHCM cần quyết sách đàm phán để chấm dứt hợp đồng trước thời hạn với "siêu máy bơm" của Công ty Quang Trung?

Theo "Đánh giá của Trung tâm Tư vấn phát triển" (Văn bản của Dự án sửa chữa ngày 28-11-2021): Từ tháng 5 đến tháng 10-2021, vũ lượng mưa lớn nhất trong tháng đạt từ 38,8mm đến 77,1mm, nhưng mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh không bị ngập mặc dù không phải sử dụng bơm dầu công suất 27.000 - 96.000 mét khối/giờ (siêu bơm của Công ty Quang Trung - PV) để chống ngập, mà chỉ sử dụng 2 máy bơm điện công suất 2.000 - 5.000 mét khối/giờ.

So với cùng kỳ năm 2020, khi dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh chưa hoàn thành, tại khu vực này có xảy ra các trận mưa với vũ lượng từ 50mm đến 80mm và để chống ngập tại đây, Công ty Quang Trung phải dùng bơm dầu công suốt 27.000 - 96.000 mét khối/giờ trong thời gian từ 10 phút đến 130 phút.

Nhận xét từ Trung tâm Tư vấn phát triển cho thấy về hiệu quả chống ngập của Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, với những trận mưa có vũ lượng dưới 80mm thì hiệu quả chống ngập mặt đường Nguyễn Hữu Cảnh là rõ ràng, mặt đường không bị ngập. Tuy nhiên vẫn phải dùng bơm điện để chống ngập cho các khu dân cư xung quanh có độ cao thấp.

Còn đối với đánh giá của UBND quận Bình Thạnh (TPHCM), thì Phòng Quản lý Đô thị quận Bình Thạnh phối hợp với đại diện Trung tâm Hạ tầng Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị , Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực quận Bình Thạnh, UBND phường 22, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích quận Bình Thạnh cùng nhau kiểm tra hệ thống thoát nước tiếp giáp đường, hẻm khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh, đường Điện Biên Phủ thuộc địa bàn phường 22, quận Bình Thạnh để làm cơ sở đánh giá thực tế.

Qua đó, nhận thấy các tuyến hẻm tiếp giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh thuộc phạm vi chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh từ ngày 30-4-2021 đến hết năm 2021 chưa ghi nhận tình trạng ngập nước sau mưa. Đồng thời theo đánh giá của Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cũng cho thấy, mặc dù trải qua mùa mưa năm 2021, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh không xảy ra tình trạng ngập nước.

Đánh giá của Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị TPHCM cũng cho thấy: Qua công tác kiểm soát ngập năm 2021, công ty ghi nhận tại trạm đo mưa Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh có nhiều trận mưa, trong đó có trận mưa lớn nhất có tổng vũ lượng 90,6mm diễn ra ngày 25-5-2021, kèm theo đỉnh triều cường cao nhất năm là + 1,66m tại trạm đo Phú An ngày 6-11-2021. Trong các đợt mưa lớn cũng như triều cường cao xuất hiện, tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh không ghi nhận tình trạng ngập nước.

Không lãng phí ngân sách Nhà nước

Cần nhìn nhận thực tế cũng như các khảo sát thực tế của các cơ quan chức năng và các nhà khoa học, kèm theo những đánh giá, nhận xét một cách khách quan, hiện thực để đi đến kết luận mà theo Sở Xây dựng TPHCM, đó là Hệ thống thoát nước nằm trong Dự án sửa chữa nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh đã được hoàn thành vào ngày 31-3-2022. Đến nay không xảy ra hiện tượng ngập nước khi trời mưa cũng như lúc triều cường lên cao.

"Siêu máy bơm" của Công ty Quang Trung hiện vẫn tại vị nơi chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh và khu dân cư

Cũng từ việc đánh giá hiệu quả hoạt động và sự không cần thiết sử dụng hệ thống máy bơm chống ngập khi đường Nguyễn Hữu Cảnh hoàn thành như hiện nay, thì Hợp đồng chống ngập với Công ty Quang Trung vẫn còn thời hạn đến hết năm 2023?

Theo tìm hiểu của Báo Công an TPHCM, hợp đồng ký kết do Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước Thành phố (nay là Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM) ký với Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, khai thác từ tháng 4-2018 (Hợp đồng kinh tế số 44/HĐKT ngày 19-4-2018 và Phụ lục hợp đồng số 251/PLHĐ-TTHT ngày 12-8-2019) với nguồn vốn thanh toán sử dụng nguồn kinh phí từ nguồn vốn duy tu hệ thống thoát nước hàng năm (trên cơ sở đề xuất của Sở Tài chính TPHCM, tại Văn bản số 7419/STC-ĐTSC ngày 2-11-2018). Hợp đồng này có thời gian thuê dịch vụ là 7 năm (từ năm 2017 đến hết ngày 31-12-2023).

Theo quy định tại Điều 14.3 về phạm vi hợp đồng quy định "Trong mọi trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng, thì bên vi phạm ngoài việc phải bồi thường thiệt hại còn bị phạt 8% giá trị hợp đồng". Do đó, trong trường hợp chấm dứt hợp đồng tại thời điểm hiện nay do Hệ thống thoát nước của Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành thì sẽ bị phạt 8% giá trị hợp đồng và bồi thường thiệt hại cho Công ty Quang Trung.

Cũng theo nhận định, đánh giá của Sở Xây dựng cho thấy, nếu không thống nhất được với Công ty Quang Trung sẽ dẫn đến tình rạng khiếu kiện hợp đồng. Từ đó, Sở Xây dựng kiến nghị UBND TPHCM xem xét giao cho Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (là chủ thể ký hợp đồng) chủ trì đàm phán chấm dứt hợp đồng với Công ty Quang Trung.

Cũng cần nói thêm trong sự việc này, đó là từ ngày 28-6-2021, UBND TPHCM đã có Thông báo số 567/TB-VP về giải pháp chống ngập Hệ thống thoát nước song song, trong đó "Dự án sửa chữa, nâng cấp đường Nguyễn Hữu Cảnh đã hoàn thành thi công nghiệm thu và khánh thành đưa vào sử dụng từ ngày 30-4-2021. Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đánh giá tình trạng ngập, hiệu quả hoạt động và sự cần thiết sử dụng hệ thống máy bơm chống ngập sau khi đường Nguyễn Hữu Cảnh đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, tham mưu, đề xuất UBND TPHCM trước ngày 20-7-2021, đảm bảo không lãng phí ngân sách Nhà nước".

Rồi đến năm 2022, Chủ tịch UBND TPHCM - Phan Văn Mãi có chỉ đạo tại Văn bản số 2554/VP-DA ngày 14-4-2022 về đánh giá hiệu quả Hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh và đề xuất phương án xử lý máy bơm chống ngập của Công ty Quang Trung... có chính kiến cụ thể đề xuất UBND TPHCM về phương án xử lý máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, đảm bảo không lãng phí ngân sách Nhà nước, hoàn thành trong tháng 4 năm 2022, không được chậm trễ.

Chủ đầu tư "siêu máy bơm" nói gì?

Chiều 10-5-2022, Báo Công an TPHCM liên hệ với Công ty Quang Trung và ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Quang Trung thì được biết, hiện vẫn chưa có cuộc đàm phán nào tổ chức diễn ra. Ông Cường cũng vừa gửi văn bản đến lãnh đạo Thành ủy và UBND TPHCM cùng các sở, ban ngành liên quan.

Theo đó, năm 2013 với tình cảm mến yêu TPHCM, trong một hoàn cảnh bị kẹt xe do bị ngập nước trên taxi tại khu vực quận 5 nên bản thân ông Cường đã tự bỏ công sức và tiền của ra để nghiên cứu giải pháp công nghệ chống ngập cho thành phố đến tháng 2-2016. Sau 4 năm từ khâu nghiên cứu, thiết kế và chế tạo ra sản phẩm thật, đã thử nghiệm thành công tại xưởng sản xuất ở Quảng Ninh. Tất cả các chế độ thử nghiệm về kỹ thuật ở mọi trạng thái đều đạt yêu cầu ngoài mong đợi và tự nhận thấy, đây là một giải pháp rất tốt để có thể đóng góp một phần nhỏ bé cho nhiệm vụ chống ngập tại TPHCM.

Ngày 4-8-2016, Công ty Quang Trung có văn bản số 194/CV-QT gửi Thành ủy, UBND TPHCM báo cáo, đề xuất xin được thực hiện cho một điểm bị ngập nặng nhất tại thành phố, với tiêu chí "không hết ngập sẽ không thanh toán tiền". Và sau đó, được thực hiện thí điểm tại điểm ngập ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh.

Tháng 9-2017, hệ thống bơm đã lắp đặt xong và đi vào vận hành chống ngập đến 31-12-2017. Có 14 trận mưa lớn diễn ra trong thời gian này. Hiệu quả chống ngập đã được UBND và Mặt trận Tổ quốc, cộng đồng dân cư quận Bình Thạnh, Liên hiệp các hội khoa học TPHCM và Trung tâm Chống ngập thành phố đánh giá và nhận xét, hiệu quả của hệ thống bơm thông minh đã phát huy tác dụng Chống ngập tốt trên khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh. Khu vực này đã được cải thiện không bị ngập, giao thông đi lại thuận tiện, người dân tại khu vực này rất phấn khởi vì không ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh như trước nữa.

Liên hiệp Hội khoa học Kỹ thuật TPHCM kết hợp với Trung tâm chống ngập thành phố đã xây dựng phương pháp so sánh kinh tế, kỹ thuật giữa công nghệ sử dụng Hệ thống bơm thông minh với phương pháp truyền thống mà Trung tâm chống ngập thành phố đã và đang thực hiện, qua nhận xét và đánh giá, các bên đã khẳng định sử dụng công nghệ bơm thông minh kiểu mới không chỉ đảm bảo về kỹ thuật chống ngập mà còn tiết kiệm trên 68.4% kinh phí cho thành phố (có văn bản đánh giá của 3 bên)... UBND TPHCM cũng đã có văn bản số 66/BC-UBND ngày 18-4-2018 nêu "TPHCM sẽ chỉ đạo nghiên cứu mô hình công nghệ này để triển khai nhân rộng trên địa bàn".

Theo cam kết trong hợp đồng, nếu chất lượng dịch vụ chống ngập không đạt các tiêu chí được quy định trong hợp đồng thì sẽ không được thanh toán tiền. Cho tới nay, trạm bơm luôn hoàn thành xuất sắc dịch vụ chống ngập, chưa bị thành phố phạt không thanh toán tháng dịch vụ chống ngập nào. Tuy nhiên, ngày 31-3-2022 Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật có công văn số 934/TTHT-HTTN về việc tạm ngưng thực hiện đặt hàng cung cấp dịch vụ chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh theo hợp đồng số 44/HĐKT-TTCN.

Sau khi xem xét hợp đồng và thực tế việc so sánh hiệu quả chống ngập giữa nâng đường và chống ngập bằng hệ thống bơm, Công ty Quang Trung có ý kiến như sau: Để xác định hiệu quả chính xác, TPHCM nên mời một số cơ quan chuyên môn độc lập để đánh giá cho 75ha khu vực bị ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, trong đó có khu dân cư (còn riêng đoạn đường Nguyễn Hữu Cảnh chỉ có diện tích 3ha). Nếu nâng cao cos đường lên 2m, vũ lượng mưa 70mm thì đoạn đường này sẽ cơ bản không bị ngập.

Tuy nhiên, khu dân cư xung quanh còn có tới trên 70ha với cốt nền tương đối thấp, nhiều chỗ chỉ có cos nền 1.2m. Vì thế, nước từ chỗ cao chảy xuống chỗ thấp (khu dân cư) là quy luật vật lý. Cần phải có trận mưa lớn khoảng 80mm trở lên, mưa liên tục khoảng 3 giờ thì sẽ đánh giá chính xác của khu vực này.

Cũng từ phản hồi Công ty Quang Trung, việc đơn phương dừng hợp đồng theo văn bản số 934/TTHT-HTTN của Trung tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật gửi Công ty Quang Trung; Công ty Quang Trung cho rằng, hiện nay trên địa bàn thành phố còn rất nhiều điểm ngập. Thành phố xem xét di chuyển hệ thống bơm này sang một điểm ngập khác thì rất hiệu quả, chỉ phát sinh thêm phần di chuyển và lắp đặt... Trường hợp phải bắt buộc dừng hợp đồng là trường hợp không bao giờ doanh nghiệp mong muốn. Nếu trường hợp này xảy ra thì thiệt hại của doanh nghiệp sẽ là 87 tỷ đồng dựa trên các chi phí thực tế mà doanh nghiệp đã và đang thực hiện.

Doanh nghiệp mong muốn được mang những kết quả khoa học đã thành công trong việc chống ngập cũng như những tâm huyết trong hơn 10 năm qua để đóng góp một phần nhỏ bé của mình cùng với thành phố giải quyết hết các điểm ngập của TPHCM theo phương thức dịch vụ "không hết ngập không thanh toán tiền".

Bình luận (0)

Lên đầu trang