(CATP) Những ngày vừa qua, nhiều gia đình ở TPHCM đã quay trở về sau kỳ nghỉ lễ muộn tại các tỉnh miền Trung vì sợ chen chúc đông đúc trong 4 ngày nghỉ lễ dịp 30-4 và 1-5. Cứ tưởng sân bay (SB) ít người, đi lại thoải mái, nhưng sự thật thì ngược lại!
Một chuyến bay delay… hai lần!
Tối 7-5, SB Phù Cát (Bình Định) chật kín du khách trải qua kỳ nghỉ lễ muộn quay trở lại TPHCM. Chuyến bay mang số hiệu VN6231 của Vietnam Airlines (VNE) có giờ cất cánh lúc 19 giờ 40 đột ngột cáo lỗi khi dời sang 20 giờ 10 tại cửa ra số 5. Hành khách (HK) tay xách nách mang, vật vã ngồi đợi lần thứ nhất. Gần đến giờ ra máy bay, phía SB lại phát loa thông báo trễ chuyến tới 20 giờ 35. "Thượng đế” tiếp tục cau có vì trễ chuyến lần 2 và nóng lòng ngồi đợi để được trở về nhà. 20 giờ cùng ngày, SB này phát loa thông báo dời cửa ra máy bay từ số 5 sang số 1. Ai nấy tất tả trong lo lắng, mệt nhọc, vất vả nhất là các nữ HK có con nhỏ.
Ngoài VNE, hai hãng còn lại khai thác tuyến Bình Định - TPHCM là Bamboo Airways và Vietjet (VJ) cũng liên tục thông báo delay. Hành khách nhốn nháo cả lên; khát khô cổ họng, nhiều người tranh thủ đến 2 quầy nước miễn phí của SB để tìm nước uống nhưng ly đã hết, quầy có ly thì toàn đồ đã... sử dụng rồi! Hành khách chỉ còn biết móc ví mua nước suối giá cao tại các quầy bên cạnh. Giữa lúc Bình Định đang kêu gọi phát triển du lịch, thu hút du khách thập phương thì hình ảnh tại SB Phù Cát vẫn chưa đẹp khi để xảy ra những sự cố này.
Hành khách đông đúc tại sân bay Tân Sơn Nhất
Chuyện trễ chuyến gây rất nhiều bức xúc cho HK đi máy bay. Về pháp lý, theo Thông tư 27/2017 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), hãng bay phải có nghĩa vụ thông báo cho HK khi chuyến bay bị chậm từ 15 phút trở lên đồng thời phục vụ ăn uống cho khách trong thời gian chờ đợi tùy theo thời gian chậm, hủy chuyến. Cụ thể, nếu chậm từ 2 tiếng phải phục vụ nước uống, chậm từ 3 tiếng trở lên phải phục vụ ăn... Bên cạnh đó, Thông tư 14/2015 của Bộ GTVT cũng quy định HK có chuyến bay bị chậm kéo dài muộn hơn 4 tiếng so với thời gian dự kiến cất cánh ghi trong lịch bay hoặc bị hủy sẽ được hãng hàng không (HHK) bồi thường ứng trước không hoàn lại.
Quy định là vậy song các hãng bay thường xuyên trễ chuyến dưới 2-3 tiếng đồng hồ, nghĩa là "thoát" việc phục vụ ăn uống. Còn quy định bồi thường tiền cho HK nếu hãng trễ bay 4 tiếng thì khó mà thực hiện được (!). Thế nhưng ai cũng thừa hiểu việc trễ chuyến 2 - 3 lần, với thời gian dưới 2 tiếng đồng hồ, đã xâm phạm vào quyền và lợi ích hợp pháp của HK.
Chúng tôi cho rằng, lãnh đạo Bộ GTVT cần chỉ đạo ban soạn thảo thay đổi chế tài trong 2 thông tư trên theo hướng thu gọn thời gian từ trễ chuyến 2 tiếng đồng hồ xuống còn 30 phút (phục vụ nước uống miễn phí), trễ chuyến từ 4 tiếng đồng hồ xuống còn 1 tiếng (bồi thường tiền) với mỗi chuyến bay để tăng trách nhiệm của hãng bay. Bởi lẽ, với quy định như hiện nay thì HK là người chịu thiệt thòi nhất vì phải vật vã đợi chờ, không thể thực hiện công việc tại nơi đến. Bên cạnh đó, theo dư luận đồn đoán, với tình trạng trên, hãng bay có thể cộng gộp 2 chuyến bay nếu ít khách để đỡ chi phí.
"Chỗ này có ai ngồi chưa em?"
Sáng 9-5, sảnh tầng trệt của SB Tân Sơn Nhất rất đông HK đi lại. Nhiều người liên tục dò hỏi "chỗ này có ai ngồi chưa em?", mong tìm được một ghế trống, nhưng nhận lại chỉ là những cái lắc đầu vô cảm nên đành ngồi bệt luôn dưới sàn. Trong khi đó, một số bạn trẻ lại vô tư chiếm dụng chỗ ngồi bằng cách xách valy, balô hành lý mang theo đặt lên những chiếc ghế bên cạnh. Lối hành xử thiếu ý thức này rất cần được chấn chỉnh, bởi hành động kéo valy, balô đặt dưới đất, nhường chỗ cho HK, nhất là người già, phụ nữ có con nhỏ, người khuyết tật... rất cần được nhân rộng. Đó là lối sống văn hóa vì cộng đồng mà nhiều bạn trẻ đang dần "lãng quên" (!).
Vật vã tại sân bay Tân Sơn Nhất
Trở lại với câu chuyện HK mệt mỏi vì bị delay liên tục tại SB Phù Cát, khi họ đáp xuống SB Tân Sơn Nhất (TPHCM) tình hình cũng chẳng khá hơn. Vì dày đặc chuyến bay nên HK gửi hành lý phải tiếp tục mệt mỏi đợi lấy đồ ký gửi tại các băng chuyền, do thao tác của nhân viên mặt đất còn chậm và ít người so với nhu cầu.
Lỉnh kỉnh mang vác hành lý ra khỏi nhà ga, mọi người mong chờ đón xe Grab để về nhà khi đã 12 giờ đêm. Thế nhưng, khác với dự định, hệ thống xe ôm công nghệ này dù vẫn hiển thị dày đặc trên màn hình điện thoại nhưng đều cố tình không chạy quãng đường ngắn. Anh Nguyễn Thành Dũng (45 tuổi, nhà ở Q. Phú Nhuận) bức xúc: "Từ SB về nhà tôi chỉ mất dưới 30 nghìn đồng, vì đã khuya nên tôi chấp nhận gửi thêm cho tài xế (TX) Grab gấp 2-3 lần để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, tôi vác valy từ SB ra trước trụ sở Tập đoàn Hà Đô, đường Trường Sơn (P2Q.Tân Bình) cho dễ đặt xe và dù TX Grab rất đông nhưng đều cố tình không ấn nút nhận khách".
Trong khi đó, nhiều nữ HK dắt con nhỏ sau khi rời "chuyến bay khổ sở" cố gắng đặt Grabbike hay Grabtaxi để về nhà cho an toàn nhưng đều không thành, vì TX Grab chê hành trình ngắn, không chịu chạy. Họ chỉ còn cách bắt taxi, xe ôm với giá cao gấp nhiều lần để có thể về nhà nghỉ ngơi.
Công ty TNHH Grab Việt Nam (trụ sở tại TPHCM) đang khai thác dịch vụ xe ôm công nghệ Grab hiện cũng bất lực trong việc quản lý, chế tài đối với TX Grab khi họ thích thì chạy, không thích thì thôi, nhất là trong các dịp cao điểm như vừa qua; hoặc TX Grab chỉ chạy hành trình dài mà "xù” quãng đường ngắn. Bên cạnh đó, tại SB Tân Sơn Nhất có rất nhiều TX xe ôm giả danh Grab khi họ có thể thoải mái mua lại các bộ đồng phục này để chèo kéo khách với giá "cắt cổ". Điều đáng lo là ai sẽ đảm bảo an toàn cho nữ HK trong đêm vắng nếu gặp tội phạm giả danh TX Grab?