Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo cho người dân, du khách vui chơi, đi lại trên đường thủy thông suốt, an toàn trong mùa du lịch hè 2022, Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TPHCM đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông thủy.
An toàn cho trẻ em mùa hè, mưa bão sắp đến
Như Báo Công an TPHCM đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính gửi Công điện đến các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu rõ: Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em, với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, gia đình và cộng đồng trong việc phòng, chống đuối nước nên số trẻ em tử vong do đuối nước đã giảm qua từng năm.
Tuy nhiên, thời gian gần đây các vụ đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em vẫn thường xuyên xảy ra ở mức cao tại một số địa phương. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác này và bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là trong mùa hè, mùa mưa, bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em, trong đó tập trung vào các nội dung như sau:
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 và Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 26-5-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em; các chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về trẻ em.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em về công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em tại các địa phương, nhất là các địa phương thường xuyên xảy ra đuối nước trẻ em.
Thường xuyên rà soát, đề xuất kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em các cơ chế, chính sách, biện pháp hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè. Đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.
Luôn mặc áo phao khi trên tàu - thuyền
Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để các em biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là tại các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước bảo đảm an toàn cho bản thân. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè để bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.
Hướng dẫn các địa phương về việc tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và các điều kiện cần thiết liên quan và việc hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi, các dịch vụ liên quan cho học sinh, trẻ em. Bộ Y tế có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong việc thực hiện sơ cứu, cấp cứu, điều trị, vận chuyển cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm vận động, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc trông giữ, giám sát, nhắc nhở trẻ em về nguy cơ và kỹ năng phòng, chống đuối nước, chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Triển khai, hướng dẫn việc xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi tại các thiết chế thể dục, thể thao và khuyến khích các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước.
Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Đoàn các cấp thực hiện việc phối hợp với cơ sở giáo dục và chính quyền địa phương tiếp nhận, quản lý, tổ chức hoạt động hè tại địa bàn dân cư, trong đó chú trọng các hoạt động rèn luyện kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho thiếu niên, nhi đồng...
Người lớn ý thức về nguy cơ...
Về vấn đề “rất nóng” hiện nay và mùa hè sắp đến, riêng tại TPHCM, nguy cơ đuối nước rất cần người lớn ý thức và cảnh báo đối với trẻ em.
Cảnh sát đường thủy phát tờ rơi, tuyên truyền an toàn tại bến đò
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an TPHCM đưa ra hàng loạt kỹ năng, như “Kỹ năng cứu người đuối nước”. Theo đó, hàng năm có không ít những câu chuyện thương tâm về tai nạn đuối nước xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhiều nhất là trẻ em, để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.
Nhằm phòng chống, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, nhất là trẻ em, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TPHCM khuyến cáo: Người lớn và trẻ nhỏ đều cần trang bị kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước. Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nguy cơ đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ nước sâu... Các hồ bơi phải được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, nhân viên cứu hộ cứu nạn trực 24/7.
Cũng theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TPHCM, trẻ em khi tham gia bất cứ hoạt động đường thủy nào cũng phải mặc áo phao. Trên tàu, thuyền phải được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ, đảm bảo tiêu chuẩn để sử dụng khi không may có tai nạn xảy ra. Nếu không may trẻ bị đuối nước, nếu không biết bơi, người lớn cần tìm khúc gỗ, phao... ném xuống cho trẻ bám vào và hô hoán để tìm người ứng cứu. Tuyệt đối không nhảy xuống nước nếu không biết bơi, vì nạn nhân lúc này trong tình trạng hoảng loạn, dễ níu chặt lấy bất cứ thứ gì với được, cả người cứu nạn.
Khi cấp cứu nạn nhân ở dưới nước cần nâng đầu nạn nhân nhô lên khỏi mặt nước, giúp nạn nhân trấn tĩnh và thở. Khi đưa lên bờ, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm ngửa trên mặt phẳng cứng. Nếu bệnh nhân tím tái, không tự thở, tim ngừng đập (sờ mạch không có) và không có phản xạ thì phải ấn tim ngoài lồng ngực. Dùng hai tay chồng lên nhau đặt dưới xương ức và ấn tim với tần số ép khoảng 100 lần/phút, khai thông đường thở bằng cách dùng gạc hay khăn vải móc đờm dãi, dị vật khỏi miệng và hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo cho nạn nhân.
Nếu chỉ có một người tiến hành sơ cấp cứu, thì ấn tim ngoài lồng ngực 15-30 nhịp, sau đó hà hơi thổi ngạt 2 lần và tiếp tục lặp lại. Nếu có hai người cấp cứu thì một người ấn tim ngoài lồng ngực, một người hà hơi thổi ngạt, kiên trì thực hiện cho đến khi nạn nhân hồi tỉnh hoặc khi được đưa đến cơ sở y tế gần nhất.
Biết bơi lội là điều rất cần thiết cho mọi người
Để tăng cường hiệu quả công tác phòng tránh, giảm thiểu tối đa tai nạn đuối nước và đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, đặc biệt là thời gian nghỉ hè năm 2022 khi các em học sinh, sinh viên và khách du lịch đi tắm tại các bãi biển, bể bơi, sông, suối, hồ, đập. Công an TPHCM có một số khuyến cáo cụ thể như sau: Trang bị kỹ năng bơi lội. Dù bạn sống ở thành thị hay nông thôn, miền núi thì tại nạn đuối nước vẫn có thể xảy ra. Do đó, cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần được trang bị các kỹ năng bơi lội cũng như cách thoát khỏi đuối nước, nhất là ở trẻ em.
Người lớn cần ý thức và cảnh báo cho trẻ nhỏ nguy cơ đuối nước khi tắm ở suối, sông, hồ... Tuyệt đối không cho trẻ tắm hay chơi đùa ở khu vực gần bờ sông, suối, hồ... để giảm thiểu nguy cơ xảy ra tai nạn và chỉ cho bé đến các hồ bơi được trang bị đầy đủ phương tiện cứu hộ, có nhân viên trông coi.
Khi tắm sông hay biển, dù người biết bơi hay không cũng cần phải mặc áo phao và chỉ nên tắm ở khu vực gần bờ để đảm bảo an toàn, vì tai nạn đuối nước luôn rình rập, đe dọa chúng ta bất cứ lúc nào. Nên tìm hiểu rõ về vùng biển trước khi tắm để tránh chọn nhầm nơi nước động, nước xoáy hay xuất hiện dòng chảy xa bờ.
Với những gia đình có trẻ nhỏ, các bể chứa nước dự trữ phải luôn được đậy kín, đảm bảo trẻ không thể mở ra để tránh trường hợp trẻ bị ngã vào bể, dẫn đến ngạt nước.
Cả người lớn và trẻ nhỏ đều cần được trang bị kỹ năng cứu hộ, sơ cứu người bị đuối nước để có thể kịp thời hỗ trợ, cứu người đang gặp nguy hiểm do đuối nước.
Cảnh sát đường thủy huy động tố đa lực lượng
Nhằm đảm bảo cho nhân dân và khách quốc tế vui chơi, đi lại trên đường thủy thông suốt, an toàn trong mùa du lịch hè năm 2022 năm nay và bảo vệ đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31; Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TPHCM cho biết đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông trên địa bàn đường thủy TPHCM, xử lý nghiêm tình trạng tụ tập, điều khiển phương tiện thủy chạy tốc độ cao gây mất an toàn.
Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TPHCM cũng tổ chức các buổi tuyên truyền về an toàn giao thông đường thủy nội địa, qua đó xây dựng văn hóa tham gia giao thông an toàn, tạo thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật, xóa bỏ thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc giao thông; hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông, góp phần phòng ngừa, hạn chế và kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy.
Tại các buổi tuyên truyền sẽ kết hợp phát tờ rơi phổ biến những nội dung cơ bản của Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định 139/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và Thông tư 15/2012/TTBGTVT về trang bị, sử dụng áo phao cứu sinh, dụng cụ nổi cứu sinh trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông và phòng, chống đuối nước trẻ em.
Phòng Cảnh sát đường thủy Công an TPHCM cũng yêu cầu chủ bến, người lái phương tiện phải hướng dẫn người dân mặc áo phao và từ chối chở những hành khách không mặc áo phao hoặc không cầm dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia trên phương tiện. Khi xảy ra sự cố, hành khách không được chen lấn, xô đẩy, phải bình tĩnh và tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện, lực lượng cứu hộ.
Hàng loạt vụ đuối nước xảy ra, cảnh báo nguy hiểm rình rập: Tại Nghệ An trong 5 ngày (25 đến 30-4) xảy ra 4 vụ, làm 8 người tử vong. Tỉnh Bình Định xảy ra 2 thanh niên chết đuối, 1 người mất tích khi tắm biển chiều 1-5. Tại Bình Thuận xảy ra 2 em nhỏ đuối nước tử vong và 1 em bị nước cuốn mất tích vào ngày 1-5.
Tại Đồng Tháp xảy ra vụ đuối nước ở cồn Long Khánh, huyện Hồng Ngự làm em nhỏ 11 tuổi tử vong. Lai Châu ngày 27-4 xảy ra vụ 2 học sinh đuối nước khi tắm suối. Tại Đồng Nai phát hiện 2 học sinh nữ đuối nước ngày 29-4; hay tại tỉnh Quảng Trị 2 học sinh bị nước cuốn tử vong vào chiều 26-4...
Gần đây nhất, vụ đuối nước thương tâm vừa xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào chiều tối 7-5 làm 3 anh em trong gia đình tử vong. Các em học lớp 3, 4 và 5 Trường tiểu học Phan Chu Trinh, xã Ea Hu, xin gia đình đi câu cá và tử vong dưới ao. Hay vụ đuối nước thương tâm vừa xảy ra trưa 1-5 trên sông Đồng Nai, thuộc địa bàn Thôn 1, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước làm 4 em học sinh tử vong. Cả 4 em là học sinh lớp 11, Trường Cấp 2-3 Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Có khoảng 10 học sinh đi chơi hôm đó là chủ nhật tại Bãi Cạn (thuộc cửa sông Đồng Nai). Trong nhóm có 5 em tách ra, lội ngược dòng và gặp hố nước xoáy, kêu cứu. Người dân phát hiện cứu được 1 em, còn 4 em là H., Tr., T. và M. bị nước cuốn mất tích. Đến chiều cùng ngày, lực lượng Công an xã và chính quyền địa phương cùng người dân tìm thấy thi thể 4 em đuối nước.