(CAO) Sống chung với mùi hôi và chất thải độc hại là tình trạng mà nhiều hộ dân ở ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phải chịu đựng từ nhiều năm nay. Mặc dù bà con đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng thế nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.
Đã 3 năm qua, mỗi khi trời đổ mưa luôn là một nỗi ám ảnh đối với nhiều hộ dân sinh sống ở ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú. Bởi chất thải từ nguồn xả của nhà máy sản xuất mủ cao su Thảo Nguyên, đóng trên địa bàn lại trôi theo dòng suối và bốc mùi hôi thối len lỏi vào tận ngóc ngách mỗi nhà dân.
Nước thải từ hai miệng cống đổ thẳng xuống dòng suối mang theo những mảng bọt màu trắng đục, đọng lại kết thành màng. Điều đáng nói hơn là chất thải này chảy đến đâu, hầu như cá tôm đều không thể sống nổi đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.
Nhiều người đã mắc bệnh vì hít phải nguồn không khí ô nhiễm này. Chỉ đứng một lúc bên cạnh bờ suối nhưng không ai có thể chịu nổi bởi mùi hôi bốc lên và đều cảm thấy khó thở, thậm chí là nôn oẹ.
Dòng suối phủ màu trắng đục vì nước thải cao su
Ông Nông Văn Trọng ở ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú nói trong bức xúc: “Tôi sinh sống ở đây cũng lâu rồi nhưng mấy năm gần đây, kể từ khi nhà máy sản xuất mủ cao su Thảo Nguyên xả thải thẳng ra môi trường thì không thể chịu đựng được nữa. Bà con ở đây đều bị viêm mũi, viêm xoang. Mà tội nhất là mấy đứa con nít, cứ phải nhập viện suốt. Nhiều khi buổi chiều bưng chén cơm lên mà cũng không nuốt nổi vì mùi hôi bốc lên nồng nặc”.
Nghiêm trọng hơn, chất thải mủ cao su đã bắt đầu ngấm vào đất và làm ảnh hưởng đến cả nguồn nước giếng sinh hoạt của người dân. Ba năm trở lại đây, hầu hết những giếng khoan trong khu dân cư ấp 2 đã không còn sử dụng được nữa.
Qua quan sát, nước trong giếng khoan đều đã đổi màu xanh đục và ngửi có mùi hôi. Quá lo sợ, người dân phải đi xin hoặc mua nước về để sinh hoạt. Ngay cả đến nhu cầu tối thiểu nhất là giặt quần áo họ cũng phải hạn chế vì nguồn nước quá ô nhiễm.
Lật tấm tôn phủ lên cái giếng khoan nay đã bỏ hoang, ông Lương Văn Xuân, ở ấp 2, xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú than phiền: “Cái giếng khoan này có còn sử dụng được nữa đâu. Giếng thì có nước đó mà phải bỏ không. Tôi hàng ngày phải đi mua nước hoặc đi xin nước của người ta về.
Nước giếng cũng phải bỏ hoang vì ô nhiễm nặng
Mỗi lần chở xe mấy chục lít về để dành đun nước, nấu ăn thôi. Còn giếng này thỉnh thoảng khi nào cảm thấy nó đỡ đục thì lại lấy lên lắng lại rửa chân tay hoặc giặt quần áo. Mình cũng biết là nó nguy hiểm cho sức khoẻ nhưng sinh sống ở đây thì phải chịu thôi”.
Trước tình trạng trên, người dân sinh sống tại đây đã nhiều lần có đơn thư đề nghị chính quyền địa phương xử lý cơ sở này. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì mà đến nay cơ sở này vẫn đang tiếp tục hoạt động và đang từng ngày đe dọa đến sức khỏe người dân cũng như môi trường sống ở khu vực này.
Trả lời về trách nhiệm của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Song Đoàn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Phước cho biết, đối với công ty Thảo Nguyên, sở cũng đã tiến hành kiểm tra giám sát và cũng nhận thấy việc xử lý của công ty này chưa đạt tiêu chuẩn xả thải theo đúng quyết định đã được phê duyệt. Do đó, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục có những biện pháp xử lý mạnh tay để hạn chế việc xả thải của công ty này.
Ai cũng biết, chất thải mủ cao su độc hại như thế nào. Do đó, để ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người dân. Thiết nghĩ, lãnh đạo địa phương cũng như các cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý một cách quyết liệt hơn nữa để người dân có thể yên tâm làm ăn, sinh sống.