Đăng ký tạm trú: Vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cho người thuê trọ

Thứ Tư, 16/03/2022 10:27  | Nam Anh

|

(CATP) Luật Cư trú có từ năm 2020 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021 đã tạo thuận lợi cho người dân khi không còn phải "vác" hộ khẩu (HK) - sổ tạm trú (KT3) đến các cơ quan nhà nước xin giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, thuận lợi đó chỉ mới dành cho những gia đình có HK, còn những người tạm trú (KT3) hết thời hạn, không được gia hạn thêm và những người đi xin đăng ký (ĐK) diện này gặp vô vàn khó khăn. Xin được KT3, người dân mới có thể xin học cho con, làm thẻ bảo hiểm cho trẻ dưới 6 tuổi, công chứng, điện, nước..., trong khi thực tế rất nan giải.

Tỉnh Bình Dương có 48 cụm và khu công nghiệp trải rộng khắp địa bàn, thu hút  hàng trăm ngàn lao động (LĐ) từ các tỉnh, thành khác tập trung về làm việc. Tuy nhiên, hơn 9 tháng qua tình trạng ĐK lưu trú cho người lao động (NLĐ) sống trên địa bàn đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Do gặp khó khăn trong việc đăng ký tạm trú (ĐKTT), nhiều người thuê trọ ở Bình Dương kháo nhau, một số chủ nhà trọ không chịu khai báo tạm trú cho người thuê. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, việc đi khai báo và nhận được kết quả tạm trú KT3 cho NLĐ cư trú tại địa phương không hề dễ dàng.

Để ĐKTT hợp pháp, nhiều xã phường trên địa bàn tỉnh Bình Dương yêu cầu phải hội đủ 7 loại giấy tờ như: giấy chứng minh nhà ở hợp pháp, sổ đỏ nhà đất, giấy chứng nhận (GCN) cấp số nhà, giấy phép (GP) xây dựng, GP kinh doanh nhà trọ, GCN quan hệ nhân thân, hợp đồng thuê nhà - ở trọ, giấy chấp thuận cử 1 người làm chủ hộ và tờ khai thay đổi thông tin nơi cư trú. Theo đó, những loại giấy tờ này không phải chủ nhà trọ nào cũng có đủ.

Ông Trần Văn Phong - chủ 1 khu nhà trọ ở P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An - cho biết: Theo Luật Xây dựng (XD), thời điểm trước năm 2010, tại các xã phường, thị trấn thì xây nhà không cần xin GPXD. Thời điểm ấy, các TP.Dĩ An, Thuận An... mới chỉ là đơn vị hành chính cấp huyện nên việc xây nhà không cần phải đăng ký với chính quyền địa phương. Lúc đó, nhà trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương mọc lên như nấm, nên có rất ít chủ trọ hội đủ các loại giấy tờ để xin được giấy tạm trú (GTT) cho công nhân.

Cũng theo ông Phong, trước đây muốn ĐKTT chỉ cần có giấy vắng mặt tại địa phương cùng với chứng minh nhân dân của người thuê trọ thì sau 3 - 5 ngày ĐK, công an (CA) địa phương sẽ cấp sổ tạm trú cho người đến ở trọ.

Tuy nhiên, hiện nay người đi thuê trọ muốn làm được tạm trú phải vất vả hơn rất nhiều lần. Vì vậy, người mới đến thuê trọ cần phải hỏi chủ cho thuê trước, có làm được GTT không, rồi mới thuê cho đảm bảo, bởi có rất nhiều người thuê xong đến lúc ra xã, phường không làm được GTT đồng nghĩa với việc ra chính quyền sở tại xin chứng thực các loại giấy tờ cần thiết thì không được. Mặt khác, không có GTT, gia đình cũng không xin cho con đi học được.

Muốn xin tạm trú, người lao động phải có đủ giấy tờ cần thiết

Chị Nguyễn Thị Diệu (quê Nghệ An) đi xin tạm trú tại P.Tân Đông Hiệp, TP.Dĩ An cho biết, gia đình chuyển từ Nghệ An vào thuê nhà trọ ở Bình Dương sinh sống, làm việc; tuy nhiên gần 3 tháng nay chị vẫn chưa xin được KT3 để xin cho con đi học.

Trong khi đó, LĐ tự do khi lên UBND phường lại được yêu cầu phải có KT3 hoặc HK mới chứng thực, khiến gia đình gặp không ít khó khăn. Nan giải nhất là chuyện học hành của con cái, nếu không ĐKTT cho trẻ thì các cháu không có cơ hội tới trường.

Cùng cảnh ngộ, chị Vũ Thị Thu Thủy (ngụ P.Dĩ An, TP.Dĩ An) cho biết: "Dù đã tập hợp đầy đủ giấy tờ và giao cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ, biên nhận ghi rõ 1 tháng sau đến lấy kết quả. Đúng hẹn, tôi ra CA phường lấy ĐKTT, nhưng các cán bộ ở đây cho rằng "giấy hẹn chỉ có chức năng áng chừng về thời gian, còn kết quả trả vào thời gian nào phường sẽ báo qua điện thoại" (!). Dù chính quyền địa phương đã nhận đủ hồ sơ hơn 2 tháng qua, nhưng đến nay gia đình chị Thủy vẫn chưa biết chắc mình có được ĐKTT tại P.Dĩ An hay không?

Trong khi đó, theo điều 27 Luật Cư trú 2020 quy định điều kiện ĐKTT như sau: Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã, phường nơi đã ĐK thường trú để LĐ, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện ĐKTT. Thời hạn giải quyết thủ tục: 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ. Thời hạn tạm trú tối đa là 2 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện CA tỉnh Bình Dương thừa nhận, hiện nay CA các xã, phường trên địa bàn tỉnh đang tồn đọng hàng nghìn hồ sơ xin tạm trú. Trong khi đó, luật mới quy định: Nơi cư trú là nơi thực tế họ đang sống và làm việc. Khi người dân đi khai báo, cơ quan quản lý xác minh, cập nhật thông tin của họ vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (DLQGVDC), cư trú. Đó là chính sách tạo điều kiện cho người dân, đảm bảo quyền tự do cư trú của người dân. Việc liên thông khai thác DLQGVDC giữa các bộ ngành, cơ quan hiện nay vẫn còn một số trục trắc chưa thông, gây không ít khó khăn cho người ĐKTT.

Theo vị cán bộ này, từ nay đến cuối năm 2022, khi cổng thông tin điện tử hoạt động ổn định trở lại, mọi thủ tục chuyển đổi nơi cư trú, xác nhận tạm trú sẽ theo đúng kế hoạch. Theo đó, mọi công dân có thể ĐK thường trú, tạm trú hoặc khai báo tạm vắng bằng hình thức online trên điện thoại. Công dân nộp hồ sơ đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an, Cổng dịch vụ công quản lý cư trú. Khi công dân truy cập vào một trong ba cổng dịch vụ công này sẽ hiện ra các hướng dẫn khai báo theo các bước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang