ĐBSCL: Báo động tình trạng đất mặt mua bán công khai

Thứ Năm, 02/06/2022 11:52  | Thiện Thảo

|

(CATP) Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, đất mặt (lớp đất trên cùng của tầng canh tác) đang được mua bán công khai để dùng san lấp và làm gạch. Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục kiểm tra và xử lý theo đúng pháp luật, nhưng một số người vẫn bất chấp khai thác trái phép.

Sà lan chở đất "khủng"

Công an tỉnh An Giang cho biết, tình trạng khai thác đất mặt đến hồi báo động. Qua tìm hiểu, số đất khai thác trái phép được sử dụng cho công trình san lấp và sản xuất gạch. Cụ thể, khoảng 17 giờ ngày 30-5, trên tuyến kênh Mặc Cần Dưng (xã An Hòa, H.Châu Thành), Tổ liên ngành số 01 bắt quả tang 7 sà lan và ghe sắt vận chuyển đất trái phép với số lượng lớn. Thuyền trưởng các phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp tại vị trí khai thác và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc số đất đang vận chuyển.

Trước đó, rạng sáng 12-5, Tổ liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang phối hợp cùng Công an huyện Tri Tôn tổ chức mật phục tại thủy phận ấp Tân Thạnh (xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn) phát hiện 12 phương tiện thủy đang vận chuyển trái phép khoảng 733m3 đất. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng của 12 phương tiện không xuất trình được giấy phép khai thác đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp tại vị trí khai thác và không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số lượng đất đang vận chuyển. Bước đầu các thuyền trưởng khai số lượng đất trên được khai thác, nhận từ tỉnh Kiên Giang rồi chở về huyện Chợ Mới giao cho các lò gạch.

Tại Kiên Giang, thực trạng khai thác đất mặt khá phức tạp. Theo UBND huyện Hòn Đất, khu vực ấp Láng Cơm (xã Bình Giang) khai thác đất trái phép xảy ra 3 năm. Xã này có hơn 12.000ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng có khoảng 9 điểm bị nhóm người khai thác đất mặt ruộng. Điển hình là khu vực thuộc ấp Láng Cơm. Đất bị khai thác đa phần gần cặp mé kênh nên gây ra sạt lở. Nhận tin báo của người dân, chính quyền vào kiểm tra nhưng do địa hình xa, sâu vào nội đồng khoảng 20km, dân cư thưa thớt, lực lượng địa phương mỏng, nghiệp vụ còn hạn chế nên khó khăn trong khâu quản lý và khó xử lý dứt điểm. Thời gian qua, các ngành chức năng huyện phối hợp với tỉnh bắt được 6 vụ khai thác đất trái phép.

Đất mặt khai thác trái phép ở Kiên Giang chở qua An Giang bán cho lò gạch

Thuê người khai thác trái phép

Hành vi khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép hoặc khai thác quá mức quy định sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp, môi trường sinh thái cũng như gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai... là các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác tài nguyên, khoáng sản cần được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nhưng các đối tượng hoa mắt trước lợi nhuận tiếp tục vi phạm. Qua 02 năm triển khai thực hiện Kế hoạch số 400/KH-BCA-C05 ngày 18-11-2019 của Bộ Công an về "Tăng cường công tác phòng ngừa, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, tập kết bến bãi, kinh doanh khoáng sản và bảo vệ đê điều", Công an các đơn vị trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã tiến hành kiểm tra, phát hiện 73 trường hợp vận chuyển, khai thác khoáng sản (cát) và tài nguyên (đất) trái phép. Trong đó, năm 2021, Công an tỉnh kiểm tra, phát hiện 42 trường hợp vi phạm đều thuộc lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản.

Công an tỉnh Bạc Liêu bắt quả tang phương tiện khai thác đất mặt trái phép vào đêm khuya

Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính 30 trường hợp với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng (gồm: khoáng sản cát 4 trường hợp và tài nguyên đất 26 trường hợp). Đồng thời, tịch thu tang vật gần 1.500m3 cát, trên 700m3 đất (quy đổi bằng tiền trên 98 triệu đồng) và các phương tiện sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm như xe tải, máy cuốc đất. Trong đó tịch thu 3 xe tải là tài sản chính chủ; còn 5 xe tải và 5 máy cuốc đất là tài sản không chính chủ nên cơ quan công an trả lại tài sản cho người sử dụng và buộc người vi phạm nộp lại khoản tiền trên 1,3 tỷ đồng...

Tại Bạc Liêu, năm 2021, Giám đốc Công an tỉnh đã ra Quyết định thành lập chuyên án đấu tranh với các loại tội phạm khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép. Kết quả đến nay, công an đã thu giữ 16 xe tải, 5 xe cuốc, 1 xe ủi và bắt quả tang 25 đối tượng đang trực tiếp khai thác đất. Mới đây, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu cũng đã bắt quả tang vụ khai thác đất trái phép xảy ra tại xã Tân Phong (thị xã Giá Rai), gồm: Ngô Trí Phương (SN 1995), Phan Hoàng Giang (SN 1985), Trần Hoàng Phú (SN 1979), Phạm Chí Hữu (SN 1987) và Nguyễn Hoàng Hiển (SN 1981).

Công an tỉnh An Giang kiểm tra các phương tiện vận chuyển trái phép đất mặt

Quá trình điều tra, lực lượng công an xác định bãi đất trên do ông Lâm Thanh An (47 tuổi, ngụ TX Giá Rai) làm chủ đầu tư và thuê Ngô Trí Phương điều khiển xe cuốc đất với tiền công 10 triệu đồng/tháng, đồng thời thuê Phan Hoàng Giang, Trần Hoàng Phúc, Phạm Chí Hữu, Nguyễn Hoàng Hiển điều khiển xe tải chở đất đi san lấp mặt bằng với tiền công 40.000 đồng/chuyến.

Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Bạc Liêu đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Lâm Thanh An về hành vi "tổ chức khai thác khoáng sản (đất) làm vật liệu xây dựng, nhưng không có giấy phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền"; đồng thời tạm giữ 1 xe cuốc, 4 xe tải cùng một số giấy tờ liên quan đến hành vi khai thác đất trái phép để tiếp tục xử lý.

Khai thác đất mặt trái phép có thể bị xử lý hình sự

Theo Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, đất mặt ruộng và đất nuôi trồng thủy sản là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Do đó, hoạt động khai thác trái phép 2 loại đất này với số lượng lớn đem bán cho người có nhu cầu san lấp mặt bằng là hành vi vi phạm pháp luật được xử lý theo Nghị định 36/NĐ-CP năm 2020 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Điều 47 Nghị định quy định: Vi phạm về khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh bị phạt từ 200 - 300 triệu đồng. Đối với khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ TN-MT thì bị phạt từ 300 - 500 triệu đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc thực hiện các giải pháp cải tạo, phục hồi môi trường khu vực đã khai thác, đưa khu vực khai thác về trạng thái an toàn. Nếu cơ quan chức năng có đủ chứng cứ xác định lợi nhuận thu được từ hoạt động khai thác đất trái phép từ 100 triệu đồng trở lên hoặc đất khai thác trái phép có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên là đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017).

Bình luận (0)

Lên đầu trang