Ở các nước tiền tiến, vỉa hè được xác định là không gian công cộng dành cho việc đi lại của mọi người không sử dụng phương tiện di chuyển cơ giới. Trước hết, đó là đường đi ưu tiên của người đi bộ bình thường và người được coi là người đi bộ bình thường, bao gồm người đẩy xe nôi, người khuyết tật di chuyển với sự hỗ trợ của xe lăn, người trượt giày patin, người đi trên ván trượt có tay vịn, người dắt bộ xe đạp, xe đạp điện hoặc xe gắn máy hai bánh. Trên vỉa hè cũng có thể đặt các tiện ích phục vụ công chúng như trạm dừng xe buýt, băng ghế cho người đi bộ ngồi nghỉ chân... Ở những nơi chính quyền khuyến khích người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại, thì vỉa hè có thể được sử dụng một phần, thông thường là phần rìa ngoài, giáp với đường xe chạy, để đặt xe đạp công cộng cho thuê. Có những vỉa hè quá hẹp, không đủ để đặt tiện ích công cộng như xe đạp cho thuê, thì các tiện ích này được đặt dưới lòng đường, để không gây cản trở cho việc đi lại của người đi bộ.
Trên nguyên tắc, vỉa hè không được sử dụng để thực hiện hoạt động kinh doanh của tư nhân. Một cách ngoại lệ, ở những nơi vỉa hè rộng rãi, người có cơ sở kinh doanh tại một bất động sản tọa lạc bên cạnh vỉa hè (nghĩa là bất động sản mặt tiền) có thể xin phép nối dài không gian kinh doanh của mình từ trong nhà ra đến một phần vỉa hè trước nhà mình. Tuy nhiên, việc mở rộng không gian kinh doanh phải được thực hiện trong những khung giờ hợp lý, đặc biệt là khi không có nhiều người đi bộ sử dụng vỉa hè để đi lại. Trong những ngày cuối tuần, ngày lễ, nhà chức trách có thể trưng dụng một phần vỉa hè để tổ chức chợ phiên nhằm tạo điều kiện cho nông dân, thợ thủ công, người bán hàng rong tiêu thụ các sản phẩm do mình tạo ra. Khi sử dụng một phần vỉa hè để kinh doanh, người kinh doanh phải trả một khoản tiền cho nhà chức trách, coi như một loại phí sử dụng tài sản công.
Trong mọi trường hợp, việc kinh doanh của tư nhân, kể cả trong khuôn khổ chợ phiên, không được gây trở ngại, khó khăn cho việc đi lại của người đi bộ bình thường. Việc tổ chức chợ phiên chắc chắn gây tiếng ồn; tuy nhiên, đối với chủ nhà ven đường, tiếng ồn này chấp nhận được do không xảy ra thường xuyên.
Bên cạnh những vỉa hè đẹp, thông thoáng thì có những nơi bị người dân lấn chiếm làm nơi buôn bán, để xe
Trường hợp cần thực hiện việc sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng ven đường thì phải dựng dàn giáo như thế nào để vẫn có lối đi dành cho người đi bộ. Khi cần cải tạo, sửa chữa vỉa hè thì việc sửa chữa thực hiện theo kiểu cuốn chiếu: một phần được sửa chữa phải được rào chắn cẩn thận; phần còn lại để phục vụ việc đi lại bình thường.
Tư nhân có thể để xe đạp, xe máy trên vỉa hè nhưng phải để hoặc sát vách nhà, hoặc sát rìa đường, không gây cản trở cho việc đi lại của người đi bộ bình thường. Không được để phương tiện đi lại, nói chung đồ đạc không người coi giữ giữa lòng vỉa hè. Đồ vật riêng tư hiện diện ở nơi công cộng trong tình trạng không người trông giữ được cho là vật hàm chứa nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng và có thể bị khoanh lại để tiêu hủy. Người đi xe đạp, xe máy cũng không được dừng xe trên vỉa hè rồi ngồi trên yên xe mà tán chuyện riêng tư.
Tuyệt đối không có chuyện cho phép xe hơi đậu trên vỉa hè tại đô thị, dù chỉ một giây. Lý do không chỉ vì vỉa hè đô thị không có cấu tạo vật chất thích hợp cho việc đậu xe hơi, mà trên hết vì sự xuất hiện của xe hơi chình ình trên hè phố đông đúc, nghĩa là trong không gian dành riêng cho người đi bộ, là biểu hiện của tình trạng mất trật tự, kém văn minh trong đi lại ở không gian công cộng, thể hiện trình độ thấp trong tổ chức đời sống xã hội tại đô thị.
Ở Việt Nam, vỉa hè cũng được xác định là tài sản công. Tuy nhiên, quan hệ giữa người dân và chính quyền, giữa người dân với nhau liên quan đến việc sử dụng vỉa hè được định dạng theo tập quán không biết từ lúc nào, một cách rất khác.
Vỉa hè đường Lê Lợi sạch đẹp, rộng rãi được sử dụng một phần để làm trạm xe đạp công cộng
Người sống ở mặt tiền quen coi vỉa hè trước nhà thuộc quyền sử dụng của mình. Không chỉ tư nhân mà cả doanh nghiệp, thậm chí cơ quan nhà nước có thói quen để xe, bao gồm xe đạp, xe máy và xe hơi trên lề đường trước cửa nhà, trụ sở của mình. Người lạ chỉ được đậu xe thời gian lâu trên lề đường trước cửa nhà nếu có sự đồng ý của chủ nhà hoặc trong thời gian chủ nhà khóa cửa. Người kinh doanh thường bày hàng hóa, thiết bị lấn ra lề đường trước cửa hàng của mình. Người đi đường dừng xe trước cửa hàng, dù là trên lòng đường công cộng, nhưng không mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của cửa hàng thì có nguy cơ bị đối xử với thái độ không thân thiện, thậm chí thù địch. Không ít trường hợp xe cộ, hàng hóa, thiết bị bày kín cả lề đường, người đi bộ buộc phải đi trên lòng đường, chung với dòng xe đang di chuyển.
Nhà chức trách về phần mình, lại đã và đang có xu hướng ngộ nhận về quyền của mình đối với việc khai thác vỉa hè, cho rằng một khi đã là tài sản công thì vỉa hè được khai thác thế nào tùy nhà quản lý. Quan tâm đến việc tìm kiếm nguồn thu bổ sung cho ngân sách công, nhà quản lý xây dựng công thức khai thác vỉa hè khá đơn giản: cứ ai chấp nhận chi trả phí theo quy định thì có quyền khai thác. Có điều rất tế nhị nhà quản lý không chú ý đến: người chấp nhận trả phí, vốn theo đuổi lợi ích riêng tư của mình khi khai thác vỉa hè, cũng giống như chủ căn nhà mặt tiền hay bao nhiêu người khác. Nếu người khai thác vỉa hè không đồng thời là chủ nhà mặt tiền thì việc cho phép khai thác vỉa hè vô hình chung đặt người khai thác và chủ nhà mặt tiền vào thế xung đột lợi ích. Trên thực tế, đã có những vụ đôi co, thậm chí cãi vã dẫn đến dùng bạo lực để xử nhau vì việc sử dụng vỉa hè bị cho là gây phiền nhiễu.
Bởi vậy, muốn giải quyết vấn đề thu phí vỉa hè, điều cần làm trước hết là xây dựng lại cho đúng đắn nhận thức xã hội về chức năng của vỉa hè, từ đó xác định cho đúng nội dung quyền tiếp cận vỉa hè của chủ thể.
Nhiều tuyến đường trung tâm TPHCM được kẻ vạch để triển khai thu phí vỉa hè
Vỉa hè vốn dĩ dành cho người đi bộ để đi lại. Chức năng này của vỉa hè phải được thiết lập thành nguyên tắc. Với nguyên tắc này thì một mặt, người đi bộ được pháp luật bảo đảm có không gian đi lại thoải mái trong trường hợp bình thường; mặt khác, chủ nhà mặt tiền được pháp luật bảo đảm không bị quấy nhiễu bởi tiếng ồn của những người tụ tập sinh hoạt, làm ăn trước nhà mình. Một cách ngoại lệ, vỉa hè có thể được sử dụng để phục vụ lợi ích chính đáng của một hoặc nhiều chủ thể với điều kiện không gây phương hại đến lợi ích của người đi bộ, được xác định là lợi ích cơ bản.
Liên quan đến quyền tiếp cận vỉa hè, nguyên tắc cơ bản là mọi người đều có quyền tự do sử dụng vỉa hè để đi lại. Chỉ có nhà chức trách mới có quyền hạn chế quyền tự do này vì lợi ích chung. Mặt khác, việc khai thác vỉa hè để tạo nguồn thu cho Nhà nước chỉ được thực hiện một khi Nhà nước, với tư cách là người quản lý tài sản, đã bảo đảm đầy đủ quyền đi lại trên vỉa hè của người đi bộ và có dư địa về không gian và thời gian thích hợp để làm việc khác. Cả "việc khác" đó cũng phải nhằm phục vụ cho người đi bộ, như một tiện ích bổ sung, chứ không phải như một điều phiền nhiễu, gây trở ngại cho việc đi lại bình thường. Cơi nới hợp lý cửa hàng ven đường trong khoảng thời gian thích hợp trong ngày hoặc trong tuần, hàng rong, chợ phiên có tổ chức là những việc khác như thế.
Chắc chắn không ai được tùy tiện sử dụng vỉa hè để đặt những đồ vật riêng tư như xe, bàn ghế, hàng hóa... khiến cho không gian vỉa hè mất hoặc giảm sự thông thoáng. Đồ đạc để tạm trên vỉa hè phải được sắp xếp ngăn nắp, không tạo chướng ngại bất thường đối với việc đi lại của người đi đường, đồng thời thể hiện tình trạng được quản lý, kiểm soát bởi một chủ thể nào đó.
Chủ nhà muốn sử dụng vỉa hè trước nhà mình hoặc người bán hàng rong muốn bày hàng hóa, thiết bị trong khuôn khổ hoạt động kinh doanh đơn lẻ hoặc nhóm chợ thì phải xin phép; giấy phép ghi rõ diện tích sử dụng, thời gian sử dụng.
Nói chung, việc sử dụng một phần vỉa hè để thực hiện các hoạt động gọi là không tương thích với chức năng phải được đặt dưới sự tổ chức, quản lý và giám sát nghiêm ngặt của nhà chức trách. Mọi hành vi vi phạm, lạm dụng quyền phải bị chế tài nghiêm khắc.
Rốt cuộc, vấn đề đặt ra cho nhà chức trách không phải là nên hay không nên thu phí và thu bao nhiêu, thu như thế nào, mà là quản lý, khai thác, sử dụng vỉa hè như thế nào cho hợp lý, hợp với nếp sống văn minh.
Viện sĩ, PGS.TS NGUYỄN NGỌC ĐIỆN