Dạy thêm, học thêm – phải giải quyết từ gốc

Thứ Tư, 14/09/2016 00:14

|

(CAO) Có nhiều ý kiến xoay quanh việc hạn chế dạy thêm, học thêm tràn lan như hiện nay. Báo Công an TP.HCM xin giới thiệu bài viết rất tâm huyết của nhà giáo Trần Thị Bích Hà.

Trước hết, chúng ta cần nhận thức rằng, dù có Thông tư 17 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD-ĐT) và công văn của lãnh đạo TP.HCM về việc cấm dạy thêm – học thêm trong trường phổ thông từ năm học 2016-2017 (đối với việc dạy thêm ngay chính học sinh của mình) nhưng chưa thể chấm dứt ngay được, bởi hoạt động này đã có từ mấy chục năm nay, không thể giải quyết trong một sớm một chiều. Chúng ta chỉ có thể hạn chế nó để trả lại môi trường học đường lành mạnh.

Thí sinh trong kỳ tuyển sinh Đại học, Cao đẳng

Thống nhất về nhận thức

Tôi nhớ cách đây đã khoảng 10 năm, trên Tạp chí Dạy và học ngày nay, trong một bài viết của mình, doanh nhân Nguyễn Trần Bạt – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty InvestConsult Group đã nói, đại ý: Tôi là quá khứ của con tôi, còn con tôi chính là tương lai của tôi. Điều đó là hoàn toàn đúng. Chính vì thế, trong gia đình, chúng ta - những người cha, người mẹ dành những gì tốt đẹp nhất cho con cháu; và, ngoài xã hội, chúng ta – tất cả người lớn, cũng sẽ dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ, bằng những việc làm cụ thể, chứ không phải chỉ bằng lời nói.

Vậy thì, trong các chủ thể tham gia vào hoạt động giáo dục, học sinh (HS) là chủ thể quan trọng nhất, tất cả phải phục vụ tốt nhất cho chủ thể này.

Đó là sứ mệnh và cũng là giá trị cốt lõi của một nền giáo dục tiến bộ và nhân văn mà chúng ta phải phấn đấu để đạt được.

Nếu nhận thức như thế thì cha mẹ sẽ cân nhắc thật kỹ khi buộc con phải học thêm.

Nếu nhận thức như thế thì những nhà giáo có lương tâm sẽ vui lòng chấp hành Thông tư của Bộ và chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP.HCM và sẽ không có chuyện Hiệu trưởng một trường tiểu học Quận 3 phải khóc trong cuộc gặp với Đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố.

Hơn nữa, xã hội không có nhu cầu tất cả đều là cử nhân và thực tế không phải HS nào (dù có nhồi nhét) cũng học giỏi các môn văn hóa. Giáo dục chúng ta cần giúp các em hiểu chính mình, biết sở trường, sở đoản của mình và giúp các em tìm đúng đường đi cho cuộc đời mình. Có em muốn trở thành cử nhân, kỹ sư, bác sĩ thì cũng có nhiều em muốn trở thành ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, hoặc thợ cắt tóc, trang điểm, nấu bếp, .v.v…

Đến hành động cụ thể

Có thể nói việc cấm dạy thêm – học thêm tác động không nhỏ đến vài chục triệu người, vài chục triệu gia đình (nếu tính trên cả nước), cho nên để giải quyết được vấn đề không hề đơn giản, cần sự vào cuộc của nhiều cơ quan và các giải pháp đồng bộ. Có lẽ, lãnh đạo TP. HCM khi đưa ra chỉ thị này cũng đã tính đến các giải pháp.

Ở phạm vi một bài báo, tôi chỉ tập trung vào 2 nội dung: nâng cao chất lượng và đời sống giáo viên (GV), một số nội dung khác như chương trình, cách dạy – học, cách kiểm tra, đánh giá có thể trao đổi vào dịp khác.

Nâng cao chất lượng giáo viên

Chất lượng GV có tính chất quyết định đến chất lượng giáo dục. Hiện nay, cử nhân sư phạm thất nghiệp nhiều. Đây chính là thời cơ để ngành sàng lọc lại đội ngũ. Cùng với việc sàng lọc là bồi dưỡng GV để nâng cao tay nghề, nghiệp vụ. Việc này vẫn làm nhưng hiệu quả không cao do nhiều nguyên nhân. Nghề giáo cũng như nhiều nghề khác, không nên là biên chế suốt đời. Bộ cần sớm chuẩn hóa GV (không chỉ chuẩn lúc tuyển dụng mà cần được “kiểm định”, đánh giá định kỳ 2 hoặc 3 năm, tối thiểu phải 5 năm /lần).

Cách mà một số trường hiện nay đang dùng để đánh giá GV hoặc chỉ mang tính hình thức (tự kiểm điểm đánh giá, có nhận xét của đồng nghiệp và tổ trưởng bộ môn) hoặc làm tăng “bệnh thành tích” (lấy kết quả thi học kỳ hay kết quả trung bình môn của HS). Cần có nhiều kênh và nhiều cách đánh giá, trong đó không thể thiếu sự đánh giá của người học; nên xây dựng quy chuẩn và công khai những chuẩn này cho GV nắm được để họ phấn đấu. Căn cứ vào điểm đánh giá sau kỳ sát hạch để tăng lương, trả lương, phân công giờ dạy. GV đạt điểm cao sẽ được dạy nhiều giờ hơn với mức thù lao cao hơn.

Nâng cao chất lượng đội ngũ cả về đạo đức lẫn chuyên môn để đảm bảo chất lượng giáo dục cho học sinh, tránh việc không dạy hết bài và hạn chế thầy dạy mà trò không hiểu. Những HS nhận thức chậm, không đạt yêu cầu sẽ được tập hợp giao cho GV giỏi của bộ môn phụ đạo miễn phí, bởi đó là trách nhiệm của Nhà trường.

Dạy thêm, học thêm – mất nhiều hơn được

Tăng thu nhập cho GV

Trong bài “TP. Hồ Chí Minh: Không cấm dạy thêm, học thêm chính đáng” (đăng trên báo Công an TP số 3173 ngày thứ Hai 12-9-2016” tác giả bài báo có đưa ra con số lương GV tiểu học “xấp xỉ 3,4-4 triệu đồng/tháng”, đó là thực tế. Tôi biết thu nhập của một GV tốt nghiệp đại học đã dạy hơn 10 năm ở một trường THCS Quận 1 cũng chỉ 4,3 triệu. Với số tiền mà Nhà nước trả cho GV như thế khó đòi hỏi họ giữ đạo đức, phẩm chất trong sạch của nhà giáo; đó là điều duy ý chí, có thể nói là phi lý.

Nhưng tăng lương riêng cho GV là điều dường như không thể. Họ là 1,3 triệu người chứ không phải vài chục ngàn, riêng TP.HCM con số đó là 80 ngàn và Thành phố hàng năm phải chi 28% ngân sách cho giáo dục. Trong khi điểm đầu vào ngành sư phạm không cao, GV lại được nghỉ hè 3 tháng (1 quý của năm), Nhà nước đã quan tâm tính thâm niên và phụ cấp ưu đãi từ 25 – 35% tùy theo cấp dạy. Hơn nữa, nghề giáo không phải nghề độc hại, thậm chí đó là nghề an toàn và ổn định bậc nhất. Môi trường làm việc là lý tưởng, bởi hàng ngày GV được trò chuyện, tiếp xúc với đối tượng đáng yêu nhất của xã hội, khác xa với nghề y và nhiều ngành nghề khác.

Nói như vậy, nhưng không thể kéo dài tình trạng bất cập mãi. Đời sống GV thấp thì không thể thu hút được học sinh khá giỏi vào ngành sư phạm. Những năm gần đây, điểm đầu vào một số trường, khoa sư phạm đội sổ là minh chứng cho thấy điều đó.

Trước hết, tăng thu từ chế độ, chính sách của Nhà nước và đia phương

Thứ nhất, giảm số lượng GV: Báo chí đã phản ánh có địa phương thừa hàng ngàn GV, và những GV có việc thì số tiết dạy cũng dưới chuẩn, có GV chỉ được bố trí dạy 10 -12 tiết/tuần mà vẫn hưởng trọn lương của Nhà nước là lãng phí rất lớn và không công bằng.

Thứ hai, tăng giờ chuẩn quy định cao hơn hiện tại: Không nên duy trì mức 18 tiết /tuần với GV PTTH và 20 tiết/tuần với GV THCS mà đồng lương thấp. GV có thể dạy nhiều hơn thế (thực tế GV có thể dạy thêm ngoài giờ chính khóa từ 4-10 tiết/tuần) với mức thù lao cao hơn. Tùy vào mức thu của trường mà trả thêm tiền trong chuẩn và vượt chuẩn cho GV.

Thứ ba, tăng học phí: Cần thẳng thắn là nước ta còn nghèo, chưa thể bao cấp cho giáo dục phổ thông. Hiện chỉ miễn học phí tiểu học. Mức học phí hiện nay của HS THPT TP. Hồ Chí Minh thấp nhất từ 85 ngàn – cao nhất 180 ngàn/HS/tháng là quá thấp. Đồng thời với việc tăng học phí, cần xét miễn giảm học phí cho những HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Thứ nữa, Nhà trường tăng thu nhập chính đáng từ cơ chế tự chủ

Để tăng nguồn thu, trường học cần có cơ sở vật chất tốt hơn, có cơ chế để các trường tự chủ hơn, có sự phối hợp giữa trường học và một số đơn vị khác, đặc biệt Hiệu trưởng có thêm khả năng quản trị và… kinh doanh.

Một trong những phương án mà Thành phố sẽ cố gắng thực hiện là đầu tư cơ sở vật chất để tổ chức cho học sinh bán trú. Đó là phương án cần thiết và các trường cần có những buổi hội thảo trao đổi kinh nghiệm để tổ chức hiệu quả buổi học thứ hai này.

Ngoài ra, Nhà trường nên tổ chức nhiều câu lạc bộ (tùy điều kiện từng trường) như bơi lội, bóng đá, bóng rổ, cầu lông, võ thuật, văn học, toán học, sử học, ca nhạc, hội họa, nhiếp ảnh, tiếng Anh, tiếng Nhật, dẫn chương trình, .v.v…Thông qua các hoạt động này HS biết rõ hơn khả năng của mình để định hướng nghề nghiệp cho tương lai. Tất cả những hoạt động này, muốn tồn tại và phát triển đều phải đầu tư công sức để HS yêu thích và phụ huynh sẵn sàng trả phí. Trường tiểu học có thể tổ chức các hoạt động vui chơi, ca hát, kể chuyện cho trẻ kèm dịch vụ trông coi cuối buổi học với những HS có phụ huynh đón muộn.

Ở phương diện này, nhiều trường tư thục đã thực hiện rất thành công. Các trường công lập cần năng động hơn, tự chủ hơn và chính quyền cũng như cơ quan quản lý ngành cần tạo cơ chế và quản lý tốt. Nhiều phụ huynh, nhất là ở TP.HCM sẵn sàng trả mức phí xứng đáng cho Nhà trường nếu con em họ được học tập, vui chơi, bồi dưỡng, rèn luyện với những thầy, cô giáo có đức, có tài trong môi trường học đường lành mạnh. Tất cả đều phải minh bạch, công khai, để GV được sống đàng hoàng với thu nhập từ công sức và năng lực của mình. Trò chỉ tử tế khi thầy tử tế. Nhà trường và GV chứ không ai khác cần lấy lại giá trị tinh thần cao quý của mình và ngành mình.

Đó là cơ hội và cũng là thách thức mà ngành giáo dục cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng cần vượt qua. Để thực hiện được những điều đó, rất cần đội ngũ quản lý giáo dục có tâm, có tầm.

Năm học mới, hy vọng những đổi thay mới, tích cực từ giáo dục. Thay đổi giáo dục để thay đổi đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang