Ngày Tết cổ truyền của dân tộc là dịp lễ lớn nhất trong năm. Đây là thời điểm các gia đình tề tựu, sum vầy bên nhau để thể hiện lòng hiếu kính. Đồng thời, ngày Tết cũng mang nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hoá nên nhu cầu đi lễ chùa cao hơn. Để có một cái Tết vẹn tròn, nhiều gia đình lắp thêm đèn trang trí để nhà cửa lấp lánh hơn. Chính vì vậy, nguy cơ gây cháy nổ do thắp nhang, thờ tự và sử dụng điện thiếu an toàn cũng cao hơn.
Bên cạnh đó, việc tập kết hàng hoá tại các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tạp hóa… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt, tại các gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh các mặt hàng dễ cháy như: vàng mã, hàng tạp hóa, đệm mút xốp… thì “bà hoả” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Những ngày qua, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy & cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) Công an TPHCM thường xuyên tổ chức kiểm tra an toàn cháy, nổ tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Đồng thời, Cảnh sát PCCC&CNCH còn đẩy mạnh hướng dẫn, khuyến cáo các chủ cơ sở, người dân sử dụng thiết bị điện có nguồn gốc rõ ràng; sắp xếp hàng hóa bảo đảm khoảng cách an toàn; thực hiện đốt vàng mã, thắp hương đúng nơi quy định…
Qua các buổi kiểm tra, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC đến từng hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất kinh doanh.
Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP kiểm tra an toàn cháy nổ tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Dương Trung Oanh
Nhằm đảm bảo an toàn tại nơi sinh sống, cảnh sát khuyến cáo mỗi hộ gia đình cần bảo đảm và duy trì các điều kiện an toàn về PCCC. Người dân cần trang bị bình chữa cháy xách tay và mặt nạ lọc độc để kịp thời xử lý tình huống xấu phát sinh.
Đồng thời, cần cẩn trọng khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã,… Không để các vật liệu dễ cháy gần nguồn lửa, nguồn nhiệt. Trước khi rời khỏi nhà và trước khi đi ngủ, người dân phải kiểm tra nơi đun nấu, nơi thờ cúng, tắt các thiết bị điện không cần thiết.
Đối với các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, nơi thờ tự phải thường xuyên tuyên truyền nâng cao kiến thức về PCCC cho những người làm việc, phục vụ tại chỗ, khách đến thăm, có ý thức chấp hành về PCCC. Ban hành nội quy về PCCC, dự phòng các điều kiện thoát nạn khi có cháy xảy ra.
Chủ động kiểm tra hệ thống điện, thiết bị tiêu thụ điện, điện chiếu sáng, dây dẫn điện; phải bố trí khu vực riêng dùng để hóa vàng mã tại các vị trí an toàn, cách xa các vật dụng dễ cháy… cử người trông coi khi khách đến thắp nhang, đèn, để xử lý ngay những trường hợp bất cẩn; hạn chế đến mức thấp nhất việc thắp hương thờ cúng và hóa vàng.
Đặc biệt, để đề phòng, ngăn ngừa và hạn chế thấp nhất các vụ cháy nổ có thể xảy ra trong dịp cuối năm, điều quan trọng nhất chính là việc người dân, chủ cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, ban quản lý chợ, trung tâm thương mại… phải tự nâng cao ý thức chấp hành, thực hiện nghiêm quy định về PCCC để vui Xuân, đón Tết thật an toàn và đầm ấm.
Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TPHCM chữa cháy tại một kho hàng trên địa bàn huyện Bình Chánh.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP, trong năm 2022, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra 195 vụ cháy; làm chết 04 người, bị thương 13 người; thiêu rụi khoảng 18.000m2 diện tích nhà xưởng, hàng trăm nhà dân, cùng nhiều tài sản, máy móc thiết bị của các cơ quan, doanh nghiệp… ước tính thành tiền khoảng 39,2 tỷ đồng (còn 71 vụ chưa ước tính thiệt hại tài sản thành tiền).
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH cũng đã tổ chức tìm kiếm CNCH, trực tiếp cứu được 64 người và hướng dẫn cho 56 người tự thoát nạn trong các đám cháy, tổ chức di dời, bảo vệ tài sản cho người dân, doanh nghiệp trong các vụ cháy.
Ngoài ra, trên địa bàn TPHCM còn xảy ra 612 vụ cháy thuộc diện không phải thống kê theo quy định tại Thông tư số 14/2019/TT-BCA của Bộ Công an; trong đó, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH xử lý 141/612 sự cố, lực lượng PCCC tại chỗ xử lý 471/612 sự cố (trong đó, có 01 vụ cháy được Tổ liên gia PCCC tổ chức cứu chữa).
Đặc biệt trong năm 2022, hai mô hình Tổ liên gia an toàn PCCC và Điểm chữa cháy công cộng được triển khai rộng rãi trên toàn địa bàn TPHCM và mang đến nhiều hiệu quả thiết thực. Thông qua mô hình nảy đã góp phần nâng cáo ý thức PCCC đến từng hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Cảnh sát PCCC&CNCH CATP chữa cháy tại một quán ăn ngay trung tâm Quận 1, TPHCM.
Trao đổi với phóng viên, Đại tá Huỳnh Quang Tâm – Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP cho biết, trong năm 2022, về cơ bản, số vụ cháy trên địa bàn TP đã được kéo giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên, tình hình cháy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Đa số các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại các nhà ở đơn lẻ, nhà ở kết hợp kinh doanh chỉ có 01 lối thoát nạn duy nhất, là thời điểm ít người qua lại, việc phát hiện và báo cháy không được kịp thời.
Do vậy, đám cháy thường phát triển mạnh, phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Mặt khác, khu vực xảy ra cháy nằm trong các khu dân cư, tại các hẻm nhỏ và sâu, ảnh hưởng nhiều đến khả năng tiếp cận, triển khai công tác chữa cháy và CNCH của lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Nguyên nhân gây cháy chủ yếu được nhận định ngay từ ban đầu là do sự số hệ thống thiết bị điện tại các nhà ở đơn lẻ và các công ty - doanh nghiệp (chiếm 104/126 vụ cháy đã xác định được nguyên nhân gây cháy, tỷ lệ 82,54%).
Ngày 3-1-2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC và để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC&CNCH.
Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng rà soát sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đảm bảo phù hợp với tình hình mới (thực hiện từ năm 2023 và các năm tiếp theo). Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện nghiêm việc thẩm định, cấp phép xây dựng đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC. Đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy nổ cao, cơ sở tập trung đông người như quán bar, karaoke, nhà cao tầng...