(CAO) Hàng trăm hộ dân sống dọc theo tỉnh lộ 11 (ấp Rẫy Mới, xã Bình An, H.Kiên Lương, Kiên Giang) rất bất bình trước việc một công ty khai thác đá ngày đêm với đoàn xe ben chở đá hoạt động rầm rộ, chạy với tốc độ cao làm đá rơi vãi xuống đường, bụi bay mù mịt.
Xen ben “đại náo” tỉnh lộ 11
Sáng sớm có mặt tại tỉnh lộ 11, đoạn ấp Rẫy Mới, chúng tôi chứng kiến hàng chục xe ben có tải trọng vài chục tấn chạy từng đợt, mỗi đợt 3-4 chiếc, có khi lên đến 6-7 chiếc nối đuôi nhau. Nhiều xe không che chắn làm đá rơi vãi xuống đường, bụi bay mù mịt khiến những người đi xe đạp, xe gắn máy chao đảo, né sát vào lề.
Ngồi bán hủ tiếu nên mỗi ngày chứng kiến hàng trăm lượt xe ben tranh nhau vượt, chị Đ.T.K.Q (38 tuổi, ngụ tổ 4, ấp Rẫy Mới) bức xúc: “Các xe chở đá ở đây chiếc nào cũng chạy với tốc độ cao, khi có thanh tra giao thông thì vô nhà đậu bớt và hoạt động ít lại. Mấy hôm nay, có mưa còn đỡ chứ những ngày nắng mỗi đợt cả chục xe chạy một lượt khiến bụi đường bay lên khủng khiếp, đá rớt mà hốt vào rải sân không hết.
Nhiều hôm chẳng chịu nổi tôi lấy bàn ra chắn ngang bởi khu vực này nhà sát lộ, đông trẻ em. Mong muốn của người dân là công ty cho xe chạy chậm lại để đảm bảo an toàn cho các em học sinh đi xe đạp, nhất là mùa tựu trường sắp tới”.
Xe ben chở đá chạy đêm ngày khiến đời sống hàng trăm hộ dân địa phương xáo trộn - Ảnh: Nguyễn Nhân
Người dân cho rằng ngoài việc xe chạy tốc độ cao còn chở quá tải trọng quy định dẫn đến con đường tiền tỷ mau xuống cấp trông thấy. “Tổng trọng tải ít nhất của một xe từ 20-45 tấn, dù lộ mới đưa vào sử dụng khoảng năm 2014 nhưng hiện tại xuống cấp rất nhiều chỗ. Ý là đường nhựa mà ngồi trong nhà bụi còn bay trắng dã như thế chứ đường đất như ngày xưa thì khỏi nói luôn.
Việc các tài xế chạy tốc độ cao là để đua tài với nhau, bởi ngoài ăn lương cơ bản, họ còn hưởng số lượng sản phẩm nên chạy càng nhiều thì thu nhập sẽ càng cao”- một nam công nhân có nhà gần mỏ đá nói.
Sống trong sợ hãi
Không chỉ lo ngại về xe quá tải “băm” nát đường, sống trong cảnh bụi bặm, người dân ở Rẫy Mới còn lo lắng nơi che nắng che mưa bị nứt và xuống cấp từng ngày nhưng chẳng dám nói vì người thân làm công trong các mỏ.
Bà L.M.K (54 tuổi, xã Bình An) có 3 người con làm công nhân trong mỏ đá cho biết: “Từ việc phá đá mà căn nhà bị nứt rất nhiều nơi và ngày một xé nhiều thêm. Mỗi lần bắn đá là khuôn bông, nồi, chảo, bàn thờ…thi nhau rớt xuống đất.
Cách nay khoảng 2 năm, một cục đá rớt xuống thủng nhà thủng nóc nhà khi đang ngồi cách đó mấy mét làm cho hồn vía chẳng còn. Nhà bị nứt vậy mà mấy ổng xuống cho 5 triệu đồng và kêu lấy xi-măng trét lại nhưng đâu làm được”.
Theo lời bà K., vách nhà bị nứt nhiều chỗ nên bà hạn chế cho 3 đứa cháu nhỏ ở trong nhà và kêu tất cả ra ngoài trại vui chơi hòng tránh nhà sập. “Giờ cả gia đình sống trong căn nhà nứt nham nhở nên ai cũng sợ, đêm ngủ chẳng yên giấc. Ngoài việc nứt nhà thì cái bồn nước xây phía sau cũng cùng số phận nên giờ chỉ còn cách là lót cao su xài tạm. Mong muốn là sớm được giải tỏa đi nơi khác sinh sống, bởi ở đây nhà sửa cũng chẳng được, xây mới cũng chẳng xong lại xuống cấp từng ngày”, bà K. than thở.
Việc khai thác đá cả ngày lẫn đêm, không có giờ giấc cố định khiến cho nhiều hộ sản xuất gặp khó khăn. Ông Trần Văn Út bức xúc nói: “Việc khai thác đá kể như suốt ngày từ Tết tới giờ. Trong khi đó chúng tôi là dân lao động làm việc suốt ngày cần được nghỉ ngơi vậy mà từ ca 4 từ 12 - 5 giờ sáng vẫn hoạt động khiến ai cũng phàn nàn.
Hoạt động khai thác đá khiến nhà dân bị nứt - Ảnh: Nguyễn Nhân
Mỗi lần nổ đá là không đúng giờ quy định, có lúc sớm, lúc trễ khiến nhiều người đang làm đồng một phen hú vía. Gia đình có trên 1ha đất nhưng chỉ bị giải tỏa một phần, còn lại 5 công giờ đành để đó. Hiện môi trường ở khu vực này ảnh hưởng rất nặng và mong mỏi là công ty nên ngưng hoạt động vào ban đêm để dân còn đường sống”.
Ông Trần Minh Sang, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) huyện Kiên Lương - cho biết: “Hiện khu vực này có 2 điểm khai thác đá gồm Trà Đuốc lớn và Trà Đuốc nhỏ do 5 công ty khai thác, chế biến là Trung Hiếu, C&T, An Phát, Quý Hải, Thái Sơn Minh. Riêng đối với công ty Thái Sơn Minh có hoạt động về đêm và bị dân phản ánh nên Phòng TNMT đang kết hợp với UBND xã Bình An tiến hành kiểm tra công ty này.
Từ khi đắp kênh xáng Rạch Giá – Hà Tiên để ngăn mặn đến nay thì đá bán ra Phú Quốc được vận chuyển bằng xe thay vì bằng đường thủy như trước đây cũng như con đường liên xã được Sở Giao thông Vận tải cho nâng tải trọng…”.
Mỏ đá đang khai thác - Ảnh: Nguyễn Nhân
Với việc khai thác bất kể giờ giấc, vận chuyển quá trọng tải quy định, không tưới đường khi gây bụi…đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý để trả lại cuộc sống yên bình cho người dân nơi đây.