Đồng tiền lạnh

Chủ Nhật, 15/10/2023 11:52

|

(CATP) Một ngày đẹp trời của Thiên niên kỷ mới, tôi đưa vài người bạn đến một khu rừng nằm cách thành phố 160 cây số, hướng về phía đông bắc. Khu rừng còn nguyên sơ, rất bí ẩn và toát lên cái mùi hăng hăng của những lớp lá vàng lần lượt chồng lên nhau qua bao mùa mưa nắng. Chủ rừng là lão Đớt, được tỉnh giao khai thác tiềm năng, chủ yếu là trồng cao su và các loại cây phù hợp với đất bazan như cà phê, trà, hồ tiêu...

1. Con gì trong lá bài úp?

Lão Đớt hưng phấn, lái chiếc Land Cruiser đưa khách chạy băng rừng, giới thiệu một số khu vực mới gieo trồng thử nghiệm. Trong lớp sương mờ ảo còn lan tỏa quanh các tán cây, tôi nghe tiếng chim hót, vượn hú; thỉnh thoảng có những con chim rất to, đuôi dài, cánh rộng nhiều màu sắc bay lướt qua, cả đoàn trầm trồ, thích thú. Lão Đớt bảo đó là chim phượng hoàng, loài chim thuộc dòng dõi "hoàng tộc", đang dần mất hút trong các khu rừng của nước ta, ở khu vực này may mắn còn sót lại một ít. Sau bữa cơm trưa, cả đoàn trở về.

Rồi một hôm, tôi lại được lão Đớt mời ra một thành phố biển đang hình thành các khu du lịch nguy nga, khách thập phương ngày càng yêu thích. Trên con đường độc đạo dẫn vào các khu vui chơi, lão sở hữu một khoảnh đất khá lớn, tôi đoán chừng 10 mẫu tây, án ngữ ngay cửa ngõ "xung yếu". Những dãy nhà gỗ lợp ngói đỏ được xây lên vội vã, trông giống nhà nghỉ ở các khu du lịch hoang sơ, nó có vẻ "Những cảnh sửa sang tầm thường, giả dối" (thơ Thế Lữ) hơn là định hình một công trình hoạt động lâu dài. Lão Đớt khoe với tôi rằng sắp tới nơi đây sẽ hiện diện một trường đại học. Tôi hỏi: "Có xây dựng lại không?". Lão cười hề hề: "Cơ sở vật chất như vầy là tuyệt rồi...".

Mà ngôi trường có giấy phép hoạt động thật. Hai năm sau, trong chuyến đưa gia đình đi nghỉ mát ở vùng biển ấy, tôi thấy tấm biển "nhân văn" đã dựng lên, phía trong có nhiều người đi lại. Tôi ghé vào phòng riêng của chủ đầu tư, thấy lão Đớt đang chăm chú trên một tấm sơ đồ đất đai. Lão hơi bất ngờ khi thấy tôi, gấp vội mảnh giấy, đứng lên cười xởi lởi: "Mình nói gì là có đó. Bạn thấy sinh động không, mấy em sinh viên ghi danh đến lớp cũng được hơn một trăm rồi, đang tiếp tục tuyển sinh... À, mà sao ra chơi không cho mình biết trước để tiếp đón, cơm nước cho chu đáo? Ở lâu không?".

Nhà văn - nhà báo Trần Tử Văn

Tôi không chú ý lời của lão mà dõi mắt nhìn quanh. Cách dạy dỗ này không khác gì cuộc đi dã ngoại của sinh viên, ngoài học chữ ra còn có phương tiện gì để nâng cao tri thức, để hoạt động rèn luyện thể lực? Lão không biết tôi đang nghĩ gì nên nói tiếp: "Sinh viên ở đây hầu hết là người dân tộc, hoàn cảnh khó khăn. Nếu bạn hỗ trợ cho một số học bổng thì quý hóa quá!". Tôi hứa sẽ tặng học bổng, bảo cho danh sách kèm theo vài nét nhân thân của các sinh viên đó. Lão Đớt ra vẻ phấn khởi. Tôi tiếp tục công việc của mình, nhưng những băn khoăn trong đầu vẫn chưa thoát ra được.

2. Lá bài được lật ngửa

Một chiều nắng ráo, tôi đi quanh quẩn khu trung tâm thành phố, chủ ý chụp vài "pô” hình hoạt động phố xá để làm tờ báo xuân. Đang thả chậm bước chân trên đường Lý Tự Trọng, tôi giật mình khi thấy một chiếc Lexus bóng lộn cố tình ghé sát vào chỗ mình, bước xuống xe không ai khác: chính là con người nhỏ thó, có cái cười nhiều ẩn ý ấy. Ông ta ôm lấy tôi rồi trách: "Quan chức gì mà ăn mặc xoàng xĩnh thế ni? Đi bát phố hả?". Tôi cười, nói mục đích của mình. Ông ta cảm ơn tôi đã chuyển ra 20 học bổng cho sinh viên người dân tộc, bảo nhiều em không kiềm được nước mắt, lãnh đạo nhà trường cũng rất hãnh diện...

Rồi lão Đớt thú thật là đang đi tìm nhà bán trên tuyến đường này để mua cho thằng con trai lớn mở công ty làm ăn, tìm mãi chưa thấy ưng ý. Theo thời giá lúc ấy, một căn nhà diện tích chừng 100m2 tại vị trí sầm uất thuộc loại bậc nhất thành phố này có giá không dưới 3.000 lượng vàng, nhưng cũng có những người mua liền một lúc hai, ba căn, phá đi xây mới làm khách sạn hoặc văn phòng công ty. Tôi không lấy làm lạ khi lão Đớt có ý định đó, vì vàng ký hay vàng tấn không còn là chuyện xa vời đối với nhiều người giỏi làm ăn thời này. Ông ta xởi lởi: "Chiều rồi, hai anh em mình tới khách sạn Hyatt làm mấy chai bia chơi nghen?". Tôi từ chối vì tối đó đã hẹn đưa bà xã đi xem ca nhạc.

Tôi không thích ăn nhậu, nhưng phải dành thời gian giao du vì nếu không thì tầm hoạt động sẽ bị hạn chế, thậm chí không nắm bắt được diễn biến thật của cuộc sống. Sáng hôm ấy, có việc đi qua khu "gia trang" của lão Đớt, nhớ lời mời mấy hôm trước, tôi ghé vào để xem đại gia này muốn khoe điều gì. Sau một lượt trà, lão đưa tôi ra khu để xe, kéo tấm bạt phủ chiếc Mercedes S500 xuống, cười kiêu hãnh: "Mình mới mua nè, một trong mấy chiếc đầu tiên đưa về Việt Nam, sang trọng và hiện đại lắm...". Tôi hỏi: "Đắt không?". Lão Đớt xuýt xoa: "Nó còn thua nhiều loại siêu xe khác, mình tốn chỉ 280.000 đô-la thôi...". Theo thời giá thì chiếc xe này tương đương với một căn phố mặt tiền trên con đường nhỏ mà tôi đang ở, đúng là không đắt lắm, nhưng nó là một tài sản mơ ước của hàng tỷ người trên trái đất.

Lão đến sát bên tôi, lấy ra một phong bì, nói rất tình cảm: "Tôi tặng bạn 10.000 đô-la, xài gì thì xài. Chỗ anh em thương mến nhau, chia sẻ tình cảm, đừng ngại ngùng gì cả...", rồi đút số tiền dày cộm ấy vào túi quần của tôi. Vật chất cũng là một phương tiện để người đời thể hiện tình cảm với nhau, nhưng nó cũng là "chiếc lưỡi câu" sắc nhọn ẩn trong miếng mồi thơm tho, béo ngậy. Tờ báo do tôi trực tiếp chỉ đạo về nội dung đang khuấy đảo dư luận với những loạt bài điều tra chống tiêu cực trong làm ăn gian dối của doanh nghiệp, trong những cán bộ, viên chức suy thoái phẩm chất; số tiền này tôi đoan chắc là "lưỡi câu" ẩn trong những lời ngọt ngào về tình cảm ấy. Số tiền này to chứ, nhưng tôi không đến nỗi túng thiếu nên không cần thêm những món thu nhập không minh bạch và số đô-la này cũng không giúp tôi giàu hơn... Bill Gates.

Nghĩ vậy, tôi mở cửa chiếc Mercedes, đặt phong bì lên băng ghế và nói: "Nếu tình cảm, anh em mình chỉ cần chén trà, ly bia là đủ. Ông cất lại nó đi, tiền là mồ hôi, nước mắt mà...". Lão Đớt tròn mắt ngạc nhiên, hồi lâu mới hỏi: "Vậy bạn có thích gì không?". Tôi nói không cần suy nghĩ: "Đang có chương trình cứu trợ lũ lụt miền Trung, ông tham gia với tờ báo là quý giá lắm. Thôi, ông làm việc đi nhé!". Tiễn khách ra về, lão Đớt nói chắc chắn: "Chiều tôi cho thằng lính mang tiền lên tòa soạn đóng góp, chuyện nghĩa tình mình nên tham gia chứ".

Chiều hôm đó, tôi đang đứng xem anh em cơ quan sắp xếp các vật dụng do độc giả gởi đến cứu trợ đồng bào bị thiên tai thì nhân viên của lão Đớt mang tiền đến. Phong thư khá mỏng, mở ra đếm được 10 triệu bạc. Tình cảnh "một miếng khi đói" hỗ trợ bao nhiêu cũng quý cả, tôi gởi lời cảm ơn đại gia, lấy chai nước khoáng trao cho anh nhân viên của lão.

3. Bản chất kẻ chơi bạc

Giữa năm 2015, tôi về hưu, trong lúc "ngọn lửa đời" vẫn đang cháy hừng hực. Một cơ quan chuyên trách công tác nhân đạo mời tôi tham gia và trao ngay chức Phó chủ tịch vận động nguồn cứu trợ. Trong một đợt tổ chức hỗ trợ vật chất cho những người nghèo ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, tôi bỗng nhớ đến lão Đớt và đánh tiếng mời tham gia chương trình. Qua giọng nói, lão có vẻ không thích thú lắm. Hai ngày sau, lão chuyển đến... 1 triệu bạc và than vãn: "Lúc rày làm ăn khó khăn lắm. Thôi tình nghĩa thế cũng tốt lắm rồi, có ít còn hơn không". "Điệu ru buồn" này tôi đã nghe không ít từ những người có trong tay ngàn tỷ, thậm chí trong đó có kẻ đã phản bội sự giúp đỡ của tôi trong công việc làm giàu của họ. Và chính từ những khúc quanh nghiệt ngã này, khi ngoảnh lại ta sẽ thấy còn có bao nhiêu người tiếp tục hành trình cuộc đời với mình.

Tôi cũng quên dần nhiều hình ảnh đẹp đẽ và xấu xí từng đi qua trong cuộc đời mình. May mắn là trong những năm tháng tại vị, do cách sống chân thành nên tôi cũng còn khá nhiều người bạn đứng quanh, tiếp tục trao nhau những quan hệ chân tình. Một buổi sáng mùa đông, người ta có cảm giác cái lạnh của không gian se sắt hơn nhiều năm trước, tôi nhận được một cú điện thoại dồn dập vào lúc 6 giờ sáng. Đầu bên kia, lão Đớt nói với giọng run rẩy, gấp gáp: "Bạn ơi, khỏe không? Bạn có quen tờ báo... đó không? Bạn nói giúp với họ một tiếng, ngưng giùm loạt bài điều tra đó... Chi phí bao nhiêu mình cũng trả được hết... Giúp mình nghen, vài hôm mình uống cà phê tâm sự thêm... Cố gắng nghen. Tình cũ nghĩa xưa với bạn cũng còn sâu đậm trong lòng mình lắm... Giúp mình một phen này thôi nghen... Cám ơn muôn lần...".

Tìm hiểu, tôi mới biết cả khu rừng lão chẳng trồng cây gì mà sang tay cho một tập đoàn khác khai thác làm khu du lịch, còn ngôi trường với hình thù "quái dị” đã nhanh chóng gỡ biển hiệu, bán mảnh đất cửa ngõ cho một người nhà giàu khác làm chốn vui chơi. Khi điều tra hành vi tham nhũng của một số quan chức địa phương, tờ báo ấy phát hiện có những kẻ dùng tiền móc vào "lưỡi câu" khiến những "con cá bự" không cách nào thoát ra được âm mưu thâm độc của những "thợ câu" rành nghề. Trong những người ném xuống dòng nước tù mù những "miếng mồi" ngon ngọt ấy có lão Đớt, mà tài sản của lão phình nhanh như chất bột nổi bỏ vào ổ bánh mì.

Tổng biên tập tờ báo ấy là bạn thân của tôi, trong suốt 30 năm tình nghĩa với nhau vẫn trong lành như ly nước lọc. Tôi từng là "nạn nhân" của những vụ can thiệp thô bạo khi đăng tải những bài phanh phui tiêu cực, tôi hiểu rõ nỗi đau của người cầm bút chân chính, thấu cảm sự mất mát vô cùng của những người thế cô, nên tôi không thể làm theo lời "cầu cứu" của kẻ đã sống trên nhung gấm bằng mưu ma, chước quỷ. Ba hôm sau, bài báo lớn ấy được đăng tải, dư luận xốn xang và cơ quan công an đã mời lão Đớt đến để thẩm vấn về những thủ thuật "quăng câu" đầy ma mị, cùng những cán bộ suy thoái phẩm chất chia chác tài nguyên bất chính, làm "loang lổ" nền kinh tế quốc gia!

Bình luận (0)

Lên đầu trang