"Đột nhập" công trường khai thác quặng sắt lậu

Thứ Sáu, 24/08/2018 10:49

|

(CAO) Người dân khoét núi, khai thác quặng sắt trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương không hay biết, sự việc được phát hiện khi phóng viên "đột nhập" mỏ quặng này và thông báo với lực lượng chức năng.

Mặc dù tỉnh Gia Lai đã có nhiều biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn vấn nạn “chảy máu” khoáng sản, nhưng tình trạng khai thác trái phép vẫn diễn ra ở nhiều nơi.

Sau khi vượt quảng đường hơn 100km, chúng tôi đến được đường Trường Sơn Đông thuộc địa phận huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Khi đã hóa trang kỹ càng, chúng tôi bắt đầu men theo con đường mòn dẫn lên khu vực rừng keo của xã Đông (huyện Kbang). Con đường đất đá lởm chởm, có nhiều con dốc dù chiếc xe máy đã lên hết ga, hết số vẫn rất ì ạch nhích từng chút. Có nhiều đoạn đường bị cày xới bởi xe chở quặng.

Lên đến gần đỉnh đồi, đập vào mặt chúng tôi là cảnh khai thác quặng rất công khai. Tại đây có 4 đối tượng đang dùng cuốc chim đào bới quặng dưới lòng đất. Các đối tượng đào bới, đục khoét trên một diện tích khá rộng. Nhiều tảng quặng lớn vừa được đào lên đang để phía trên mặt đất. Một số quặng khác đã được các đối tượng dùng búa đập nhỏ ra.

Cảnh người dân khai thác quặng sắt bên các triền núi

Di chuyển vào các lối mòn, có rất nhiều quặng vừa được khai thác xong để đầy 2 bên đường, chờ người tới vận chuyển. Có một số người đang ngồi xung quanh đường, dùng búa đập quặng. Khai thác đến đâu, đất đai bị đào bới nham nhở đến đó, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Việc khai thác và vận chuyển quặng trên các triền dốc cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động.

Những tảng quặng lớn vừa được đưa lên khỏi lòng đất

Vào phía bên trong chỗ ăn nghỉ của các các quặng tặc, chúng tôi bắt gặp nhiều vật dụng phục vụ cho việc khai thác. Rất nhiều chén, bát, đũa... để ngổn ngang. Các võng đã được cột sẵn trong khu rừng keo để phục vụ cho việc ngủ nghỉ. Ngoài ra, cuốc chim, búa, xe rùa… cũng được tập kết xung quanh. Lần theo dấu vết, chúng tôi đến được khu bãi đất trống khá bằng phẳng - nơi các đối tượng dùng tập kết quặng. Quặng sắt khai thác xong được đưa về đây, sau đó có xe lớn vào chở đi.

Những hố được đào sâu bên cạnh rừng keo để lấy quặng

Trong vai một người đi mua đất trồng keo, chúng tôi tiếp chuyện với một số người ở đây. Theo tiết lộ của một người làm việc tại mỏ, tất cả những người khai thác ở đây đều làm thuê cho một người tên Tr. (ở xã Đông), với mức tiền công 170 nghìn đồng/ngày. Ngày nào cao điểm có khoảng 10 người làm thuê cho ông Tr. tại mỏ này. Cứ khai thác xong, quặng sắt được đưa về bãi tập kết là có xe lớn đến bốc hàng chở đi. Quặng được ông Tr. bán sang Trung Quốc với giá 2.000đ/kg.

Quặng được khai thác xong tập kết về bãi, chờ xe lớn đến chở đi

Được biết, mỏ quặng sắt này nằm ở xã Đông từng được cấp phép cho Công ty khoáng sản Gia Lai khai thác. Khoảng 3 năm nay, mỏ quặng nói trên đã làm thủ tục đóng cửa, ngành chức năng đã trồng keo lai trên diện tích mỏ để phục hồi môi trường.

Theo tiết lộ của 1 người làm việc tại đây, mỏ này được khai thác trái phép lâu nay

Một lãnh đạo xã Đông cho biết, từ khi mỏ này đóng cửa đến nay, xã chưa phát hiện tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở đây. Khi được cung cấp về hình ảnh khai thác quặng sắt tại mỏ này, vị này khá bất ngờ. Khi hỏi thông tin chi tiết về mỏ này, vị cán bộ này lắc đầu không biết.

Chúng tôi đã liên hệ với UBND huyện Kbang để trình báo vụ việc. Tại đây, ông Phạm Xuân Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cho biết, mỏ quặng sắt trên, trước kia từng được cấp phép cho Công ty khoáng sản Gia Lai với diện tích 35,3ha. Mỏ quặng sắt này đã đóng cửa theo quyết định của UBND tỉnh Gia Lai và đã bàn giao đất về cho địa phương quản lý.

“Việc khai thác quặng sắt trên là khai thác khoáng sản trái phép, cần phải xử lý nghiêm. Chúng tôi sẽ chỉ đạo các ban ngành chuyên môn vào kiểm tra hiện trạng và sẽ có báo cáo cụ thể về vấn đề này. Nếu có tình trạng khai thác trái phép tại đây, sẽ xử lý theo quy định pháp luật đối với các đối tượng”, ông Trường nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang