Tâm lý chủ quan
Từ ngày 15-11-2020, hành vi không đeo khẩu trang phòng dịch Covid-19 ở nơi công cộng bị tăng mức phạt lên gấp 10 lần, tức là có thể bị phạt tới 3 triệu đồng theo Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Trước đó, theo Nghị định 176/2013, mức phạt cho hành vi này chỉ từ 100 - 300 ngàn đồng. Tuy vậy, dù mức phạt lần này được nhiều người đánh giá thực sự đủ sức răn đe, nhưng tâm lý chủ quan "chắc không đến lượt mình" vẫn đang lấn át những người thực sự quan tâm, có ý thức trong việc chủ động phòng - chống dịch.
Nghị định 117/2020 (thay thế Nghị định 176/2013) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế đã tăng mức phạt cho hành vi không đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19 cao gấp 10 lần so với quy định cũ. Quy định này có hiệu lực từ ngày 28-9-2020. Cụ thể, tại điểm a khoản 1 Điều 12 Nghị định 117/2020 quy định: Hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế sẽ bị phạt tiền 1 - 3 triệu đồng. Theo quy định cũ, hành vi này chỉ bị phạt tiền 100.000 -300.000 đồng.
Trước đó, ngày 8-10, Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản khẩn về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể, TPHCM yêu cầu người dân thực hiện nghiêm nhiều biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Khoảng 11 giờ ngày 22-11, chúng tôi có mặt ở khu vực giao lộ Lê Quý Đôn - Võ Văn Tần (Q3), chứng kiến hàng loạt người di chuyển trên đường mà không đeo khẩu trang. Anh Trần Thiên An (32 tuổi), một trong những người "quên" đeo khẩu trang cho biết: "Đang trên đường về công ty sau một cuộc họp với đối tác, do việc gấp quá nên vừa họp xong liền lấy xe đi ngay cho kịp giờ làm buổi chiều". Tương tự, ở các đoạn đường đông đúc như giao lộ Trần Phú - Nguyễn Trãi, Ngã 6 Lý Thái Tổ..., số người đeo khẩu trang vẫn khá ít ỏi. Thế nhưng hầu như không thấy lực lượng nào nhắc nhở hay xử phạt người không đeo khẩu trang theo nghị định 117/2020.
Đến chiều tối cùng ngày, đúng một tuần sau khi Nghị định 117/2020 bắt đầu có hiệu lực, nhiều người đã bắt đầu có dấu hiệu lơ là. Tại một quán cà phê trên địa bàn Q10, các bạn trẻ tới đây ngồi thành từng nhóm 3-5 người nhưng không đeo khẩu trang. Khi được hỏi, một người cho biết chỉ đeo khi ở ngoài đường, còn khi vào trong quán không cần đeo nữa vì "đây không phải nơi công cộng". Tất cả trong số họ đều không biết đến nghị định 117/2020 và mức phạt tiền rất nặng của nghị định này cho hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng. Thậm chí, nhiều bạn còn khẳng định "không còn dịch Covid-19 ở Việt Nam nữa đâu mà đeo khẩu trang làm gì?".
Vẫn còn nhiều người không đeo khẩu trang khi di chuyển ngoài đường
Hành khách bến xe, sân bay cũng lơ là
Tại khu vực bến xe Miền Đông cũ (Q.Bình Thạnh), hành khách đi các chuyến miền Trung - Tây Nguyên luôn tấp nập. Nhân viên bảo vệ, soát vé liên tục nhắc nhở hành khách phải đeo khẩu trang để giữ an toàn sức khỏe nơi đông người. Trên các tuyến xe buýt, hành khách không đeo khẩu trang lập tức bị mời xuống xe. Đây là quy định đã được bến xe quán triệt thực hiện từ tháng 2-2020.
Xử phạt hàng ngàn trường hợp không đeo khẩu trang
Khi Việt Nam đang bước vào làn sóng thứ 2 của dịch bệnh với tốc độ lây lan và số lượng cao hơn cả đỉnh dịch của làn sóng thứ nhất, TPHCM bắt đầu xử phạt người dân không đeo khẩu trang tại nơi công cộng theo chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19. Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, trong tuần lễ từ ngày 24 đến 30-8, lực lượng chức năng đã nhắc nhở 1.271 trường hợp không đeo khẩu trang và xử phạt 521 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 140 triệu đồng. Nếu tính từ ngày 5-8, tổng số trường hợp nhắc nhở là 7.420 trường hợp và xử phạt 3.769 trường hợp, tổng số tiền phạt là hơn 756 triệu đồng.
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều hành khách cố tình không thực hiện việc đeo khẩu trang. Ở khu vực sảnh chờ, hàng loạt dãy ghế ngồi luôn đông đúc nhưng vẫn có nhiều người "từ chối" đeo khẩu trang hoặc đeo không đúng cách. Đến khi bị nhắc nhở, họ đành ngậm ngùi đi mua khẩu trang của những người bán hàng rong với giá 5 ngàn đồng/cái.
Chị Đỗ Nguyễn Như Quỳnh (25 tuổi, quê Bình Phước) cho biết: "Tôi đọc báo thấy mức phạt tiền của nghị định mới khá nặng nên chấp hành nghiêm chỉnh bất kể khi nào ra đường. Nhưng khi tới một số nơi công cộng mấy ngày qua, tôi vẫn thấy rất nhiều người không quan tâm đến việc đeo khẩu trang. Chắc họ tưởng hết dịch rồi".
Tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Q. Tân Bình), qua ghi nhận, phần lớn người ra vào sân bay đều chấp hành đeo khẩu trang phòng dịch. Tuy nhiên, vẫn có một số người không đeo hoặc luôn tháo ra ngay khi vừa qua khỏi chốt bảo vệ, cổng ra vào hay quầy vé. Đây là một trong những hành vi rất nguy hiểm, khi tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường trên thế giới.
Bên trong nhiều quán cà phê, việc đeo khẩu trang gần như không được quan tâm
Trần Bảo Nhi (17 tuổi, hành khách đi Phú Quốc) cho biết, bản thân hoàn toàn không biết việc không đeo khẩu trang nơi công cộng sẽ bị tăng mức xử phạt lên 3 triệu đồng. "Nhưng dù có phạt hay không thì khi ra ngoài tôi vẫn đeo khẩu trang. Tôi thấy hầu hết những người xung quanh mình cũng chấp hành tương đối tốt. Tôi nghĩ việc tăng mức xử phạt như vậy là hợp lý vì 100.000 đồng - 300.000 đồng là quá thấp".
Theo anh Nguyễn Hữu Dũng, tài xế taxi công nghệ tại sân bay quốc Tế Tân Sơn Nhất: "Lúc trước tôi cũng không có thói quen đeo khẩu trang, từ khi có dịch tôi mới bắt đầu đeo, nhất là khi xe đang chở khách. Dù khó chịu nhưng đó là mình đang bảo vệ sức khỏe cho bản thân và người khác. Vậy mà nhiều người vẫn không sợ, không đeo hoặc lên xe bỏ khẩu trang ra ngay. Gặp những người như vậy tôi dù không muốn khách buồn nhưng phải nhắc nhở. Sức khỏe quan trọng hơn, chạy không được chuyến này mình chờ chuyến khác".
Vẫn còn nhiều người lơ là, không đeo khẩu trang tại sân bay, bến xe
Ngày 8-10, Phó chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm đã ký văn bản khẩn về việc thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới. Cụ thể, thành phố yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp như đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, đến các địa điểm đông người và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc.
Cho đến nay, văn bản này của Phó chủ tịch UBND TPHCM vẫn còn nguyên hiệu lực. Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phải tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, bảo đảm thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch trong phạm vi quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. UBND TPHCM chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan cần đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch theo tình hình mới; không để xảy ra "làn sóng dịch bệnh thứ ba" trên địa bàn.
Trước đó, ngày 19-10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chủ trì cuộc họp trực tuyến của Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, địa phương. Đánh giá đã có sự chủ quan trong phòng, chống dịch khi nguy cơ dịch lây lan vẫn hiện hữu, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không được chủ quan, không để dịch quay trở lại. Ngoài ra, chúng ta đang chuẩn bị bước vào mùa Đông, nhiệt độ thấp hơn là điều kiện thời tiết thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm phát triển, lây lan. Chính vì vậy, Thủ tướng nhấn mạnh, các cấp, các ngành, các địa phương không được chủ quan trong mọi trường hợp. Đặc biệt với Hà Nội và TPHCM, Thủ tướng chỉ đạo phải đeo khẩu trang nơi công cộng.
Ít người biết quy định mới có mức phạt 3 triệu đồng
Anh Tạ Quang Duy (Q.Bình Thạnh) cho biết, có tham gia nhiều câu lạc bộ đá bóng ở Q.Bình Thạnh và làm việc trong công ty trên địa bàn Q.Thủ Đức, nên tập trung một số lượng lớn người nhưng không thấy ai đeo khẩu trang. "Trước đây tôi có nghiêm túc chấp hành để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình, đó cũng là thời điểm báo chí đưa tin rầm rộ về các ca nhiễm Covid-19 liên tục tăng cao và cơ quan chức năng cũng ra quân xử lý rầm rộ. Với quy định mới, tăng mức phạt lên đến 3 triệu đồng, tôi chỉ mới biết khi bạn (phóng viên) nói" - anh Duy chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Văn Bình, tài xế taxi công nghệ cũng cho biết do làm nghề tiếp xúc với nhiều người nên lúc nào anh cũng đeo khẩu trang chứ không hề biết đến quy định mới. "Khoảng một tháng gần đây thì hầu như tất cả khách mà mình đón hiếm khi nào mang khẩu trang. Khi mình hỏi thì nhiều người cho rằng dịch đã giảm nên ngại đeo, cùng lắm chỉ bị phạt 100 - 200 ngàn đồng".