"Có phúc cho con biết lội"
Hàng năm tại VN có trung bình hơn 2.000 trẻ bị đuối nước (thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Con số này tương ứng với việc mỗi khi màn đêm buông xuống lại có khoảng... 6 đứa trẻ không thể về nhà vì đuối nước. Đây thực sự là con số nhức nhối khiến người lớn thắt lòng và làm dậy lên nỗi băn khoăn: Tại sao một đất nước có rất nhiều biển hồ, sông suối, kênh rạch mà trẻ em lại thiếu kỹ năng bơi?
Quê tôi ở vùng trung du, trước nhà có 2 hồ nước lớn, khi còn bé, có lẽ chỉ ngoại trừ ngày đông tháng giá là lũ trẻ chúng tôi không xuống bơi lội; còn lại đặc biệt vào những ngày hè, tắm ao đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật. Cách bơi kiểu nhà quê chủ yếu là "bơi chó” - tức là bơi ngẩng đầu. Kỹ năng này hình thành là do thời gian khó thì lấy đâu ra kính bơi; thêm nữa thì kỹ năng bơi này cốt lõi là để chơi và đặc biệt có thể tồn tại - vừa bơi vừa quan sát để không bị chết đuối trong nước, nhất là vào mùa lũ.
Người nhà quê truyền đời câu nói "Có phúc cho con biết lội", hàm ý việc biết bơi cực kỳ quan trọng - là cái phúc để con trẻ có thể tồn tại trong điều kiện tự nhiên vốn nhiều rủi ro vì VN có nhiều biển hồ, sông ngòi, kênh rạch. Từ đó, lũ trẻ chúng tôi thường được người lớn hoặc tự tay chặt những cây chuối, lấy mấy cái can vứt xuống ao rồi bám vào đó để tập bơi. Có khi người lớn dạy trẻ con, trẻ con hướng dẫn cho nhau, đứa biết bơi dạy đứa chưa biết. Cứ như vậy, các thế hệ người dân quê tôi hầu như ai cũng biết bơi, còn hai cái ao thì "ma nước" chẳng thể nào dìm ai được.
Thế nhưng câu hỏi lớn đặt ra là: Tại sao bơi lội là "cái phúc", là kỹ năng cực kỳ quan trọng và tối cần thiết cho trẻ con lại bị hệ thống giáo dục - đào tạo bỏ ngỏ mặc dù GD thể chất lại là yêu cầu bắt buộc?
Còn nhớ năm 2005 - khi còn là phóng viên thể thao tham dự kỳ SEA Games tại Philippines, tôi có tìm hiểu về cơ sở hạ tầng phục vụ sự kiện này. Ban tổ chức nước chủ nhà cho biết: Hệ thống trường học cùng các cung thể thao của Philippines đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của SEA Games. Thêm nữa, khi tìm hiểu hoạt động GD thể chất của nhiều quốc gia trên thế giới, tôi được biết bơi lội là bộ môn bắt buộc của GD thể chất cho trẻ trong nhà trường.
Các em nhỏ hào hứng trong giờ học bơi
Tại VN trong kỳ sửa đổi Luật Thể dục, thể thao gần nhất, mặc dù rất nhiều ý kiến cho rằng cần quy định bơi là môn học chính khóa trong nhà trường hoặc như một tiêu chí bắt buộc khi học sinh (HS) ra trường, thậm chí quan điểm này cũng được chính Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành bởi ủy ban này nhận thấy bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, thể chất mà còn là KNST. Thế nhưng khi thông qua và có hiệu lực thì quy định này trong luật lại tiếp tục bị bỏ ra ngoài vì... khó khả thi và kỹ năng bơi lội vẫn hoàn toàn bị bỏ ngỏ.
Vậy liệu có giải pháp khả thi nào trong điều kiện hiện nay để có thể dạy bơi - KNST cho trẻ? Tôi cho rằng có và không quá khó.
Như đã nói ở trên, VN có rất nhiều biển hồ, sông suối, kênh rạch. Đây chính là "nguồn lực tự nhiên" cùng với "nguồn lực nhân tạo" là hệ thống bể bơi - bao gồm cả hệ thống bể bơi của quân đội. Tôi tin rằng chỉ cần phối hợp tổ chức và cơ cấu lại thì nguồn lực này sẽ trở nên dồi dào. Về nguồn lực con người, cùng với nguồn lực sẵn có là giáo viên thể chất của các trường thì từ Trung ương đến địa phương đều có cán bộ thể chất, hệ thống huấn luyện viên, vận động viên... Nếu các khớp nối này liên kết lại thì việc dạy bơi hoàn toàn khả thi hoặc chí ít là từng địa phương, từng khu vực tùy hoàn cảnh sẽ cải thiện đáng kể hoạt động này.
An toàn giao thông là kỹ năng sinh tồn mỗi ngày
Sau đuối nước, tại VN, TNGT cũng cướp đi sinh mạng của khoảng gần 2.000 trẻ mỗi năm. Chính vì thế, vấn đề an toàn cho trẻ em trong tham gia giao thông (GT) cũng đã nóng lên trong diễn đàn Quốc hội năm 2024 với việc bàn thảo và thông qua Luật Trật tự, ATGT đường bộ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2025).
Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến TNGT ở trẻ là bởi hạ tầng GT của VN hiện đang thiếu không gian an toàn cho người đi bộ, nhất là trẻ em. Do đó, người đi bộ - trong đó có trẻ em - phải đi chung đường, chung làn với các phương tiện khác. Đặc biệt, thêm nguyên nhân quan trọng khác là KNST cho trẻ khi tham gia GT cũng chưa thực sự được quan tâm và đưa vào GD như môn học bắt buộc trong nhà trường. Chính vì thế, thực trạng trẻ em xem điện thoại, đeo tai nghe, sang đường thiếu quan sát, nghe ngóng và sang đường không đúng quy định hoặc thậm chí là vi phạm khi tham gia GT ngày càng trở nên phổ biến.
Tại Singapore, hoạt động giáo dục ATGT đường bộ được thực hiện với trẻ từ 7 - 12 tuổi và tổ chức ở môi trường có bối cảnh cùng các thiết bị, đèn báo tín hiệu GT như trên đường phố để HS làm quen và trải nghiệm. Cảnh sát GT là đơn vị phối hợp với nhà trường tổ chức giảng dạy về ATGT. Tham gia các buổi học, trẻ em được học lý thuyết rồi tham gia đóng vai người đi bộ, cảnh sát GT, người đi xe đạp... để xử lý các tình huống GT. Tương tự như ở Đức, HS tiểu học cũng được tham gia các bài học về ATGT do cảnh sát GT phối hợp với nhà trường giảng dạy. Sau mỗi kỳ học, trẻ được tổ chức sát hạch để có thể bảo đảm rằng các em đã được trang bị kiến thức và KNST khi tham gia GT một cách an toàn.
Trên thực tế không chỉ Đức hay Singapore, nhiều quốc gia hoặc các bang trong quốc gia trên thế giới cũng đưa ATGT vào chương trình GD bắt buộc. Điển hình như bang New South Wales (Australia), ngay từ năm 1986 ATGT đã trở thành môn học bắt buộc trong nhà trường. Cụ thể, Chương trình Giáo dục An toàn đường bộ (GDATĐB) đã phối hợp với Bộ GD, Hiệp hội các trường độc lập, Chương trình GDATĐB sớm cho trẻ em cung cấp các nguồn tư liệu, khóa GD và phát triển chuyên môn cho trường học, giáo viên. Đây là một phần trong chương trình GD chính thức dành cho HS và đào tạo nghiệp vụ cho giáo viên. Nhờ đó, Chương trình GDATĐB được xếp trong môn Phát triển con người, GD thể chất và sức khỏe đối với tất cả HS từ bậc mầm non tới 10 tuổi.
Còn tại VN, cùng với Luật Trật tự, ATGT đường bộ đi vào cuộc sống thì yêu cầu đào tạo, hướng dẫn ATGT ở cấp độ KNST cũng đang trở nên rất cấp thiết. Mới đây nhất, ngày 10/10/2024 Ban ATGT TPHCM phối hợp cùng Trung tâm tư vấn sức khỏe cộng đồng tổ chức hội thảo nhằm phổ biến các quy định mới về bảo vệ trẻ em trên ôtô theo Luật Trật tự, ATGT đường bộ. Trong bối cảnh nhiều vụ TNGT thương tâm xảy ra, Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Tuyên truyền và phổ biến pháp luật về trật tự, ATGT - Cục Cảnh sát GT - Bộ Công an, nhấn mạnh: Trẻ em là nhóm đối tượng đặc biệt cần được bảo vệ. Theo đó, Đại tá Nhật đề xuất cần phải đẩy mạnh giáo dục ATGT từ các cấp học trong nhà trường.
Phân tích như trên để thấy, trẻ em rất cần được trang bị KNST, bởi có sinh tồn thì mới có sự phát triển.