Sau bài "Cát tặc lộng hành như chốn không người trên sông Hiếu":

Truy quét, xử lý cát tặc rất khó khăn

Thứ Hai, 11/03/2019 22:13  | Hoàng Quân

|

CAO) “Cát tặc” hoạt động trên các sông ở Quảng Trị rất nhộn nhịp, gây nhức nhối. Nhưng khi các lực lượng tổ chức truy bắt thì rất khó khăn, gian nan, việc xử lý chỉ như… “bắt cóc bỏ dĩa”.

Mánh khóe của cát tặc

Sau nhiều ngày cùng người dân theo dõi phương thức hoạt động của cát tặc hoành hành trên sông Hiếu và sông Thạch Hãn thuộc P.Đông Giang (TP.Đông Hà) và xã Triệu Độ (huyện Triệu Phong, Quảng Trị), PV Báo Công an TP.HCM đã phản ánh tình trạng này qua bài "Cát tặc lộng hành như chốn không người trên sông Hiếu" và cung cấp thông tin đến chính quyền, lực lượng chức năng.

Lực lượng CSGT Công an tỉnh Quảng Trị tổ chức tuần tra, truy bắt cát tặc trên sông.

Sau khi PV cung cấp thêm thông tin, hình ảnh và đề xuất, Đại tá Trần Đức Việt – Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị đã chỉ đạo lực lượng chức năng truy quét.

Đêm 7-3, PV cùng lực lượng của Phòng CSGT Công an tỉnh và Công an huyện Triệu Phong âm thầm về ven sông Thạch Hãn. Đến 22 giờ, hai chiếc ca nô lên đường tuần tra dọc sông Thạch Hãn, sông Hiếu và ngã ba Gia Độ.

Tuy nhiên, suốt hơn 2 giờ quần đảo, lực lượng kiểm tra không phát hiện ghe, thuyền nào hút cát.

Thiếu tá Nguyễn Thanh Tuấn - Phó Trưởng Phòng CSGT cho biết: “Để chứng minh “cát tặc” thì phải bắt quả tang. Theo Nghị định 33/2017/NĐ-CP, khai thác trái phép trên 50m3 cát thì mới tịch thu phương tiện. Trong khi “cát tặc” lách luật, khai thác dưới khối lượng này. Việc xử lý hình sự rất khó và phải chứng minh mức độ gây hậu quả nghiêm trọng. Phần lớn chỉ có thể kiểm tra giấy tờ và xử lý các vi phạm về an toàn”.

Các cán bộ chiến sĩ CSGT cho biết, người khai thác cát vừa liều lĩnh vừa tính toán, tinh quái, có đội quân theo dõi các động tĩnh của lực lượng chức năng. Việc truy quét phải sử dụng ca nô nên mỗi lần khởi động, nổ máy lên là họ biết và trút cát xuống sông nên khi đến nơi thì tàu, ghe trống không.

Người và ghe, tàu hút cát lậu "oanh tạc" trên sông đoạn ngã ba Gia Độ.

Đêm 8-3, lực lượng công an tiếp tục tuần tra dọc các sông nhưng chỉ ghi nhận một số ghe, đò trống không.

Qua xác minh, tìm hiểu, lợi dụng lúc rạng sáng khi lực lượng công an vừa lên bờ, đêm 9-3 có 4 ghe, tàu hút cát; đêm 10-3 có 5 ghe, tàu hút cát ở khu vực ngã ba Gia Độ…

Từ giữa tháng 12-2018 đến nay, Phòng CSGT Công an tỉnh tổ chức 4 ca tuần tra, phát hiện 3 trường hợp khai thác cát sỏi, chuyển Phòng Cảnh sát Môi trường xử phạt 17 triệu đồng.

Phòng CSGT còn phối hợp cùng Phòng Cảnh sát Môi trường phát hiện 2 phương tiện khai thác trái phép, phạt 8 triệu đồng; lập biên bản đình chỉ hoạt động đối với một số bãi tập kết cát trái phép trên địa bàn…

Ca nô tuần tra bị mắc cạn, các cán bộ chiến sĩ phải dùng gậy chống, đẩy ca nô ra ngoài.

Đại tá Nguyễn Ngọc Minh – Trưởng Công an huyện Triệu Phong cho biết, đã triển khai 2 tổ ứng trực trên các tuyến sông để kịp thời phát hiện, xử lý. Từ ngày 15-11-2018 đến nay, đơn vị phát hiện 20 trường hợp khai thác, kinh doanh cát, sỏi trái phép; xử phạt 21 đối tượng với hơn 67 triệu đồng.

Tối 11-3, Phòng CSGT Công an tỉnh tiếp tục truy quét và bắt 2 tàu khai thác cát trái phép quanh ngã ba Gia Độ. Phương tiện đang được lai dắt về cảng Đông Hà và vụ việc được lập biên bản, bàn giao đến Công an TP.Đông Hà để xử lý theo thẩm quyền.

Cần biện pháp mạnh, xử lý tận gốc

Trao đổi với PV, ông Hà Sỹ Đồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, sẽ chỉ đạo chính quyền, các ban ngành chức năng kiểm tra, xử lý sự việc sau khi PV thông tin, phản ánh.

Do nhu cầu lớn và lợi nhuận cát lậu cao nên việc khai thác khoáng sản, cát sỏi tại Quảng Trị rất phức tạp. Trên các tuyến sông lớn như sông Hiếu, sông Thạch Hãn phía hạ nguồn tập trung khoảng 50 bãi tập kết (trong đó chỉ có hơn 10 bãi có giấp phép), khoảng gần 50 phương tiện thủy khai thác cát, sạn. Hiện trên các sông ở tỉnh chỉ có 3 mỏ khai thác cát (2 mỏ ở sông Thạch Hãn phía thượng nguồn và 1 mỏ trên sông Bến Hải).

Người dân mang vật cản ra chặn xe chở cát lậu đi vào khu dân cư.

Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt để xử lý việc khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên việc xử lý chưa được triệt để, có lúc chỉ như “bắt cóc bỏ dĩa”; việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ cát, sỏi chưa được rõ ràng...

Việc khai thác cát trái phép chủ yếu diễn ra từ 22 giờ đến 4 giờ sáng sớm hôm sau để đưa đến các bãi tập kết nên các ngành chức năng rất khó kiểm soát được nguồn gốc cát tại các bến bãi.

Kiểm soát phương tiện của các đơn vị được cấp phép khai thác cũng khó khăn do đa số chủ phương tiện là người dân vốn sống bằng nghề sông nước, hợp đồng bằng miệng với các chủ bãi, đời sống kinh tế bấp bênh, nhiều hộ nghèo, phương tiện thường không có đăng ký, đăng kiểm…

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho biết, để kiểm soát, hạn chế khai thác cát, sỏi trái phép trên các sông, ngoài việc tăng cường lực lượng tuần tra, truy quét thì cần mạnh tay giải tỏa các bãi tập kết, kinh doanh; kiểm soát, truy xuất nguồn gốc cát, sạn tại các bãi, bến; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tái vi phạm để mang tính răn đe; có sự phối hợp chặt giữa chính quyền, các ban ngành, lực lượng…

Bình luận (0)

Lên đầu trang