Báo động tình trạng giới trẻ hút thuốc lá điện tử đang tăng nhanh

Thứ Sáu, 25/11/2022 16:41

|

(CAO) Thuốc lá điện tử chứa các chất độc hại tương tự những chất độc có trong thuốc lá thông thường. Đáng lo ngại, hiện nay tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ tại Việt Nam đang gia tăng một cách hết sức báo động.

Đây là thông tin được nêu lên tại hội thảo về “thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do Bộ Thông tin & Truyền thông phối hợp cùng tổ chức Health Bridge Việt Nam đã tổ chức tại TP.HCM vào chiều 25/11.

Theo đó, Việt Nam là một trong các quốc gia có tỉ lệ người lớn và nam giới hút thuốc cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Số liệu thống kê cho thấy Việt Nam ước tính có khoảng 15,4 triệu người hút thuốc lá. Trong đó có khoảng 14,8 triệu người là nam giới và 603.000 người hút thuốc là nữ giới.

Các đại biểu tham gia hội thảo về thực trạng, thách thức và giải pháp trong phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Đáng nói, tiền thuế thu được từ thuốc lá không đủ để bù đắp chi phí điều trị các căn bệnh có liên quan đến thuốc lá. Nghiên cứu cho thấy có 25 căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá như: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi…

Tại Việt Nam, thuốc lá được xác định là tác nhân gây ra khoảng 40.000 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự báo đến năm 2030 sẽ có tới 70.000 người tử vong/năm nếu Việt Nam không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả.

Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc kiểm soát thuốc lá trong những năm gần đây. Tỷ lệ hút thuốc ở cả người trưởng thành và thanh thiếu niên đang giảm dần. Giai đoạn từ 2015 đến 2020, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới từ giảm từ 45,3% xuống 42,3%.

Cùng với đó, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm như nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%); trường học giảm 16,4% (từ 54,3% xuống 37,9%); trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,4% xuống 19,4%); tại gia đình giảm 13,2% (từ 73,1% xuống 59,9%).

Đặc biệt trong học sinh lứa tuổi từ 13 đến 17, tỷ lệ hút thuốc giảm 50% (giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019). Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong việc ngăn ngừa hút thuốc lá trong giới trẻ, bảo đảm thành công bền vững của chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thuốc lá điện tử chứa các chất độc hại. Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Thu Hương – đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) tỏ ra lo lắng khi tỷ lệ hút thuốc lá điện tử tăng báo động từ 0,2% năm 2015 lên đến 3,6% năm 2020, tức tăng đến 18 lần. Trong đó nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%).

TS Angela Pratt - Trưởng đại diện văn phòng WHO tại Việt Nam cho biết thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá nung nóng mới sử dụng pin thực sự rất nguy hiểm đối với sức khỏe của thanh thiếu niên. Những sản phẩm này chứa hàm lượng lớn nicotine, một chất gây nghiện mạnh.

“Chúng tôi có các bằng chứng cho thấy tác hại đáng kể mà nicotine có trong thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới có thể gây ra đối với bộ não đang phát triển của trẻ em và thanh thiếu niên. Đặc biệt, những sản phẩm này có chứa các chất độc hại gây ung thư, bệnh tim và bệnh phổi… tương tự như những chất độc có trong thuốc lá thông thường”, TS Angela Pratt nhấn mạnh.

Đáng chú ý, các sản phẩm thuốc lá điện tử được thiết kế và bày bán trên thị trường với màu sắc, hương vị và bao bì hấp dẫn để thu hút giới trẻ. Đồng thời, các tập đoàn thuốc lá đang cố gắng quảng cáo và truyền bá những nhận thức sai lệch về thuốc lá điện tử ít nguy hại để lôi kéo người sử dụng.

Đại diện Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam và các chuyên gia tại hội thảo cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cấm nhập khẩu, quảng cáo và bán các sản phẩm thuốc lá điện tử và thuốc lá thế hệ mới.

Điều này không chỉ để ngăn ngừa sự gia tăng nhanh chóng tỷ lệ sử dụng trong giới trẻ mà còn nhằm bảo vệ sức khỏe, trí tuệ của những “mầm xanh” của đất nước.

Bình luận (0)

Lên đầu trang