Vụ 2 ngư dân bị hành hạ ở Cà Mau: Khởi tố, bắt tạm giam 3 đối tượng liên quan

Thứ Sáu, 25/11/2022 10:14  | Nguyễn Nhân

|

(CATP) Ngày 24-11, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã ra quyết định khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam Nguyễn Văn Tỵ (SN 1989), Nguyễn Công Toàn (SN 1988) và Đoàn Văn Hùng (SN 1978, cùng ngụ huyện Trần Văn Thời) về hành vi "Hành hạ người khác". Đây là các đối tượng hành hạ 2 ngư phủ một cách dã man, gây xôn xao dư luận sau khi xuất hiện clip đăng tải trên mạng xã hội.

Tra tấn vì lười làm việc

Chiều 23-11, Trung tâm Giám định pháp y tỉnh Cà Mau đã chuyển kết quả giám định thương tích của anh Trương Văn Trung (SN 1975, ngụ huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời. Theo đó, tỷ lệ thương tích của anh Trung là 48%. Hiện vụ việc đang trong qua trình điều tra, nếu đủ căn cứ, CQĐT sẽ bổ sung tội danh.

Làm việc với Công an, 3 bị can khai nhận đánh anh Trung bằng roi đuôi cá đuối, bằng kềm, vỏ xe, dây thừng, dao. Lý do đánh anh Trung là vì người này lười làm việc. Do chân anh Trung yếu nên trong quá trình làm việc có chậm chạp, mắt mờ nên lựa cá sót.

Trước đó, tối 15-11, mạng xã hội xuất hiện 2 clip ghi lại cảnh một người đàn ông bị hành hạ dã man. Hình ảnh của 2 clip cho thấy vụ việc xảy ra trên tàu cá ở ngoài biển. Sau đó, UBND huyện Trần Văn Thời có báo cáo về vụ việc. Theo báo cáo, trước đó, ngày 30-5, anh Trung và anh Lê Văn Bình (SN 1992, ngụ huyện Trần Văn Thời, đều làm nghề ngư phủ) đã đến Công an TT.Sông Đốc trình báo về việc mình bị hành hạ trên tàu cá. Ba người tham gia đánh là Tỵ, Toàn và Hùng.

Cụ thể, ngày 28-5, anh Bình đến Công an TT.Sông Đốc trình báo việc bị đánh gây thương tích trên tàu cá mang biển kiểm soát BT97993-TS. Sau đó, ngày 30-5, anh Trung đến Công an TT.Sông Đốc trình báo việc bị đánh gây thương tích ở tàu cá trên. Cả 2 chỉ yêu cầu bồi thường tiền thuốc mà không yêu cầu xử lý hình sự. Sau khi thoả thuận xong, cả 2 bị hại rời khỏi địa phương, không liên lạc được.

Theo trình bày của anh Bình và Trung, ngày 04-01, tàu cá BT97993-TS do bà Phạm Thị Hà làm chủ đã xuất bến để ra biển tại cửa Sông Đốc. Trên tàu có 7 người, gồm: Nguyễn Công Toàn (con bà Hà, tài công), Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ. Sau đó, anh Nguyễn Văn Hùng không làm biển được nên quá giang tàu khác vào bờ, bà Hà thay thế bằng anh Bình.

Sau khi ra biển, tàu cá BT97993-TS hoạt động bình thường. Đến ngày 23-5, anh Trung bị Toàn, Tỵ và Hùng đánh gây thương tích ở tai phải, gãy 4 răng, dập môi và gối phải. Ngày 24-5, anh Bình bị Toàn, Hùng đánh gây thương tích vùng bả vai phải và gãy một răng. Ba đối tượng trên đánh đập dã man nạn nhân bằng vỏ xe, roi đuôi cá đuối, kìm, dây thừng, dao, xẻng...

Ngày 22-11, Công an huyện Trần Văn Thời phối hợp Đồn biên phòng Sông Đốc đưa nạn nhân Trung từ ghe biển ngoài khơi về để phối hợp việc điều tra và đưa đi giám định thương tích. Riêng anh Bình hiện chưa có thông tin liên lạc, Công an huyện đang phối hợp gia đình xác minh thông tin về ghe biển mà anh này đang làm việc. Theo một nguồn tin ban đầu, trường hợp anh Bình bị đánh thương tích nhẹ hơn anh Trung và trước đó có nhận một số tiền bồi thường từ những người có liên quan.

Hoàn cảnh thương tâm

Theo bà Võ Thị Lệ (mẹ anh Trung - SN 1956, ngụ xã An Minh Bắc, huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Bà có 5 người con, anh Trung là con lớn trong nhà. Lúc mới sinh, Trung có cái bớt son ở chân, đến 5 tuổi thì chỗ này ra máu không ngừng. Sau nhiều lần đi bác sĩ ở địa phương, Trung được chuyển lên TPHCM điều trị. Bệnh tình có đỡ hơn nhưng chân để lại di chứng, mỗi tháng chảy máu 2-3 lần, đi yếu hơn các thanh niên trong xóm. Đến năm 20 tuổi, Trung theo làm công cho máy tuốt lúa, bị hạt lúa văng trúng phải múc con mắt trái để cứu con mắt còn lại, chấp nhận với cuộc sống đeo mắt giả. "Từ lúc thằng Trung bị bệnh cái chân, rồi tới hư con mắt, vợ chồng tôi phải bán lần lượt 31 công đất để có tiền chạy chữa", bà Lệ nói và cho biết, hiện tại công việc của mình là bán vé số, nhặt ve chai để có tiền đắp đổi qua ngày, mua thuốc uống vì mắc bệnh bướu tim hơn 30 năm nay.

Cảnh anh Trung bị hành hạ dã man

Bà Lệ cho biết thêm, sau khi sang tỉnh Đồng Tháp làm nghề cõng gạch mướn thì Trung được người chủ thương tình chở đi nhiều chỗ để chữa bệnh. Sau đó Trung lập gia đình và có 2 người con. Vài năm sau, thấy cuộc sống không ổn định nên vợ Trung đề nghị ly dị. Do đó, con gái nhỏ theo vợ, còn con trai thì ở với anh Trung và bà Lệ. Cách nay khoảng 8 năm, sức khoẻ ổn định hơn nên Trung quyết định theo các tàu cá để làm ngư phủ. Thấy hoàn cảnh của Trung đáng thương nên một người làm nghề biển ở TT.Sông Đốc nhận làm con nuôi. Từ đó, Trung rất ít về nhà. Dù quanh năm sống ngoài biển khơi nhưng tiền công của Trung cũng chỉ đủ nuôi thân. Mấy tháng trước, đang trên đường bán vé số, bà Lệ nhận được tin con bị hành hạ dã man nên tức tốc nhờ người chở xuống TT.Sông Đốc xem tình hình. "Đến nơi tôi thấy cơ thể con đầy vết thẹo, sức khoẻ yếu ớt. Tôi có kêu về nhà nhưng Trung nói khi nào làm sắm được sợi dây chuyền mới về", bà Lệ nghẹn ngào.

Sáng 24-11, anh Két (em trai anh Trung) cho biết: Hiện anh Trung còn đang nằm theo dõi sức khoẻ tại trụ sở Công an huyện Trần Văn Thời cũng như cung cấp thêm thông tin liên quan đến việc bị hành hạ trước đó. "Hiện tại anh tôi còn đau đầu, đau bụng, đau chân do bị tra tấn trước đó. Anh trai nói vết thương bị chém ở thắt lưng cũng thường đau nhức, khó ngủ. Do bị kìm bấm lỗ tai nên hiện tại một bên cũng không nghe rõ” - anh Két thông tin.

Nói về cuộc sống của anh trai những tháng qua, anh Két cho biết: "Sau khi chữa trị các vết thương bớt đau thì anh tôi tiếp tục theo tàu cá ra biển đánh bắt thủy sản. Ảnh nói nếu ở đây thì không có tiền trang trải cuộc sống. Lúc đầu chỉ ra nấu cơm cho các ngư phủ, làm việc nhẹ chứ không lao động nhiều như trước. Sau khi vụ việc được đăng tải, lực lượng chức năng chạy tàu ra rước anh tôi vào bờ. Do chuyến đánh bắt kéo dài 6 tháng nhưng mới làm được 5 tháng nên chưa được chia tiền công".

Theo Công an tỉnh Cà Mau, thời điểm anh Trung bị đánh, một người đi cùng tàu là T. dùng điện thoại quay lại và chuyển cho N. (ngư phủ, chưa xác định được nhân thân). Sau đó, N. chuyển cho M.T.L. (ngụ TT.Sông Đốc), rồi clip được đăng lên mạng xã hội Facebook.

Bình luận (0)

Lên đầu trang