(CAO) Sau cuộc bốc thăm may rủi để các trẻ có suất vào học tại trường mầm non, nhiều phụ huynh vui mừng vì các con "có vé", nhưng rất nhiều phụ huynh khác đành ngậm ngùi chấp nhận kết quả kém may mắn...
Trưa 27-8, cuộc bốc thăm may rủi để trẻ có được suất vào học tại trường mầm non Hoàng Liệt, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai, Hà Nội kết thúc trong hai tâm trạng vui - buồn của các bậc phụ huynh.
Phụ huynh nêu ý kiến về việc bốc thăm 'may rủi' để com được đi học trường mầm non Hoàng Liệt
Tại cuộc bốc thăm có 176 phụ huynh tham gia, nhưng chỉ chọn 80 cháu được học tại trường mầm non Hoàng Liệt.
Cuộc bốc thăm may rủi giành suất học cho con diễn ra 'nghẹt thở'
Anh Nguyễn Ngọc Dụng (37 tuổi, trú tại tổ 7A, P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai cho biết), vợ chồng anh làm công nhân, hôm nay anh may mắn bốc được "vé" để con được theo học tại trường.
"Học trường công mới xây khang trang, học phí lại thấp hơn học trường tư. Tôi may mắn bốc được "vé" để con được học tại đây. Cả hai vợ chồng làm công nhân, nếu không may "trượt" chắc tôi đành cho con ở nhà", anh Dụng bày tỏ.
Còn chị Văn Thị Hiền cho biết, số hồ sơ vào trường quá đông so với chỉ tiêu. Trước khi vào đây cũng như các phụ huynh khác chị cũng lo lắng căng thẳng. Đến khi bốc thăm được trúng cho hai con bản thân chị thấy nhẹ nhõm và may mắn nhất trong số những phụ huynh tham gia.
Anh Dự buồn khi con không may mắn được vào trường
Còn chị Vũ Phương Anh cho biết, suốt thời gian nhận được giấy mời tham gia cuộc bốc thăm giành suất học cho con, chị luôn trong trạng thái hồi hộp, lo âu.
Sáng nay, chị dậy sớm thử vận may, tuy nhiên cuối cùng chị không được may mắn như nhiều phụ huynh khác khi không thể bốc thăm được suất học cho con.
"Thật sự lúc này tôi rất buồn vì không ai mong muốn để con mình được đi học mà phải bốc thăm cả. Tôi còn có bố mẹ đã nghỉ hưu, con không đi học thì ở nhà ông bà trông, nhưng nhiều gia đình khác sẽ gặp khó khăn", chị Phương Anh cho hay.
Trong hoàn cảnh bốc thăm trượt suất học cho con, anh Phạm Tiến Dự đưa ra phản biện để các ngành chức năng Hà Nội phải có biện pháp căn cơ để những đứa trẻ có điều kiện tốt nhất được đến trường.
Anh Dự cho hay, phường Hoàng Liệt dân số đông, trong khi mỗi năm lại mọc thêm nhiều chung cư, nhà cao tầng nên sức ép dân số, nhất là dân số trẻ rất lớn khiến nhiều gia đình chịu thiệt thòi.
Bà An nêu ý kiến
"Áp lực dân cư tại phường Hoàng Liệt rất lớn nên cần có nhiều trường hơn nữa. Hiện tại quỹ đất tại đây vẫn còn, nên tăng cường đầu tư xây thêm trường, nếu cứ xảy ra tình trạng bốc thăm may rủi sẽ ảnh hưởng lớn tới thế hệ trẻ sinh sống tại đây", anh Dự cho hay.
Còn bà Nguyễn Thị An (68 tuổi, trú khu dân cư Tứ Kỳ, P.Hoàng Liệt) cho hay, từ trước khi con bà dự buổi bốc thăm, bà đã có suy nghĩ rất khó để cháu của bà có suất học tại đây vì hồ sơ nộp nhiều.
Theo bà An, gia đình bà trước đây có đất nông nghiệp canh tác trên chính vị trí ngôi trường mầm non Hoàng Liệt bây giờ và Nhà nước đã thu hồi để mở trường.
"Với gia đình khá giả, nếu trượt suất học tại đây thì có thể học trường tư, nhưng nhà tôi không có điều kiện thì lại cho cháu ở nhà", bà An nói, và cho biết thêm cháu bà đã trượt suất học tại đây.
Liên quan đến vấn đề bốc thăm cho con đi học, bà Trịnh Thị Thu Hương - Hiệu trưởng trường mầm non Hoàng Liệt cho biết, trường chỉ ưu tiên những trường hợp con em chính sách, gia đình có công với cách mạng.
Tuy nhiên qua rà soát toàn bộ 939 hồ sơ nộp vào nhà trường trong năm học này không có 1 trường hợp nào thuộc diện gia đình chính sách, không có ai được ưu tiên cả.